Một ngành học "hot" luôn dẫn đầu tỉ lệ đăng ký và vượt xa các ngành khác, thí sinh cẩn trọng

Tào Nga Thứ bảy, ngày 16/03/2024 18:16 PM (GMT+7)
Đây là nhóm ngành học luôn giữ vị trí top 1 và vượt xa các nhóm ngành khác, mỗi năm có tới trên dưới 24% tổng số thí sinh tham gia xét tuyển đăng ký học.
Bình luận 0

Ngành học "hot" trong các mùa tuyển sinh đại học 

Theo thông tin từ Bộ GDĐT, kỳ tuyển sinh đại học trong 2 năm 2022 và 2023 cho thấy, có những nhóm ngành học hot, luôn giữ vị trí top cao trong bảng thống kê kết quả tuyển sinh theo lĩnh vực. 

Trong đó, lĩnh vực kinh doanh và quản lý chiếm tỉ lệ cao nhất, vượt xa các lĩnh vực khác với 23,57% tỉ lệ thí sinh đăng ký năm 2023 và 24,54% năm 2022. 

Kinh doanh, quản lý được xem là nhóm ngành "xương sống", đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước, đem đến nhiều cơ hội cho các bạn trẻ năng động, đam mê kinh doanh. Nhóm ngành kinh doanh, quản lý được đào tạo với nhiều ngành học phong phú như: Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Kinh doanh thương mại, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị nhân lực, Bất động sản, Quản trị văn phòng, Kinh tế quốc tế... Các trường đình đám trong lĩnh vực này có thể kể đến như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Marketing, Trường Đại học Ngoại thương... Do ngành học "hot" nên thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký vào ngành này mỗi năm và khiến điểm chuẩn luôn cao chót vót.

Một ngành học "hot" luôn dẫn đầu tỉ lệ đăng ký và vượt xa các ngành khác, thí sinh cẩn trọng - Ảnh 1.

Kết quả tuyển sinh theo lĩnh vực. Ảnh: CMH

Theo Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT Lê Trường Tùng, khối ngành kinh doanh vẫn chiếm tỉ lệ tuyển sinh quá lớn, do đó cần có chính sách vĩ mô điều chỉnh để thí sinh vào học những ngành cần thiết hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vị trí tiếp theo nhận được quan tâm từ thí sinh là máy tính và công nghệ thông tin với kết quả năm 2023 và 2022 lần lượt là 11,27% và 11,79% thí sinh đăng ký. Lĩnh vực công nghệ kỹ thuật năm 2023 chiếm tỉ lệ khá cao với 10,05%.

Nằm trong top những ngành học được thí sinh quan tâm hàng năm còn có khối ngành nhân văn, sức khỏe, khoa học xã hội và hành vi, kỹ thuật, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, pháp luật, du lịch, khách sạn, thể thao và du lịch cá nhân, kiến trúc và xây dựng, báo chí và thông tin, nghệ thuật, sản xuất và chế biến...

Lo lắng những ngành học khó tuyển sinh

Ngược lại với những ngành học "hot" là những trăn trở của các trường về những ngành luôn đứng cuối bảng xếp hạng như nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, toán và thống kê, thú y, dịch vụ xã hội...

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh nêu quan điểm: Đến lúc "xốc" lại trong đào tạo các ngành khoa hoc cơ bản. Cần có giải pháp để khắc phục thiếu nhân lực khoa học cơ bản, bởi thiếu nguồn nhân lực này khó cho phát triển của đất nước.

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cũng nhắc lại những khó khăn khi triển khai Nghị định 116 trong đào tạo sư phạm và đề nghị cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn, không chỉ Bộ GDĐT mà còn của các Bộ, ngành, địa phương.

Đại diện Sở GDĐT tỉnh Nam Định trong trao đổi chia sẻ băn khoăn khi học sinh thi nhau học ngoại ngữ để lấy chứng chỉ xét tuyển đại học, hay tỷ lệ lựa chọn xét tuyển khối Khoa học Xã hội cao hơn Khoa học Tự nhiên. Từ đó kiến nghị, Bộ GDĐT có giải pháp phân bổ chỉ tiêu cân đối giữa Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.

PGS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng, cơ cấu ngành học hiện nay có sự bất cập liên quan đến các ngành khoa học cơ bản. Người học chạy theo những ngành xu thế, ngành hot, còn những ngành cần thiết cho sự phát triển lâu dài của đất nước, của xã hội thì không nhận được nhiều sự quan tâm.

Tại Đại học Quốc gia TP.HCM, có những ngành tuyển không nổi 10 sinh viên hoặc chưa tới 50% chỉ tiêu như: Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học, Khoa học môi trường... Một số ngành như Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý chỉ duy trì tuyển khoảng 50-100 sinh viên mỗi năm, ít hơn các ngành khác.

PGS-TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội thừa nhận các ngành khoa học cơ bản tuyển sinh rất khó khăn: "Những ngành này không phải không có cơ hội việc làm, hiện nay nhà nước rất cần những chuyên gia giỏi. Tuy nhiên sau khi ra trường, môi trường làm việc của ngành khoa học cơ bản không được thuận lợi như những ngành khác; phần lớn việc làm ở cơ qua nhà nước, lương khởi điểm thấp. Trong khi đó thống kê cho thấy, những năm gần đây tỉ lệ làm việc trong các doanh nghiệp bên ngoài chiếm đa phần, chỉ trừ một số vẫn muốn theo hướng nghiên cứu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem