Một ngày với “biệt đội” taxi cấp cứu F0 (Bài 2): Lần đầu chứng kiến nỗi đau…

Chinh Hoàng Thứ hai, ngày 16/08/2021 07:00 AM (GMT+7)
Ngồi ăn cơm với nhau trong đêm mà cả đội vừa ăn, vừa khóc. Khốc liệt nhất, bi thương nhất và tàn nhẫn nhất chính là thấy người bệnh từ từ ra đi mà mình không cứu được.
Bình luận 0

Bất lực

Đang ngồi trò chuyện với phóng viên, điện thoại của Lê Tấn Sang (sinh viên Y năm 3, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), thành viên đội taxi F0 (quận 4, TP.HCM) vang lên. Lần này là một bệnh nhân nam, tình trạng rất nặng. Chỉ trong ít phút, đội của Sang đã tới nhà bệnh nhân. Bước vào căn phòng, cả đội thấy một người đàn ông nằm bất động.

Một ngày với “biệt đội” taxi F0: (Bài 2) Lần đầu chứng kiến nỗi đau… - Ảnh 1.

Nhóm của Sang và Minh đang đặt oxy hỗ trợ cho bệnh nhân F0 tại nhà ở quận 4, ngày 14/8. (Ảnh: Chinh Hoàng)

Sang và Ngọc Minh (cùng nhóm) tiến hành đặt oxy và đo chỉ số SpO2, lần 1 không lên, lần 2 không lên…, không có chỉ số nào hoạt động cả. Tức tốc hai bạn chuyển sang động tác "ép tim ngoài lồng ngực" với hy vọng lấy lại hơi thở cho người bệnh. Nhưng sau một khoảng thời gian cấp cứu, người bệnh đã không thể thoát khỏi tay tử thần và ra đi.

"Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh bệnh nhân mất ngay tại nhà. Dù sao chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức rồi…", Sang đau buồn nói.

Báo với người nhà lo hậu sự, Sang cùng đội dọn bình oxy lên xe trong nỗi xót xa: "Chúng tôi đã cấp cứu rất nhiều ca bệnh, nặng có, nhẹ có và thất bại cũng có. Nhưng tất cả đều cố gắng bằng mọi cách để đưa bệnh nhân tới bệnh viện khi còn cơ hội".

Một ngày với “biệt đội” taxi F0: (Bài 2) Lần đầu chứng kiến nỗi đau… - Ảnh 2.

Người nhà bệnh nhân thẩn thờ lo lắng cho tình hình của người thân. (Ảnh: Chinh Hoàng)

"Có những đêm, anh em chuyển bệnh nhân chờ nhau về, mà chờ từ 22h đêm cho đến gần 4h sáng mới được bệnh viện tiếp nhận. Ngồi ăn cơm với nhau trong đêm, cả đội vừa ăn, vừa khóc. Khốc liệt nhất, bi thương nhất và tàn nhẫn nhất chính là thấy người bệnh từ từ ra đi mà mình không làm gì được", Ngọc Minh chia sẻ.

"Ai cũng sợ hết rồi ai đi?"

Đồng hành cùng với Sang và Minh có nhiều tài xế, nhưng chuyến xe hôm 14/8, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Văn Mỹ (50 tuổi). Thay vì ở nhà tránh dịch, ông Mỹ đã đăng ký tham gia làm tài xế cấp cứu bệnh nhân F0.

Một ngày với “biệt đội” taxi F0: (Bài 2) Lần đầu chứng kiến nỗi đau… - Ảnh 3.

Tài xế xe taxi Nguyễn Văn Mỹ đồng hành với đội cấp cứu bệnh nhân F0 từ những ngày đầu, ảnh chụp ngày 14/8. (Ảnh: Chinh Hoàng)

"Tôi chưa hề có ý nghĩ sợ công việc mà tôi đang làm. Tôi cũng khá lớn tuổi rồi, giúp ích được gì cho cộng đồng thì giúp, chứ người nào cũng sợ hết rồi ai đi?", ông Mỹ nói.

Có những lúc, vừa hoàn thành xong ca bệnh này, về đến nơi lại có ca khác trở nặng, ông Mỹ cũng không nề hà tiếp tục lên đường.

"Mặc dù chân bị chứng xương khớp, nhiều lúc đau nhức chịu không nổi, nhưng mình nghĩ đời này sống được bao nhiêu đâu mà sợ. Thực ra, con cái ở nhà cũng lo lắng lắm, cứ nhắn tin gọi điện hỏi miết, tôi chỉ biết động viên con: Ba tự biết lo mà!", ông Mỹ trải lòng.


Theo đặc phái viên của Sở Y tế TP.HCM - TS.BS Võ Hoàng Nhân, các đội taxi cấp cứu bệnh nhân F0 được xem như đội nhân viên y tế phản ứng nhanh, tiếp nhận thông tin và đến với bà con nhanh chóng nhất.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số khó khăn như nhân viên y tế theo xe hiện đang còn rất hạn chế bởi đây được xem như một "tuyến lửa", độ vất vả, khó khăn rất nhiều so với các tuyến khác. Các công cụ, thiết bị y tế cũng còn thiếu thốn rất nhiều.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem