Một thôn của tỉnh Bắc Giang, dân thi nhau mua lợn đen về chăm, đến ngày giờ cho tắm rượu gừng mang đi cúng tế

Thứ năm, ngày 21/03/2024 13:01 PM (GMT+7)
Ngày 20/3 (tức 11/2 Âm lịch), người dân thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) tổ chức lễ tế và rước lợn đen truyền thống để tưởng nhớ công lao cụ Hoàng Phó Lang là vị quan thời Lê và cũng là người trí thức đầu tiên của làng.
Bình luận 0

Cụ Hoàng Phó Lang sinh ra và lớn lên ở làng Phụng Pháp xưa, nay là thôn Tân Phượng. Sinh thời, cụ là người học rộng, từng thi đỗ đầu bảng 3 khóa (thi Hương, thi Hội, thi Đình). Cụ luôn quan tâm khai phá đất đai, chăm lo mùa màng, giúp nhân dân trong vùng có đời sống no ấm. 

Ghi nhớ công ơn của cụ, dân làng lập nghè thờ. Theo các bậc cao niên trong làng, xưa kia, cuộc sống của dân làng còn thiếu thốn, thịt lợn là thực phẩm quý, nhất là thịt lợn đen. Với tình cảm biết ơn và lòng thành kính, người dân chọn lễ vật là lợn đen mỗi dịp tế.

Lễ tế lợn đen từng bị mai một trong năm tháng chiến tranh song từ những năm 90 của thế kỷ XX, tục lệ được nhân dân khôi phục và gìn giữ cho đến hôm nay. Trước đây, buổi lễ được tổ chức vào ngày 12/2 âm lịch. Tuy nhiên, do số lượng lễ vật cung tiến ngày càng nhiều, buổi lễ được tổ chức sớm hơn một ngày để hôm sau khao làng.

Một thôn của tỉnh Bắc Giang, dân thi nhau mua lợn đen về chăm, đến ngày giờ cho tắm rượu gừng mang đi cúng tế- Ảnh 1.

Cụ Hoàng Thanh Tâm, 83 tuổi đại diện dân làng đọc bài văn khấn tại buổi lễ tế lợn đen thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).

Nhằm chuẩn bị cho lễ tế, trước đó vài tháng, các tập thể, hộ gia đình chọn mua con lợn đen tuyền về chăm sóc, vỗ béo. Không phân biệt to, nhỏ, lễ vật tỏ lòng thành tâm của người dân. Năm nay, thôn Tân Phượng có 19 tập thể, cá nhân có lợn tế, nhiều hơn năm trước 2 con. Từ sáng sớm, các tập thể, hộ gia đình, cá nhân có mặt tại Nhà văn hóa thôn để sắp đặt mâm lễ.

Anh Hoàng Văn Thanh, thôn Tân Phượng cho biết: “5 năm nay, năm nào gia đình tôi cũng chọn mua một con lợn đen để dâng lễ. Năm nay tôi đặt mua lợn ở tỉnh Hà Giang từ trước Tết Nguyên đán. Lợn nặng hơn 1,3 tạ, được gia đình chăm sóc cẩn thận”.

Một thôn của tỉnh Bắc Giang, dân thi nhau mua lợn đen về chăm, đến ngày giờ cho tắm rượu gừng mang đi cúng tế- Ảnh 2.

Hội đồng học Tân Phượng 1984-1985 dâng lễ vào nghè.

Tất cả lợn đen trước khi rước ra Nhà văn hóa thôn được tắm rượu gừng sạch sẽ, đưa vào chuồng có trang trí bằng những dải vải lụa đỏ, tết hoa đẹp mắt và được đánh số tuần tự. Những con lợn màu đen tuyền, mông, vai bằng nhau, khỏe mạnh được chọn đi đầu. Đoàn rước di chuyển trên trục đường chính, lần lượt đi qua cổng làng, đình, chùa trong tiếng trống, phách và niềm vui, tự hào của nhân dân và du khách thập phương.

Theo sắp xếp của Ban tổ chức, sau khi đưa lợn đen tiến vào cửa nghè, người đại diện do dân làng cử ra đọc văn khấn bày tỏ lòng biết ơn đến công lao to lớn của cụ Hoàng Phó Lang nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, cầu cho quốc thái dân an, gia đình mạnh khỏe, con cháu học tập tiến bộ.

Sau lễ tế, các tổ chức, dòng họ, gia đình dẫn lợn về nhà làm cỗ mời con cháu, họ hàng thụ lộc; một phần dành để khao dân làng, du khách thập phương tại sân nghè vào ngày 21/3 (ngày 12/2 âm lịch). Bên lề lễ tế còn có chương trình giao lưu văn nghệ, trò chơi bịp mắt bắt vịt thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Hoài Thu - Đỗ Quyên (Báo Bắc Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem