Mũ bảo hiểm giả ngày càng tinh vi, khó phân biệt

Quốc Ngọc Thứ năm, ngày 14/10/2021 15:11 PM (GMT+7)
Các cửa hàng vừa kinh doanh mũ bảo hiểm chất lượng, vừa bán lẫn lộn mũ kém chất lượng khiến người tiêu dùng, cơ quan chức năng rất khó phân biệt...
Bình luận 0

Ngày 13/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã có báo cáo công tác kiểm tra và xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, vi phạm trong giai đoạn từ năm 2018-2021.

Theo đó, trong gần 4 năm qua, Cục Quản lý thị trường  (QLTT)  TP.HCM đã kiểm tra, xử lý 76 vụ, xử phạt hành chính với số tiền hơn 732 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu, xử lý 19.552 mũ bảo hiểm và 10.824 đơn vị nguyên vật liệu dùng sản xuất mũ bảo hiểm, với tổng trị giá hơn 1,1 tỷ đồng.

Riêng 9 tháng đầu năm 2021, Cục QLTT TP.HCM đã kiểm tra, xử lý 5 vụ, xử phạt hành chính gần 71 triệu đồng; tịch thu, xử lý 934 mũ bảo hiểm các loại và 2.607 nguyên vật liệu, với tổng trị giá hơn 83 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu như: kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; sản xuất hàng không có giá trị sử dụng, công dụng; hàng hóa không hóa đơn, chứng từ; hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Mũ bảo hiểm giả ngày càng tinh vi, khó phân biệt - Ảnh 1.

Một vu sản xuất - kinh doanh mũ bảo hiểm giả được cơ quan chức năng phát hiện ở quận Bình Tân, TP.HCM, vào tháng 4/2021. Ảnh: T.L

Theo Cục QLTT TP.HCM: Hiện nay, mũ bảo hiểm giả mạo nhãn hàng hóa, giả mạo nhãn hiệu được sản xuất ngày càng tinh vi, đa dạng về hình thức, mẫu mã. Lợi dụng kẽ hở pháp luật, cơ chế chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất, kinh doanh trong ngành hàng này.

Nên một số đối tượng lợi dụng cấu kết, trao đổi mua bán, cung cấp nguồn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, linh kiện. Nguồn hàng này có giá rẻ, không bảo đảm chất lượng.

Các đối tượng tự in nhãn hàng hóa, dán dấu hợp quy giả mạo lên các sản phẩm mũ bảo hiểm chưa được đăng kiểm, chứng nhận hợp quy. Một số cửa hàng vừa kinh doanh mũ bảo hiểm đạt chất lượng vừa bán kèm lẫn lộn mũ bảo hiểm kém chất lượng. Người tiêu dùng, cơ quan chức năng rất khó khăn phân biệt đâu là hàng thật, hàng giả nếu không thực hiện gửi mẫu kiểm định, xác minh nguồn gốc, xuất xứ.

Mũ bảo hiểm giả ngày càng tinh vi, khó phân biệt - Ảnh 3.

Hiện tượng sản xuất hàng giả đang là vấn nạn đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ảnh: Hoàng Hưng

Bên cạnh đó, mũ bảo hiểm giả mạo, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hoặc nhập lậu với giá rẻ, được một số tổ chức, cá nhân sử dụng làm hàng khuyến mãi cho khách hàng.

Các sản phẩm trên có khi được bày bán trên vỉa hè, lòng đường với số lượng ít, nên khi lực lượng chức năng kiểm tra, người bán nhanh chóng thu dọn, cất giấu. Hoặc mũ bảo hiểm được sản xuất, lắp ráp với qui mô nhỏ, thời vụ có địa điểm cách xa khu dân cư, tại các vùng ven nên việc quản lý, kểm tra, xác định đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn nếu không có đơn thư tố cáo.

Ngoài ra, các đối tượng vi phạm không có địa điểm sản xuất, kinh doanh hoặc nơi ở cố định nên khi bị kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đã không chấp hành, bỏ đi nơi khác.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem