Mức sinh thấp làm già hóa dân số, tăng nguy cơ lựa chọn giới tính khi sinh

Diệu Linh Thứ năm, ngày 24/12/2020 13:36 PM (GMT+7)
TP HCM đang có mức sinh thấp nhất cả nước với khoảng 1,3-1.4 con/1 phụ nữ. Tuy nhiên, xu hướng này đang lan rộng tới nhiều tỉnh thành phố...
Bình luận 0

Trong buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: Vì sao cần điều chỉnh mức sinh phù hợp? do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức ngày 24/12, ông Nguyễn Văn Tân - Nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số chia sẻ: "Thế giới đã có 1 kinh nghiệm phổ quát như sau: Có rất nhiều nước thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa chứng kiến một nước nào thành công trong việc tăng sinh khi mức sinh đã xuống quá thấp". 

Điều chỉnh mức sinh thấp lên cao rất khó

Ông Tân dẫn chứng, ví dụ Hàn Quốc chỉ mất 21 năm (từ 1962 - 1983) để đạt mức sinh thay thế. Sau đó, Hàn Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách giảm sinh. Đến năm 1996, khi mức sinh giảm chỉ còn 1,59 con họ mới thôi thực hiện chính sách giảm sinh. Mức sinh ở Hàn Quốc tiếp tục giảm và xuống mức 1,05 con/1 phụ nữ vào 2005.

Lúc đó, Hàn Quốc bắt đầu thực hiện chính sách khuyến sinh do một ủy ban ứng phó với già hóa và mức sinh thấp do đích thân tổng thống đứng đầu cùng tất cả các bộ trưởng, đầu tư mỗi năm hàng chục tỉ USD nhưng mức sinh vẫn không tăng lên mà vẫn tiếp tục xuống. Năm 2018, mức sinh của Hàn Quốc chỉ còn 0,95 con/1 phụ nữ. Có nhiều nước đã xảy ra câu chuyện tương tự như Hàn Quốc.

Lo ngại về mức sinh thấp - Ảnh 1.

Mức sinh thấp (dưới 2 con/1 phụ nữ) sẽ đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số. Ảnh minh họa

"Ở Việt Nam nơi có mức sinh thấp nhất được ghi nhận là TPHCM. Mức sinh của TPHCM khoảng 1,3-1,4/1 phụ nữ trong thời gian khá dài. Đối với cả nước, nếu chỉ có TPHCM có mức sinh thấp không phải là vấn đề đáng lo ngại. Song điều đáng lo ngại hơn là xu thế này đang lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, trở thành một xu thế trong điều kiện hiện nay (đã có đến 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp)", ông Tân cho biết. 

Ông Tân nhận định, mức sinh cao hay thấp không chỉ tác động đến quy mô dân số mà còn tác động đến tất cả những khía cạnh khác của dân số như cơ cấu, phân bổ dân số. Mức sinh cao sẽ tạo ra cơ cấu dân số trẻ, ngược lại, mức sinh thấp sẽ dẫn đến già hóa dân số. Trong văn hóa Nho giáo, nếu ép mức sinh quá thấp cũng là một nguyên nhân làm tăng tỷ số giới tính khi sinh, tăng sự lựa chọn sinh con trai....

Theo ông Tân, việc nâng mức sinh đang ở mức xuống quá thấp tăng trở lại thực sự là một thách thức lớn đối với những địa phương có mức sinh thấp nói riêng và đối với cả nước nói chung. Sở dĩ như vậy là vì thực tế việc tăng mức sinh lên ở những nơi có mức sinh thấp là việc khó khăn, kinh nghiệm thế giới cũng đã cho thấy như vậy. 

"Vận động khuyến sinh để điều chỉnh mức sinh thấp cho đạt mức sinh thay thế là việc mới chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, cơ hội thành công của việc này ở Việt Nam khá lớn vì mức sinh của chúng ta vẫn chưa xuống quá thấp. Việc trước mắt là chúng ta không để mức sinh (tính trên phạm vi cả nước) tiếp tục giảm xuống", ông Tân nhận định. 

Cần có nghiên cứu sâu về mức sinh thấp

Còn theo TS Đặng Vũ Cảnh Linh - Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chúng ta cần có những nghiên cứu khoa học để đánh giá, làm rõ sự khác biệt về mức sinh giữa các vùng miền, xác định chắc chắn những yếu tố tác động làm, nguyên nhân chính để dẫn tới mức sinh ở vùng đó cao hay thấp. 

"Theo suy nghĩ của tôi (có thể là cá nhân và chưa chắc chắn) ngoài những yếu tố tác động cơ bản như kể trên thì có một nguyên nhân đó là các vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ hay thành phố Hồ Chí Minh có mức sinh thấp là do sự biến động cơ học về di cư và lao động liên tục", TS Linh nói. 

TS Linh phân tích thêm, với những khu vực có nhiều nhóm người lao động thường xuyên di chuyển, cư trú trên diện rộng, không ổn định, thì đồng nghĩa với việc điều kiện sống gia đình không ổn định, cố định. Khi công việc kiếm sống, nghề nghiệp luôn được ưu tiên hàng đầu thì đương nhiên việc sinh con, đẻ cái đều được các cặp vợ chồng tính toán, không quyết định sinh con vội vàng hay dễ dàng trong thời điểm họ đang bận rộn và có nhiều mối quan tâm cho công việc.

Theo TS Linh, mức sinh thấp cũng giống như mức sinh cao, sự chênh lệch này biểu hiện rõ khác biệt điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa - vùng miền và đặc biệt nhận thức, hành vi các cặp vợ chồng. "Lười đẻ" xuất hiện trong các gia đình khá giả nhưng bận rộn công việc, thăng tiến xã hội. Ngược lại cũng xuất hiện tại các gia đình kinh tế khó khăn, không ổn định công ăn, việc làm, điều kiện cư trú. Như vậy đây là sự tương phản giữa 2 nhóm xã hội theo kinh tế ở tầng lớp thu nhập cao và tầng lớp thu nhập thấp cùng có những khó khăn và quan niệm về hạn chế sinh đẻ. TS Linh cho rằng cần có thêm những nghiên cứu khoa học cẩn thận về vấn đề này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem