MV "There's no one at all" của Sơn Tùng M-TP vừa ra mắt đã bị phản đối vì phản giáo dục

Tào Nga Thứ sáu, ngày 29/04/2022 12:23 PM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng phản đối MV "There's no one at all" của Sơn Tùng M-TP vì không phù hợp cho giới trẻ, thậm chí phản giáo dục.
Bình luận 0

MV "There's no one at all" của Sơn Tùng M-TP bị phản đối

MV "There's no one at all" do Sơn Tùng M-TP sáng tác bằng tiếng Anh vừa phát hành tối 28/4 theo hình thức YouTube Premiere (công chiếu trực tiếp) hút gần 216.000 lượt xem cùng lúc. Tính đến sáng ngày 29/4, clip đã nhận được hơn 5 triệu lượt xem. 

Sơn Tùng M-TP chia sẻ về nội dung clip, ý tưởng làm MV nảy ra trong quá trình thu âm. Anh nghĩ về câu chuyện một đứa bé không gia đình nhưng luôn mang niềm tin một ngày nào đó mẹ sẽ trở lại đón mình, dành tình yêu thương. Cậu cố gắng để được sống như người bình thường nhưng số phận lại không mỉm cười, lớn lên trong sự cô đơn, thường bị bạn bè buông lời ác ý, đánh đập. Sơn Tùng M-TP có tạo hình mái tóc xoăn, khuôn mặt sầu thảm, đầy sẹo. MV sử dụng chủ yếu gam màu trầm, tạo cảm giác ma mị ở người xem. Phần lời về cuối liên tục lặp lại cụm từ "There's no one at all" ("Không có ai cả"). Cuối cùng, nhân vật chính đã khóc và thả mình từ tầng cao. 

img
img
img

Sơn Tùng vào vai chàng trai bị bế tắc trong cuộc sống. Ảnh: CMH

Ngay sau khi vừa ra mắt, nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng phản đối clip "There's no one at all" của Sơn Tùng M-TP vì không phù hợp cho giới trẻ, thậm chí phản giáo dục.

Anh Nguyễn Văn Đức, một phụ huynh ở quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết: "Sơn Tùng bế tắc là việc của Sơn Tùng nhưng việc đưa clip này lên thông tin đại chúng là phản giáo dục. Cần điều chỉnh trước khi quá muộn". 

Chung quan điểm, chị Đỗ Hà Phương, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay: "Tôi giật mình khi xem cảnh cuối. Cảm giác tim bị thắt lại. Thật đáng sợ nếu như MV này lan truyền và các bạn trẻ học theo". Theo chị Phương, Sơn Tùng không nên có MV này khi thời gian vừa qua một số học sinh bị trầm cảm, áp lực học tập, cuộc sống đã có hành động dại dột.

Liên quan đến clip này, TS Đàm Quang Minh, CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục EQuest bày tỏ ý kiến: "Sơn Tùng MTP vừa ra một clip hoàn toàn không phù hợp cho giới trẻ và hiện đã được rất nhiều người xem. Clip kể về bạn trẻ nổi loạn cuối cùng đã chọn cách tự kết liễu cuộc sống của chính mình. Tôi cho rằng, Tùng là một nghệ sĩ có tài, có tầm ảnh hưởng rất lớn và có nhiều bạn trẻ thần tượng. Vì vậy, với clip này, Tùng nên tự gỡ bỏ và có lời xin lỗi công khai. Đây là hành động kịp thời trước khi mọi việc đi quá xa".

TS Đàm Quang Minh nhấn mạnh, mọi người nên "report" để loại bỏ clip này ra khỏi các kênh như YouTube hoặc kênh được nhiều bạn trẻ tiếp cận.

Lo sợ giới trẻ sẽ bắt chước theo

Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: "Về yếu tố tâm lý, clip muốn bày tỏ cảm xúc của một đứa trẻ nổi loạn, của những giây phút bốc đồng muốn phá bỏ những giới hạn hay những qui tắc tạo ra áp lực thường ngày để trở thành một nhân vật mạnh mẽ, vĩ đại như siêu anh hùng tiềm ẩn trong tâm trí trẻ. Sự vật vã, hành vi bộc lộ tổn thương bên trong, bất bình với áp lực bên ngoài, dẫn đến trạng thái tự cô lập và bế tắc vì thiếu những cây cầu kết nối của những người lẽ ra phải đồng hành bên cạnh (thầy cô, cha mẹ, bạn bè... ).

Tác giả clip bày tỏ một hậu quả của rối loạn tâm lý tạo ra hiện tượng suy giảm lòng tự trọng đến cùng cực, và chứng minh hành động tự đánh bại bản thân bằng hành vi tự tử. Ở đây có thể nhận định mục tiêu của người kể chuyện không phải là tiêu cực mà mong mỏi diễn tả một phần nội tâm của nhiều bạn trẻ đang cảm thấy bị cầm tù về tinh thần, muốn thoát khỏi mà không biết cách nào hợp lý, không tìm thấy người giúp đỡ. 

Tuy nhiên phương pháp chưa đúng về khoa học tâm lý, mặc dù rất lôi cuốn về tiếp cận nghệ thuật. Kết quả thực tế của clip sẽ dẫn đến hiệu ứng lây lan thông điệp cảm xúc sai cho các bạn tuổi teen, do nguyên lý khoa học của cảm xúc người xem sẽ lại lưu lại kết quả chứ ít khi nhớ về nguyên nhân như tác giả mong đợi. 

Và kết quả ở đây là nguy hiểm vì đó là một hành động tự tử, đặc biệt nguy hiểm hơn khi nó được kể bởi một nhân vật được hâm mộ của giới trẻ là ngôi sao Sơn Tùng. Khi ngôi sao kể chuyện, những người hâm mộ rất có thể sẽ đơn giản bắt chước tại một thời điểm khủng hoảng tâm lý nào đó, và phổ biến nhất là đều chia sẻ câu chuyện của thần tượng đưa ra mà không cần chú ý giải thích nội dung cho bạn bè cùng sở thích. Lan tỏa này tới mức độ đủ lớn sẽ triệt tiêu tính tích cực của câu chuyện mà chỉ nhân lên hậu quả không mong muốn của hành vi tự tử".

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình Sơn, giải pháp tốt nhất là chính tác giả cần có thêm những giải thích bằng ngôn ngữ dễ hiểu hơn cho người xem biết rõ tính phản biện của câu chuyện đối với hành vi tự tử, bên cạnh tiếp cận nghệ thuật cần có cho một clip âm nhạc".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem