Đến năm 2025, TP.HCM sẽ định hình giống vật nuôi công nghệ cao ra sao?

An Hải Thứ bảy, ngày 18/11/2023 10:06 AM (GMT+7)
Đến năm 2025, TP.HCM sẽ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất con giống đối với bò sữa, bò thịt, heo; nhập khẩu đưa các dòng tình cao sản bò sữa, bò thịt, các giống heo có năng suất, chất lượng cao từ các nước tiến bộ.
Bình luận 0

Kế hoạch triển khai chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất con giống đối với bò sữa, bò thịt, heo. Cùng với đó là nhập khẩu đưa các dòng tình cao sản bò sữa, bò thịt, các giống heo có năng suất, chất lượng cao từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến, làm mới đàn giống hiện hữu và tạo tổ hợp lai, dòng mới.

Đến năm 2025, TP.HCM sẽ định hình giống vật nuôi công nghệ cao ra sao? - Ảnh 1.

TP.HCM đặt mục tiêu năm 2025, tổng đàn heo đạt 200.000 con. Ảnh minh họa: TL

Về ngành chăn nuôi heo, kế hoạch đặt mục tiêu duy trì tổng đàn heo đạt 200.000 con. Trong đó nái sinh sản chiếm 16%, giống cụ kỵ (GGP) đạt 2.750 con. 

Đồng thời, cải tiến nâng cao chất lượng giống, phấn đấu 50% các cơ sở giống được quản lý dữ liệu. Trên 40% các cơ sở sản xuất giống heo trên địa bàn thành phố được chứng nhận con giống theo các tiêu chuẩn hiện hành, 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được chứng nhận con giống thuần. Hình thành hệ thống tháp giống 4 cấp, và cung cấp cho thị trường trên 350.000 heo con giống các loại/năm.

Về bò sữa, TP.HCM đặt mục tiêu tiếp tục duy trì đàn bò sữa đạt 60.000 con, trong đó cái sinh sản chiếm từ 65% - 70% và cái vắt sữa chiếm 50%; xây dựng đàn hạt nhân chiếm 1% - 2% tổng đàn bò sữa thành phố.

Ngành giống bò thịt đặt mục tiêu phát triển đàn bò thịt đạt 50.000 con, cung cấp cho thị trường 15.000 tấn thịt bò hơi, trên 4.000 bò cái giống.

Riêng ngành giống thủy sản nước ngọt, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sản xuất giống thủy sản nước ngọt chất lượng cao (cá rô phi đơn tính dòng Gift, cá điêu hổng, lươn, tôm càng xanh...); giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá chạch lấu... 

Tổng số lượng sản xuất giống đạt khoảng 0,3 - 0,8 tỷ con/năm. Trong đó cá rô phi đơn tính dòng Gift đạt 120 - 150 triệu con, tôm càng xanh toàn đực là 4 triệu Portlarve.

Đến năm 2025, TP.HCM sẽ định hình giống vật nuôi công nghệ cao ra sao? - Ảnh 3.

Kế hoạch triển khai chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tập trung phát triển các giống vật nuôi công nghệ cao. Ảnh: Q.S

Về giống thủy sản nước mặn lợ, thành phố sẽ thực hiện sản xuất thuần dưỡng khoảng 0,5 - 1 tỷ con/năm đối với tôm giống Portlarve; nhuyễn thể (nghêu. sò huyết, ốc hương....) sản xuất 30 - 40 tỷ con/năm; thủy sản nước mặn lợ khác 200 - 300 triệu con/năm.

Riêng ngành cá cảnh tiếp tục duy trì chọn lọc các giống cá cảnh có giá trị cao. Tổng sản lượng sản xuất đạt khoảng 220 - 260 triệu con/năm (các loại cá: đĩa, chép koi, cá rồng, hòa lan, hồng kim, bạch kim, bình tích, trân châu, mô li, xiêm, ông tiên, ngựa vằn, la hán, phượng hoàng, neon,... ); xuất khẩu khoảng 28 - 32 triệu con; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 25 - 30 triệu USD.

Theo Sở NNPTNT, hướng phát triển nông nghiệp của TP.HCM là phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. TP.HCM sẽ là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, cung cấp cho thành phố và khu vực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem