Ngăn chặn trẻ em tự tử: Chúng ta đang bỏ quên điều gì?

BS. Nguyễn Trọng An - Nguyên phó Cục trưởng Cục Trẻ em Thứ sáu, ngày 08/04/2022 06:00 AM (GMT+7)
Nhiều ý kiến cho rằng 90% nguyên nhân trẻ vị thành niên tự tử là do các bệnh lý về tâm thần. Nhưng nếu như vậy thì vô tình chúng ta đã bỏ quên gốc rễ của vấn đề chính là tâm lý xã hội...
Bình luận 0

Báo Dân Việt xin được giới thiệu bài viết của Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển môi trường sức khỏe, Nguyên phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH). 

Học sinh tự tử có liên quan đến những rối loạn xã hội?

Nói về nguyên nhân tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên là một phức hợp. Có khá nhiều những yếu tố nguy cơ đối với việc hình thành ý nghĩ tự tử và thực hiện hành vi tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên, có thể kể tới như:

Bị xâm hại hoặc bóc lột tình dục, bạo lực thân thể và tình cảm;

Các áp lực về học hành từ gia đình hoặc nhà trường, bị bắt nạt bạo lực học đường…. sự gắn bó với nhà trường và vị trí trường học;

Tình trạng sứt mẻ trong quan hệ tình cảm nam nữ hoặc người thân trong gia đình,….;

Tình trạng trầm cảm, lo âu, các cảm xúc buồn bã và vô vọng hoặc bị kích động, tác động bởi ma túy, chất kích thích …. cũng có liên quan đến ý định tự tử và thực hiện hành vi tự tử.

Ngăn chặn tự tử ở thanh thiếu niên: Chúng ta đang thiếu gì? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trọng An chỉ ra các nguyên nhân khiến trẻ có thể tự tử. Ảnh: N.D

Đặc biệt ở Việt Nam trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ em và thanh thiếu niên phải cách ly xã hội. Các cơ sở vui chơi giải trí, phát triển văn hóa tinh thần trẻ em bị đóng cửa. Các em lại phải học online, nhiều em chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường, không được giao tiếp bạn bè và tiếp xúc xã hội và môi trường tự nhiên. 

Đó là chưa kể đến nhiều gia đình, các em còn bị chửi mắng và bạo lực từ các thành viên của gia đình. Ngoài nguyên nhân từ các em thì còn có cả những nguyên nhân là do bản thân người lớn và các bậc cha mẹ cũng bị rơi vào tình trạng tương tự vì thế nhiều cha mẹ đã đổ mọi bực bội lên đầu con em mình…. 

Tất cả những nguyên nhân trên càng làm trầm trọng thêm vấn đề tâm lý xã hội của trẻ em. Theo thông báo của UNICEF, có tới 29% thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trên thực tế đã có rất nhiều em đã bị rối nhiễu tâm trí, nhiều em chuyển thành bệnh thực thể như lo âu, trầm cảm... và hậu quả là những vụ thanh thiếu niên tự thương và tự tử rất thương tâm.

 Nhiều ý kiến cho rằng 90% nguyên nhân trẻ vị thành niên tự tử là do các bệnh lý về tâm thần. Nhưng nếu như vậy thì vô tình chúng ta đã bỏ quên mất vấn đề tâm lý xã hội, vì đây mới chính nguyên nhân gốc rễ dẫn tới sự rối loạn xã hội như bạo lực, xâm hại, sử dụng ma túy, cướp của, giết người, tự tử … gây rối loạn xã hội.

Gốc rễ của vấn đề phải tìm hiểu chính là do đâu học sinh bị trầm cảm? Theo tôi đây là vấn đề tâm lý xã hội và chúng ta cần thiết phải có một sơ đồ nguyên nhân: Sức ép từ gia đình, nhà trường, môi trường học tập, bạn bè cùng trang lứa, tình cảm nam nữ và vấn đề yêu đương của học sinh, vấn đề bị lạm dụng, bạo lực, xâm hại tình dục, việc sử dụng ma tuý học đường do bị lôi kéo ép buộc…

Tôi cho rằng để cải thiện vấn đề này cần phải có sự vào cuộc và phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp. Nhưng quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của gia đình và nhà trường và ở cấp cộng đồng.

Chúng ta cần hiểu rõ rằng các vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối nhiễu tâm trí, lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần chỉ có một tỷ lệ nhỏ do huyết thống, bệnh lý di truyền. Nguyên nhân còn lại hầu hết đều là hậu quả tác động kéo dài, lặp đi lặp lại của các vấn đề xã hội gây ra những rối nhiễu về tâm lý xã hội. Bên cạnh đó là có sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi vị thành niên nên trẻ rất dễ bị xúi giục, kích động dẫn tới những hành động bột phát.

Chính vì vậy, vấn đề phòng ngừa tự tử nói riêng và phòng ngừa các vấn đề rối nhiễu tâm lý xã hội nói chung phải được đặt lên hàng đầu. Vấn đề bệnh lý tâm thần thì chỉ cần ngành Y tế can thiệp là chính, nhưng vấn đề tâm lý xã hội yêu cầu mọi ngành, mọi tầng lớp xã hội phải đều phải có trách nhiệm, cùng vào cuộc để phòng ngừa và phát hiện ngăn chặn sớm.

Một nghịch lý là hiện nay nước ta chưa quan tâm đúng mức đến công tác dự phòng các vấn đề tâm lý xã hội và tự tử. Vì thế, hầu hết các vụ việc từ bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, tự tử trẻ em và vị thành niên đều phát hiện muộn.

 Cụ thể, nước ta đang thiếu hụt một hệ thống cán bộ công tác xã hội với trẻ em ở cộng đồng và hệ thống cán bộ tâm lý học đường trong hệ thống giáo dục. Đây là đội ngũ đặc biệt quan trọng và cần thiết, ngay bước đầu của chuỗi dây chuyền gây ra các rối loạn và hậu quả xấu như bạo lực xâm hại, tự tử ở thanh thiếu niên. 

Thêm nữa đội ngũ này được đào tạo, có kỹ năng và kiến thức có thể tư vấn, phát hiện và ngăn chặn sớm các mầm mống gây ra rối nhiễu tâm trí, các vấn đề bạo lực và hại trẻ em và học sinh tại cộng đồng và môi trường học đường. 

Ngành y tế của nước ta hiện nay cũng vậy, mới chỉ quan tâm tới 2 bệnh tâm thần phân liệt và động kinh, còn lại các vấn đề dự phòng về tâm lý và sức khỏe tâm thần chưa được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó các vấn đề thiếu hụt đội ngũ bác sĩ tâm lý, những người chăm sóc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em cũng có thể làm gia tăng các bệnh lý này. 

Phòng ngừa tự tử ở trẻ em bằng cách nào?

Giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên là cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Đạo đức và nhân cách của các em phải được dạy dỗ, rèn dũa, và tu dưỡng từ nhỏ trong môi trường gia đình, tiếp đến giáo dục trong nhà trường, ngoài xã hội. Để giáo dục gia đình có hiệu quả, trước tiên các bậc cha mẹ phải luôn trau dồi kỹ năng, đạo đức để luôn là gương tốt cho con cái noi theo. 

Đồng thời, chúng ta cần sớm kiện toàn mạng lưới các bộ công tác xã hội trẻ em và cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Mạng lưới này không chỉ hỗ trợ kỹ năng, kiến thức bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại, bạo lực, bắt cóc, tự tử ở trẻ em và vị thành niên… cho các bậc cha mẹ, mà còn làm tốt công tác phòng ngừa thông qua hoạt động tư vấn cộng đồng, phát hiện các sớm gia đình có nguy cơ bạo lực, xâm hại, ngăn chặn sớm các vụ việc không để xảy ra.

Ngăn chặn tự tử ở thanh thiếu niên: Chúng ta đang thiếu gì? - Ảnh 2.

Muốn phòng ngừa tình trạng trẻ tự tử cần sự vào cuộc của cả nhà trường và gia đình. Ảnh: N.M

Để giáo dục nhà trường có hiệu quả trong phòng ngừa nạn tự tử ở học sinh thì cần phải cải tổ cả hệ thống giáo dục Việt Nam. Theo đó, cần thực hiện các biện pháp cụ thể sau: 

Tăng cường tập trung vào việc dạy trẻ em cả cấp tiểu học và trung học những kỹ năng cần thiết để ứng phó với các khó khăn về cảm xúc và tâm lý;

Giảm bớt áp lực học hành bằng cách đánh giá lại lượng kiến thức mà học sinh cần học;

Đầu tư xây dựng các dịch vụ tư vấn tâm lý và công tác xã hội ở tất cả các trường học;

Phối hợp với phụ huynh học sinh để cung cấp cho họ những kỹ năng cần thiết (nuôi dạy con, giao tiếp với con cái) để có thể giúp giảm bớt những khó khăn của trẻ ở trường và ở nhà.  Giúp cha mẹ hiểu được tầm quan trọng của sự phát triển cân bằng của trẻ trong đó các kết quả học tập chỉ là một chiều cạnh.

Giải pháp trước mắt cần sớm thiết lập hệ thống tư vấn tâm lý học đường, có biên chế giáo viên tâm lý cho các nhà trường, đưa giáo dục giới tính sớm ngay từ hệ thống mẫu giáo, tiếp đến là các môn giáo dục pháp luật, quyền con người. 

Cuối cùng là cải tổ chương trình giáo dục từ cấp học tiểu học trở lên, giảm bớt các kiến thức bác học mang tính nhồi nhét và thay bằng giáo dục kỹ năng sống, phòng ngừa xâm hại bạo lực, tai nạn thương tích và các kỹ năng, kiến thức về tâm lý xã hội. Đồng thời, quan tâm đến chất lượng tuyển chọn giáo viên cả về chuyên môn, đạo đức và sức khỏe.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem