Nghệ nhân già 30 năm nặng nợ với hát bội

Chúc Ly Thứ ba, ngày 07/04/2015 08:05 AM (GMT+7)
Ông Võ Công Khanh (tên thường gọi là Năm Thầu) với nghệ danh Thanh Nhàn - là một trong số ít những nghệ sĩ tuồng cổ nổi tiếng ở Vĩnh Long còn nặng nợ với nghiệp hát bội.
Bình luận 0

Từ nghệ sĩ thành nghệ nhân

Vốn gốc bên ngoại là nghệ sĩ hát bội nên ngay từ nhỏ ông Năm Thầu (60 tuổi, ngụ phường Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đã có cơ hội được tiếp xúc với sân khấu. “Năm 23 tuổi, tôi bắt đầu yêu thích hát bội nên quyết xin vào đoàn hát bội Phước Tấn để làm chân tiền đài, hậu đài với mong ước được nhìn thấy những nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Một năm sau, tôi “làm liều” xin ông trưởng đoàn làm diễn viên, lúc đó tôi đảm nhận những vai nhỏ nhưng vẫn ngày đêm nuôi hy vọng được hát chính. Rồi thêm 1 năm nữa tôi mới được giao hát kép tướng, từ đó về sau tôi thường xuyên được đảm nhận vai trò kép tướng” - ông Năm Thầu nhớ lại.

img
Ông Năm Thầu đang hoàn thành một chiếc mãng vua. CHÚC LY

Ông Năm Thầu từng đi hát cho các đoàn khắp các tỉnh ĐBSCL như: Liên Hữu, Tấn Phát (Long Xuyên); Sao Vàng, Văn Thanh (Sóc Trăng); Đồng Thinh (Vĩnh Long); Phước Tuần, Phước Hưng (Cần Thơ)… “Cũng nhờ đi nhiều, thấy nhiều nên duyên với nghề may trang phục của tôi cũng bắt đầu từ đó. Ngày xưa, đi hát tiền bạc thì không có bao nhiêu, mỗi diễn viên chỉ có từ hai đến ba bộ đồ diễn. Nhiều lần đi hát tuy được khen diễn tốt nhưng hay bị khán giả chê là trang phục quá cũ, không đẹp mắt. Rồi tôi nghĩ tại sao mình không tự may trang phục biểu diễn cho mình, vừa đỡ tốn kém lại vừa tiện lợi” – Nghệ nhân Năm Thầu chia sẻ.

 

Sau nhiều đêm trăn trở với nghề, Nghệ nhân Năm Thầu quyết định bàn với vợ dành ra ít tiền mua vải, kim sa, chỉ... và bắt đầu tự may trang phục. Vợ ông Năm Thầu vốn là thợ may và lúc nào cũng ủng hộ chồng nên đã giúp đỡ ông rất nhiều.

Nghệ nhân Năm Thầu kể tiếp: “Ban đầu tôi mua lại bộ giáp nam rồi về tháo ra hết để xem xét đường may, cách ráp và các hoa văn mà học làm theo. Với quyết tâm phải tự may được trang phục diễn nên dù các trang phục ban đầu xấu xí, tôi vẫn không bỏ cuộc mà tiếp tục mày mò. Sau 2 năm thì tất cả các trang phục diễn tôi đều có thể may được, không những tự phục vụ cho bản thân mà các anh em nghệ sĩ khác còn đến đặt tôi may”.

Ông Năm Thầu chia sẻ: “Trước khi may các loại trang phục, tôi đều phải nghiên cứu rất kỹ xem bộ đó thuộc vào thời kỳ lịch sử nào, vai vế trong xã hội ra sao. Việc thêu các các con vật như rồng, phượng… đều phải rất tỉ mỉ và công phu vì chỉ sơ suất một chút là phải tháo ra làm lại”.

Không dễ dứt nghiệp

Năm 1990, ông Năm Thầu được giới thiệu tham gia hoạt động trong Câu lạc bộ Thể nghiệm truyền thống của Hội Sân khấu TP.HCM. Ông cho biết: “Thời gian ở đây, tôi có dịp tiếp xúc nhiều với các nghệ sĩ như NSND Thành Tôn, các nghệ sĩ Thiệu Của, Ba Lăng, Năm Còn. Các thầy khuyên tôi nên chọn một con đường chuyên nghiệp, từ đó tôi xác định hát bội là cái nghiệp suốt đời của mình. Đây cũng là thời gian tôi cùng với các anh em nghệ sĩ khắp nơi đi hát phục vụ tại các lễ hội”.

Quan điểm

Nghệ nhân Năm Thầu
  Đời nghệ sĩ khắc nghiệt lắm, đã có lúc tôi định bỏ nghề phần vì lớn tuổi, phần vì không thể nuôi sống gia đình, nhưng đã là nghiệp thì đâu dễ dứt được”. 
Từ năm 2004, nghệ sĩ Năm Thầu trở về hoạt động trong phân hội Sân khấu, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, cho đến ngày nay. Tại ĐBSCL, hát bội đã từng có lúc trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, người dân tíu tít rủ nhau đi xem hát bội tại các rạp hát, gánh hát hoặc qua ti vi. Mấy chục năm bôn ba hát hò, đoàn này rã lại theo đoàn mới, ông Năm Thầu tâm sự: “Đời nghệ sĩ khắc nghiệt lắm, đã có lúc tôi định bỏ nghề phần vì lớn tuổi, phần vì không thể nuôi sống gia đình, nhưng đã là nghiệp thì đâu dễ dứt được. Ngay cả việc may trang phục diễn cũng hẩm hiu vì hát bội không còn thịnh thì ai mua trang phục nữa, nhưng tôi vẫn không bỏ được. Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, may trang phục cũng là cách giữ gìn nghệ thuật hát bội”.

 

Hiện tại, nghệ nhân may trang phục hát bội tại ĐBSCL có lẽ chỉ còn một mình ông Năm. “Cùng với những đêm nhạc trẻ, biểu diễn thời trang thì hát bội trở thành một loại hình khá xa lạ với giới trẻ. Ở nhiều nơi, đã từng có nhiều kế hoạch mở những lớp dạy về nghệ thuật hát bội nhưng vấn đề lớn vẫn là nguồn nhân lực và kinh phí. Ai sẽ là người dạy khi những lớp người đi trước, có tiếng trong nghề này cũng không còn được bao nhiêu? Nếu tính cả ĐBSCL thì lớp nghệ sĩ cùng thời với tôi chỉ còn lại không quá 30 người...” - ông Năm Thầu trăn trở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem