Bình Dương: Nghệ nhân sơn mài Tương Bình Hiệp sốt ruột chờ đề án bảo tồn làng nghề

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 09/08/2022 18:46 PM (GMT+7)
Đề án bảo tồn kết hợp phát triển du lịch nhằm hồi sinh làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đã có. Nhưng do đề án chậm triển khai, nghệ nhân sốt ruột, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn từng ngày đối diện nguy cơ mai một.
Bình luận 0

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp ngày càng mai một

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp ở TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) là vùng đất duy nhất ở phía Nam chứa đựng đầy đủ 3 loại hình của sơn mài truyền thống.

Đó là sơn mài trang trí, sơn mài ứng dụng và tranh sơn mài nghệ thuật. Tất cả nằm trong một không gian thống nhất nhưng lại rất riêng biệt về ngôn ngữ tạo hình và nghệ thuật.

img
img

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp ở Bình Dương có đầy đủ các loại hình của sơn mài truyền thống. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong trí nhớ của nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp ngày trước nhà nhà làm sơn mài, người người làm sơn mài. Mọi người hăng say sản xuất, uy tín làng nghề vang xa, nhiều gia đình từ nghèo khó vươn lên khá giả.

Thế mà, hơn 10 năm trở lại đây, nghề sơn mài đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Với số dân ở Tương Bình Hiệp khoảng hơn 13.600 người, làng nghề chỉ còn 36 hộ, cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh sơn mài. Trong đó có 9 doanh nghiệp và 27 hộ, cơ sở nhỏ lẻ.

Người làm nghề sơn mài ngày càng ít. Đầu ra sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. "Làng sơn mài Tương Bình Hiệp dù được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhưng lại đang có nguy cơ bị mai một", ông Linh nói.

img
img

Bảng chỉ dẫn đường vào Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ nhiều năm nay, Bình Dương đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch kết hợp bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống. Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là 1 trong 9 khu, điểm có lợi thế tài nguyên tự nhiên và nhân văn, đang được khai thác du lịch.

Thế nhưng, hoạt động du lịch ở Tương Bình Hiệp còn rất đơn điệu. Công ty TNHH MTV sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn của nghệ nhân Lê Bá Linh là một trong số ít những cơ sở có tổ chức hoạt động tham quan nghề sơn mài.

Theo ông Linh, chưa có nhiều cơ sở tham gia cung cấp dịch vụ du lịch song song hoạt động sản xuất. Ngoài việc duy trì nghề truyền thống của gia đình, không ít người vẫn phải làm thêm các công việc phụ để mưu sinh. Hoạt động du lịch gần như không liên quan nhiều tới thu nhập hiện tại của họ.

Hầu hết các doanh nghiệp làm nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp có quy mô nhỏ. Đóng góp của khối doanh nghiệp này vào GDP toàn tỉnh không lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang nỗ lực gìn giữ một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Linh cho rằng, việc bảo tồn phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là cần thiết nhưng phải khẩn trương và có hướng đi cụ thể. "Bởi vì đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch đã có nhưng triển khai quá chậm", ông Linh nói.

Cần triển khai nhanh đề án bảo tồn làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp

Ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài Điêu khắc Bình Dương cho biết, dịch Covid-19 và chiến sự Nga-Ucraina khiến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sơn mài bị ảnh hưởng nặng.

Quy mô của doanh nghiệp sơn mài chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, khả năng mở rộng thị trường hạn chế. Dù doanh nghiệp nỗ lực không tăng giá bán trước áp lực giá nguyên vật liệu và cước vận chuyển tăng cao nhưng đầu ra của sản phẩm sơn mài vẫn gặp khó.

img
img

Các nghệ nhân sơn mài Tương Bình Hiệp đang hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Quý phân tích, tác phẩm sơn mài ngoài chất lượng còn phải mang giá trị nghệ thuật. Các doanh nghiệp ý thức rõ việc nâng cao chất lượng và giá trị nghệ thuật thông qua quảng bá và kết hợp du lịch để thu hút khách hàng, nâng cao thu nhập.

Đề án bảo tồn làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp khi hoàn thành sẽ giúp đỡ rất nhiều cho các doanh nghiệp gìn giữ nghề truyền thống của Bình Dương.

Bỡi vì hiện tại, các cơ sở làm nghề sơn mài tận dụng nơi sinh sống làm cơ sở sản xuất. Điều này khó đảm bảo các tiêu chí môi trường, cũng như mở rộng sản xuất.

Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp với khách hàng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp với khách hàng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nếu để án hình thành và xây dựng được khu sản xuất tập tung, các doanh nghiệp sẽ tìm vào đó. Chất lượng sản phẩm được nâng lên, việc xử lý môi trường được cải thiện.

"Rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sơn mài Tương Bình Hiệp mong mỏi đề án sớm đi vào triển khai", ông Quý nói.

Để vượt qua khó khăn trước mắt, các doanh nghiệp sơn mài đang chủ động chia sẻ đơn hàng, cùng nhau sản xuất. Mục đích cuối cùng là giữ ổn định số lượng doanh nghiệp, cơ sở làm nghề, nhất là với lực lượng công nhân lành nghề.

"Đặc thù của ngành sơn mài là ý tưởng nghệ thuật. Một khi hàm lượng chất xám ở đội ngũ công nhân lành nghề mất đi, đồng nghĩa làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp không phát triển được", ông Quý lo ngại.  

Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp theo phong cách hiện đại của Công ty TNHH MTV sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn, Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp theo phong cách hiện đại của Công ty TNHH MTV sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn, Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Dương, đề án Bảo tồn và phát triển Làng Sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch được UBND tỉnh phê duyệt tháng 3/2020, giao cho TP.Thủ Dầu Một làm chủ đầu tư.

Ông Võ Chí Thành - Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết, tổng diện tích triển khai đề án trên 5,4ha tại khu phố 8, phường Tương Bình Hiệp. Dự kiến lộ trình đến năm 2024 sẽ hoàn thành.

img
img

Du khách tham qua và mua sắm ở Công ty sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn, Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đề án được phê duyệt ban đầu có tổng nguồn vốn là 105 tỷ đồng. Đề án sẽ triển khai sau khi điều chỉnh quy hoạch 1/500 được phê duyệt.

Tuy nhiên, khi triển khai chi tiết thì đề án có phát sinh. Tổng vốn cho dự án hiện nay tăng lên hơn 200 tỷ đồng. TP.Thủ Dầu Một đang trình UBND tỉnh điều chỉnh đề án cũng như tổng vốn đầu tư.

Theo ông Thành, sở dĩ dự án có phần chậm tiến độ là do ảnh hưởng của dịch Coivd-19 trong 2 năm 2020 và 2021. Đồng thời đề án phải điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh vốn nên chậm trễ.

"TP.Thủ Dầu Một đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án; dự kiến đến năm 2024-2025 sẽ cơ bản hoàn chỉnh", ông Thành nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem