Nghịch lý tiền điện ở Hà Nội: Công tơ của Công ty CP Tây Phương "chạy nhanh hơn" của dân lắp đặt (Bài 2)

Võ Hồng Nhân Thứ sáu, ngày 01/10/2021 11:56 AM (GMT+7)
Đại diện Công ty Cổ phần Tây Phương thừa nhận có việc các hộ dân ở xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội) không sử dụng điện nhưng công tơ vẫn chạy như phản ánh của Dân Việt.
Bình luận 0

Công ty CP Tây Phương hoạt động kinh doanh điện tại xã Hữu Bằng từ năm 2005. Đến năm 2013 thì nhận bàn giao lưới điện tại Hữu Bằng từ Sở Công Thương Hà Nội.

Thông tin từ Công ty CP Tây Phương cho biết, đơn vị này đang nợ khoảng 4 tỷ đồng do tham gia chương trình RE2 và vẫn đang trong lộ trình trả tiền.

Dự án Năng lượng nông thôn II (RE2) do Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), UBND các tỉnh liên quan thực hiện, triển khai tại 25 tỉnh, thành phố trong cả nước từ năm 2005 – 2014 với tổng kinh phí vay Ngân hàng Thế giới (WB) 420 triệu USD.

Người dân xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất bức xúc vì tình trạng sử dụng điện không được minh bạch. Clip Hồng Nhân.

Công tơ điện chạy bất thường

Phóng viên Dân Việt đến Trạm điện 1 xã Hữu Bằng để liên hệ làm việc với ông Nguyễn Văn Tư - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tây Phương.

Ông Nguyễn Văn Tư thừa nhận việc trả lại tiền cho nhà anh Nguyễn Đình Hưng và một số gia đình khác khi phát hiện tình trạng không dùng điện nhưng công tơ vẫn quay.

Công tơ điện chạy như “ma làm” giữa Thủ Đô: Công ty Tây Phương phân trần - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Tư - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tây Phương trong buổi làm việc với phóng viên ngày 23/9. Ảnh: Hồng Nhân.

“Công tơ thỉnh thoảng có những cái tự quay, do từ trường bên trong nên độ chính xác không cao. Trong quy định thì độ chênh lệch của công tơ được tính khoảng 2%. Việc 3 hộ dân phản ánh, chúng tôi đã có ý kiến mang đồng hồ đi kiểm tra nhưng họ không nghe.

Theo quy định, khi công tơ không đúng, nhanh hoặc chậm thì phải truy thu, thoái hoàn. Chúng tôi đã áp theo quy định đó và có văn bản thoái hoàn. 

Trong đợt vừa rồi chỉ có một số gia đình có hiện tượng như vậy, công ty đã xử lý, trả lại tiền cho người dân”, ông Nguyễn Văn Tư lý giải.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Dân Việt, có nhiều hộ khác cũng phản ánh công tơ điện "tự động chạy".

Như trường hợp Báo Dân Việt phản ánh, gia đình ông Nguyễn Hữu Lợi có sự chênh lệch công tơ lên cả 1000 kWh, phía Công ty Tây Phương thông tin đã ghi nhận và trong quá trình xử lý.

Công tơ điện chạy như “ma làm” giữa Thủ Đô: Công ty Tây Phương phân trần - Ảnh 3.

Trạm điện 1 xã Hữu Bằng, Công ty Cổ phần Tây Phương. Ảnh: Hồng Nhân.

Đại diện Công ty CP Tây Phương cũng thừa nhận công tơ của Công ty lắp "chạy nhanh hơn".

“Việc ông Lợi mua công tơ về lắp song song là đúng, đồng thời việc chênh cả nghìn kWh giữa hai đồng hồ là thật nhưng có nguyên nhân của nó.

Khoảng cách giữa hai đồng hồ quá xa, cách khoảng 50m, đồng thời có một đoạn dây chạy ngầm trong tường nhà anh Lợi, có thể là rò rỉ điện. Chúng tôi cũng đã vào cuộc, đo số công tơ từ 11/9 - 20/9 thì có sai số. Cụ thể, công tơ của công ty chạy nhanh hơn công tơ người dân 63 số”, vị Chủ tịch HĐQT nói.

Theo đó, Công ty CP Tây Phương đang trong quá trình xử lý, trước mắt sẽ mang hai công tơ ra đặt sát nhau rồi tiến hành kiểm tra, trường hợp vẫn lệch sẽ mang đi thẩm định cả hai.

Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, người dân không đồng tình với cách giải thích của Công ty CP Tây Phương. 

Công tơ điện chạy như “ma làm” giữa Thủ Đô: Công ty Tây Phương phân trần - Ảnh 4.

Những năm qua, 5.000 hộ dân xã Hữu Bằng dùng điện sinh hoạt, điện sản xuất do Công ty CP Tây Phương cung cấp. Ảnh: Hồng Nhân.

Tiếp đến việc người dân nợ nhiều tiền điện do không thấy ai đến thu, sau đó được thông báo cả chục triệu tiền nợ nên không có tiền trả, phía Công ty CP Tây Phương lại cho rằng là "trường hợp cá biệt".

“Đó chỉ là một số trường hợp cá biệt. Có gia đình khi đến thu tiền, người cầm tài chính không ở nhà nên không thu được. Trường hợp khác, đến thu tiền nhiều lần, họ bảo chưa có, nên mãi 4 - 6 tháng sau chúng tôi mới đến hỏi. Khoảng một năm sau khi số nợ quá nhiều, buộc công ty phải cắt điện và truy thu số tiền điện trên”, ông Nguyễn Văn Tư cho biết thêm.

Theo quy định sau 15 ngày không nộp tiền là cắt điện, phía Công ty CP Tây Phương giải thích rằng, do "tình làng nghĩa xóm" nên cứ để thế mãi không thu được tiền.

Khi phóng viên hỏi đại diện Công ty CP Tây Phương về việc người dân Hữu Bằng mong muốn mua điện trực tiếp của EVN, phía Công ty cho biết: “Hiện, Công ty được Sở Công Thương cấp phép hoạt động và đang trong quá trình tham gia dự án RE2. Chúng tôi vay nợ dự án RE2 khoảng 7 tỷ đồng từ năm 2013 và đang trong giai đoạn trả dần. Tiền được trả theo quý, mỗi quý khoảng 100 triệu và giảm dần theo từng năm. Hiện, số tiền đã trả khoảng một nửa.

Theo thông tin phía công ty nắm được, năm 2023 thị trường điện sẽ có sự cạnh tranh, lúc đó người dân có quyền lựa chọn đơn vị bán điện”.

Dân nộp đơn, chính quyền xã mới vào cuộc!?

Ngày 21/9, phóng viên Dân Việt đặt lịch làm việc tại UBND xã Hữu Bằng. Ông Phan Lạc Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất nêu nhiều thông tin liên quan đến vấn đề điện.

Theo ông Phan Lạc Mạnh, chính quyền địa phương nắm được thông tin người dân phản ánh về tiền điện. Tuy nhiên từ trước đến nay người dân chưa có đơn hay có ý kiến trực tiếp nào, mà chỉ phản ánh lên mạng xã hội?!

“Nếu người dân làm đơn, chúng tôi mới vào cuộc, và mời lên làm việc. Nhưng họ cứ phản ánh lên mạng xã hội, chúng tôi nắm thông tin trên đó và từ phía Công ty Tây Phương mới rõ sự việc”, ông Mạnh cho biết.

Công tơ điện chạy như “ma làm” giữa Thủ Đô: Công ty Tây Phương phân trần - Ảnh 6.

Ông Phan Lạc Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất trong buổi tiếp phóng viên Dân Việt ngày 21/9. Ảnh: Hồng Nhân.

Theo vị Phó Chủ tịch xã, trường hợp lệch hơn 1000 kWh và đóng cầu giao nhưng công tơ điện vẫn chạy, chính quyền đã nghe Công ty Tây Phương báo cáo, khi người dân có ý kiến, đại diện Công ty cũng đã vào cuộc xử lý ngay.

“Trường hợp nhà ông Hưng, ông Nguyễn Văn Tư (Chủ tịch HĐQT Công ty Tây Phương) cho biết đã kiểm tra, công tơ nó trôi hay cái gì đấy nên có sai số. Sau đó phía Công ty và người dân thống nhất, thỏa thuận trả lại tiền. Ngoài trường hợp anh Hưng còn một số trường hợp khác cũng tương tự.

Cảm quan tôi thấy và cũng đã trao đổi với Công ty Tây Phương, nhà 4 -5 người, dùng điện sinh hoạt mà tháng 4-5 triệu đồng tiền điện là rất nhiều, Công ty nên kiểm tra, xác minh lại”, vị Phó Chủ tịch nói.

Theo ông Mạnh, nếu người dân muốn dùng điện EVN, có đơn, chính quyền xã sẽ chuyển lên UBND huyện về tâm tư nguyện vọng đó.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem