Chùa Keo Thái Bình (Bài 2): Gác chuông gỗ có hình dáng bông hoa sen, cao nhất Việt Nam

Mai Chiến Thứ tư, ngày 30/08/2023 13:30 PM (GMT+7)
Đến với chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), du khách không thể bỏ qua gác chuông cổ, đồ sộ, được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, có tuổi đời gần 400 năm. Nhìn từ xa, gác chuông như bông hoa sen khổng lồ đang nở.
Bình luận 0

Gác chuông gỗ ở chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) được xác lập kỷ lục là cao nhất ở Việt Nam. Video: Mai Chiến.

Gác chuông bằng gỗ cao nhất ở Việt Nam

Chùa Keo ở Thái Bình (Bài 2): Gác chuông gỗ có hình dáng bông hoa sen, cao nhất ở Việt Nam - Ảnh 2.

Toàn cảnh gác chuông chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Ảnh: Mai Chiến.

Nếu như gác chuông của nhiều ngôi chùa khác ở Việt Nam được đặt ngay ở cổng Tam quan thì gác chuông ở chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) lại được đặt ở điểm cuối cùng ở quần thể Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt.

Nhìn tổng thể chùa Keo ở trên cao, du khách dễ dàng nhận thấy Tam quan ngoại và điểm cuối gác chuông nằm trên một trục Bắc - Nam, được xem là đường "thần đạo" trong phong thủy kiến trúc.

Chùa Keo ở Thái Bình (Bài 2): Gác chuông gỗ có hình dáng bông hoa sen, cao nhất ở Việt Nam - Ảnh 3.

Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng 12 mái ngói, ở mỗi mái đều có đầu đao cong mềm mại. Ảnh: Mai Chiến.

Theo tư liệu, gác chuông chùa Keo được làm theo kiểu chồng diêm cổ các, cao hơn 11m, có 3 tầng mái, mỗi tầng 4 mái, lợp ngói nam, được kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng 12 mái ngói, ở mỗi mái đều có đầu đao cong mềm mại.

Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, xung quanh nền gác chuông được bao bọc bởi những viên đá xanh được xây liên kết chặt chẽ với nhau. Ở mỗi hướng đều có bậc lên xuống gác chuông. Các trụ cột gác chuông có đường kính khoảng 80cm, được đặt trên các tảng đá.

Chùa Keo ở Thái Bình (Bài 2): Gác chuông gỗ có hình dáng bông hoa sen, cao nhất ở Việt Nam - Ảnh 4.

Nền gác chuông được xây vuông vắn, chắc chắn. Ảnh: Mai Chiến.

Có thể nói, đây là một công trình "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam với hệ thống ghép mộng, cụm đấu rất đặc biệt, bởi vì đây là một chùm mộng, một chùm các gánh đòn dọc, đòn ngang để gia cố. Mỗi chùm mộng là mối liên kết cụm 6, cả công trình có trên 300 mối liên kết như thế.

Hơn nữa, cách cấu trúc các tầng cũng nhẹ nhàng và đẹp. Hệ thống dàn rui bay đặt trên dàn đấu cục đối trọng, qua ba hàng đòn tay thẳng gối tựa xà nách. Cổ các tầng thượng chia 12 ô, diềm dưới lắp một đài sen cánh vuông.

Chùa Keo ở Thái Bình (Bài 2): Gác chuông gỗ có hình dáng bông hoa sen, cao nhất ở Việt Nam - Ảnh 5.

Lối lên gác chuông chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Ảnh: Mai Chiến.

Ngoài ra, ván gió trổ thủng hoa chùm thành các ô trám. Ô lớn đặt giữa, ô nhỏ đặt đối xứng nhau lui về bốn góc. Diềm hoa, cánh hoa đan quyện với nhau tạo nên vẻ đẹp kín đáo.

Cổ các tầng 2 trang trí công phu hơn. Một mặt chia thành ba khoang, bao ngang hai lớp uốn thành cửa võng, ván dưới là những cánh sen cách điệu, giữa văng lan can là những con song tiện…

Chùa Keo ở Thái Bình (Bài 2): Gác chuông gỗ có hình dáng bông hoa sen, cao nhất ở Việt Nam - Ảnh 6.

Gác chuông chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) nhìn từ 2 phía. Ảnh: Mai Chiến.

Chị Nguyễn Thị Phương Duyên - Hướng dẫn viên BQL Di tích chùa Keo cho biết, công trình gác chuông là một công trình kiến trúc đặc biệt nhất trong tổng thể Di tích chùa Keo, là điểm nhấn cũng như thu hút rất nhiều du khách khi về với tỉnh Thái Bình.

"Đây là công trình kiến trúc đặc biệt nhất, là điểm nhấn trong quần thể Di tích chùa Keo. Ngày 12/12/2007, gác chuông chùa Keo được xác lập kỷ lục là gác chuông bằng gỗ cao nhất ở Việt Nam và tính đến thời điểm hiện tại vẫn giữ nguyên xác lập kỷ lục này", chị Duyên chia sẻ.

Chuông đồng, khánh đá - những hiện vật quý giá của chùa Keo

Chùa Keo ở Thái Bình (Bài 2): Gác chuông gỗ có hình dáng bông hoa sen, cao nhất ở Việt Nam - Ảnh 7.

Dưới tầng 1 gác chuông có treo khánh đá dài 1,2m. Ảnh: Mai Chiến.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay gác chuông chùa Keo có treo một hệ thống chuông đồng cổ với 3 quả chuông có kích thước khác nhau ở chính tâm gác chuông và khánh đá treo ở dưới tầng 1. Đây là những hiện vật quý giá của chùa Keo, vẫn đang được lưu giữ và bảo tồn.

Chùa Keo ở Thái Bình (Bài 2): Gác chuông gỗ có hình dáng bông hoa sen, cao nhất ở Việt Nam - Ảnh 8.

Du khách thập phương thỉnh khánh đá để nghe âm thanh phát ra các vị trí khác nhau trên khánh đá. Ảnh: Mai Chiến.

Khánh đá treo ở tầng 1 gác chuông có chiều dài hơn 1,2m. Khánh đá có hình tam giác, màu trắng xám; 2 bên mặt đá hơi xù xì, không nhẵn. Khi thỉnh lên ở từng vị trí trong khánh đá, thì mỗi vị trí có âm thanh khác nhau.

Hệ thống chuông đồng được treo ở tầng thượng, tầng 3, tầng 2 gác chuông, theo thứ tự quả nhỏ ở trên, quả lớn ở dưới. Cụ thể, tầng thượng treo quả chuông đồng nặng 300kg, cao hơn 1m; tầng 3 treo quả chuông đồng nặng 800kg, cao hơn 1m; tầng 2 treo quả chuông đồng nặng 1,3 tấn, đường kính 1m, cao gần 2m.

Chùa Keo ở Thái Bình (Bài 2): Gác chuông gỗ có hình dáng bông hoa sen, cao nhất ở Việt Nam - Ảnh 9.

Quả chuông đồng treo ở tầng 2 có trọng lượng 1,3 tấn, đường kính 1m, cao gần 2m. Ảnh: Mai Chiến.

Quả chuông đồng lớn nhất được đúc vào năm 1698, xung quanh mặt chuông có khắc chữ chìm, ghi lại những người đã công đức đúc chuông. Trên quả chuông có 8 núm, xung quanh núm có chạm hình cánh sen.

Còn hai quả chuông nhỏ có niên đại sau quả chuông đồng lớn. Nếu như quả chuông đồng lớn khắc kín chữ ở mặt chuông thì ở hai quả chuông nhỏ này lại không có chữ, chi tiết chạm khắc trên chuông đơn giản; đặc biệt xung quanh núm không chạm khắc hình cánh sen, mà thay vào đó là những hạt cường.

Du khách tham quan gác chuông và hệ thống chuông đồng không được phép dùng tay gõ lên quả chuông, mà chỉ được ngắm. Bởi theo nguyên tắc, chuông chỉ được thỉnh 2 lần trong năm.

Chùa Keo ở Thái Bình (Bài 2): Gác chuông gỗ có hình dáng bông hoa sen, cao nhất ở Việt Nam - Ảnh 10.

Quả chuông đồng treo ở tầng 3 có trọng lượng 800kg, cao hơn 1m. Ảnh: Mai Chiến.

Theo chị Nguyễn Thị Phương Duyên - Hướng dẫn viên BQL Di tích chùa Keo, hệ thống chuông này, 1 năm chỉ được thỉnh 2 lần. Lần thứ nhất thỉnh vào lúc sang canh, chào đón năm nới, cầu cho quốc thái dân an; lần thứ 2 thỉnh vào đầu ngày hội mùa Thu diễn ra vào tháng 9 âm lịch trong năm.

"Không phải ai cũng được chọn để thỉnh chuông. Người thỉnh chuông phải là người phúc đức, sống lương thiện…", chị Nguyễn Thị Phương Duyên - Hướng dẫn viên BQL Di tích chùa Keo cho biết thêm.

Chùa Keo ở Thái Bình (Bài 2): Gác chuông gỗ có hình dáng bông hoa sen, cao nhất ở Việt Nam - Ảnh 11.

Quả chuông đồng treo ở tầng thượng có trọng lượng 300kg, cao hơn 1m. Ảnh: Mai Chiến.

Với người dân tỉnh Thái Bình, từ lâu gác chuông chùa Keo đã được coi là biểu tượng của mảnh đất quê hương, đi vào nhiều loại hình nghệ thuật như tranh, ảnh, thơ, ca... 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem