Người dân ở xã vùng sâu, vùng xa ở Quảng Ngãi "đổi đời" nhờ ứng dụng chuyển đổi số

Duy Nam Thứ hai, ngày 30/10/2023 19:02 PM (GMT+7)
Chuyển đổi số hay ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn là xu hướng chung của toàn xã hội. Tại Quảng Ngãi, các địa phương miền núi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh, thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn, để đồng bào không đứng ngoài xu thế này.
Bình luận 0
Người dân ở xã vùng sâu, vùng xa ở Quảng Ngãi "đổi đời" nhờ ứng dụng chuyển đổi số - Ảnh 1.

Tích cực đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Thời gian qua, tận dụng những tiện ích về công nghệ thông tin để phục vụ cho công việc, sản xuất hay nhu cầu sinh hoạt đang trở thành xu hướng tích cực của nhiều người dân đồng bào dân tộc thiểu số.

Xã Long Môn (huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi) là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây, không có mấy người dân trong xã biết sử dụng công nghệ thông tin để ứng dụng và công việc hay làm kinh tế. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh có kết nối internet đã bắt đầu có xu hướng tăng lên.

Công nghệ số giúp kinh tế - xã hội xã miền núi Quảng Ngãi chuyển mình mạnh mẽ - Ảnh 1.

Anh Đinh Văn Lý được Công an xã Long Môn hướng dẫn sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Ảnh: Duy Nam.

Anh Đinh Văn Lý ở xã Long Môn cho biết: "Ngày trước, giấy tờ cá nhân của tôi thường bị hư hỏng, thất lạc, mỗi lần làm lại rất vất vả. Nhưng vừa rồi tôi được hướng dẫn sử dụng ứng dụng VssID, các loại giấy tờ được tích hợp vào đó nên không sợ mất và sử dụng cũng tiện lợi hơn trước nhiều. Nay ở xã có sóng điện thoại và internet nên thuận tiện lắm".

Không chỉ vậy, nhờ có mạng internet giúp việc làm nông nghiệp của nhiều hộ gia đình tại địa phương này trở nên dễ dàng hơn trước.

Hành trình chuyển đổi số trong phát triển sinh kế

"Nhờ tìm hiểu trên mạng mà vợ chồng tôi học hỏi và ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt cho vườn bưởi và quýt đường, từ đó tiết kiệm được công lao động, còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bây giờ mạng vào dễ dàng hơn trước rồi nên chúng tôi có điều kiện để tìm hiểu thông tin, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả mà không cần phải đi đâu xa...", chị Đinh Thị Náo – một người dân xã Long Môn chia sẻ.

Chuyển đổi số mở lối thoát nghèo cho xã miền núi Quảng Ngãi - Ảnh 2.

Việc ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển kinh tế giúp người dân xã miền núi Long Môn, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi nâng cao thu nhập. Ảnh: Hiếu Hằng.

Tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ thông tin là chị Phạm Thị Y Hòa ở xã Ba Thành (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đã sử dụng mạng xã hội Facebook để quảng bá cho những sản phẩm thổ cẩm làng Teng đến người tiêu dùng trong nước và thế giới. Chị Hòa cho hay, việc sử dụng công nghệ thông tin để giới thiệu sản phẩm giúp thổ cẩm địa phương được nhiều người biết đến.

"Tôi cũng thường xuyên học tập thêm các kỹ năng như chụp ảnh sản phẩm sao cho đẹp, viết bài về sản phẩm sao cho thu hút tương tác và cách quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội".

Công nghệ số giúp kinh tế - xã hội xã miền núi Quảng Ngãi chuyển mình mạnh mẽ - Ảnh 2.

Người dân sử dụng thiết bị truy cập internet để tìm hiểu thông tin tại bộ phận 1 cửa xã Long Môn, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Duy Nam.

Hiện nay, tại Quảng Ngãi nhiều hợp tác xã ở khu vực miền núi có đông đảo thành viên là người dân tộc thiểu số như Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên, Hợp tác xã nông nghiệp sạch Sơn Long, Hợp tác xã nông nghiệp sạch Sơn Hà… cũng đã thành lập các trang mạng, mở các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm mà hợp tác xã sản xuất.

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp thiết thực để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các địa phương.

Công nghệ số giúp kinh tế - xã hội xã miền núi Quảng Ngãi chuyển mình mạnh mẽ - Ảnh 3.

Chị Phạm Thị Y Hòa ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi sử dụng Facebook để quảng bá các sản phẩm từ thổ cẩm làng Teng. Ảnh: Chụp Facebook của Y Hòa.

Nhằm thực hiện mục tiêu chung là hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc thiểu số với các địa bàn trong cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã triển khai kế hoạch 168 ngày 15/9/2023 về thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm địa phương; nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Ngoài ra, thực hiện cùng nhiều giải pháp như chuyển đổi nhận thức; thể chế số; xây dựng các hạng mục hạ tầng công nghệ thông tin và quản trị, vận hành, đào tạo, bảo trì; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các cơ quan quản lý, thực hiện và cán bộ triển khai chương trình.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tập trung đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số phục vụ tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực dân tộc; tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bà con về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet trong đời sống và sản xuất...

Người dân ở xã vùng sâu, vùng xa ở Quảng Ngãi "đổi đời" nhờ ứng dụng chuyển đổi số - Ảnh 5.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem