Trò chuyện đầu năm: Người đàn ông đứng sau linh vật đường hoa Nguyễn Huệ

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 22/01/2023 13:00 PM (GMT+7)
Linh vật tương ứng với con giáp của năm được xem là linh hồn của đường hoa Nguyễn Huệ tại TP.HCM. Nghệ nhân Văn Tòng đã “thổi” sức sống và sự sáng tạo vào các linh vật, khiến chúng luôn mới mẻ, tạo dấu ấn riêng cho TP.HCM mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Bình luận 0

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão 2023 tại TP.HCM đang thu hút rất nhiều người dân và du khách đến tham quan, thưởng lãm. Nằm tại cổng chính của đường hoa, chú mèo khổng lồ màu xanh ngọc bích, cao 4,5m, trên mình điểm xuyết những cánh mai vàng duyên dáng đều khiến nhiều du khách thích thú.


Trò chuyện đầu năm: Người đàn ông đứng sau linh vật Đường hoa Nguyễn Huệ - Ảnh 1.

Linh vật mèo đường hoa Nguyễn Huệ 2023 gây ấn tượng với người dân và du khách. Ảnh: Hồng Phúc

Người tạo hình cho chú mèo này - linh vật của đường hoa Tết Quý Mão 2023 là nghệ nhân Văn Tòng. Ông được mệnh danh là người đàn ông làm nên linh hồn của nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân về tại TP.HCM - Đường hoa Nguyễn Huệ.

Trò chuyện với Dân Việt, ông cho biết mình hạnh phúc khi đóng góp một phần vào thương hiệu của TP.HCM và lan tỏa khắp cộng đồng người Việt năm châu mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Tạo đột phá cho linh vật đường hoa Nguyễn Huệ

Gắn bó với việc thi công đường hoa Nguyễn Huệ hơn chục năm, bắt đầu từ những hạng mục bên trong, năm 2017, nghệ nhân Văn Tòng được TP.HCM chọn làm người thực hiện linh vật chính. Đây vừa là vinh dự vừa là áp lực lớn. Dưới bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của ông Tòng, linh vật đường hoa Nguyễn Huệ không chỉ gây ấn tượng về tính thẩm mỹ mà còn có những nét duyên dáng, bất ngờ.

Trò chuyện đầu năm: Người đàn ông đứng sau linh vật Đường hoa Nguyễn Huệ - Ảnh 2.

Nghệ nhân Văn Tòng - người đàn ông đứng sau linh vật đường hoa Nguyễn Huệ từ năm 2017 đến nay. Ảnh: Hồng Phúc

“Tết Đinh Dậu 2017, năm đầu tiên thực hiện linh vật chính, tôi đề xuất một đột phá là gà trống biết gáy, hoàn toàn đặc biệt so với các năm trước. Lãnh đạo thành phố cũng có phần e ngại vì nó mới quá, không biết có thực hiện được hay không. Tôi kiên trì thuyết phục, làm mô hình đề xuất. Năm đó, đường hoa Nguyễn Huệ khiến người dân và du khách thích thú khi linh vật gà là một mô hình động, cứ 20 phút sẽ xoay cổ và cất tiếng gáy, chào bình minh ló dạng. Hình tượng gà và tiếng gáy mang ý nghĩa khởi đầu một năm đầy mới mẻ, gia đình sung túc và thể hiện sức sống của một thành phố đầy năng động”, ông Tòng nhớ lại.

Từ sự đột phá đó và được mọi người đánh giá cao, nghệ nhân Văn Tòng không ngừng “đầu tư” chất xám để linh vật đường hoa Nguyễn Huệ ngày càng đẹp, có hồn và giàu tính sáng tạo. Các năm tiếp theo, mỗi linh vật đều có dấu ấn riêng, làm nên thương hiệu cho TP.HCM. 

Theo ông Tòng, đường hoa Nguyễn Huệ là một công trình văn hóa lớn của TP.HCM. Vì vậy, ý tưởng hàng năm đều do thành phố quyết định, các ekip chuyên trách thiết kế, sau đó thành phố sẽ lựa chọn, xét duyệt. Thông thường, vừa qua Tết Nguyên đán 2-3 tháng, các bên đã bắt đầu làm việc cho công trình đường hoa năm sau.


Trò chuyện đầu năm: Người đàn ông đứng sau linh vật Đường hoa Nguyễn Huệ - Ảnh 3.

Linh vật gà của năm Đinh Dậu 2017 được tạo hình động do nghệ nhân Văn Tòng đề xuất, tạo hình. Ảnh: Hồng Phúc

Nghệ nhân nhận định linh vật của đường hoa Nguyễn Huệ rất được mọi người trông đợi, có ý nghĩa mang lại sức sống đầu năm mới cho TP.HCM. Nhiều khi ý tưởng chỉ là ý tưởng, người trực tiếp làm nếu làm “không ra” sẽ ảnh hưởng rất lớn. Với mắt thẩm mỹ và kinh nghiệm của nghệ nhân lâu năm, khi nhận bản thiết kế, ông cũng góp ý, đề xuất thêm về màu sắc, đường nét để linh vật có hồn. 

“Phần hồn của linh vật rất quan trọng, nó phụ thuộc vào bàn tay nghệ nhân. Rồi con gà, con trâu… nhìn hoài một thời gian cũng nhàm chán, tôi đề xuất đưa tính động vào, khiến nó khác biệt ngay. Đó là cái mới lạ của đường hoa Nguyễn Huệ”, nghệ nhân Văn Tòng thổ lộ.

“Tôi đam mê, càng ngày càng đam mê”

Nghệ nhân Văn Tòng xuất thân từ một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Ông nối nghiệp cha, chuyên thiết kế mỹ thuật, tạo hình sân khấu cho những đoàn cải lương nổi tiếng tại TP.HCM sau 1975. 

Ông được mệnh danh là “vua mô hình mỹ thuật sân khấu”, tên tuổi của ông gắn liền với các chương trình, sự kiện trọng đại của cả nước như Sài Gòn 300 năm, Hào khí 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Festival Huế, kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước hay liên tục thiết kế và tạo hình cho đường hoa Cần Thơ suốt 10 năm qua.

Trò chuyện đầu năm: Người đàn ông đứng sau linh vật Đường hoa Nguyễn Huệ - Ảnh 4.

Nghệ nhân Văn Tòng bên xưởng sản xuất, chăm chút các linh vật đường hoa Nguyễn Huệ 2023 trước khi mang ra đường hoa. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Tòng hàng ngày vẫn đều đặn có mặt ở xưởng chế tác tại quận 12, TP.HCM. Đây là nơi thi công các hạng mục chính, bao gồm linh vật lớn nhất đường hoa Nguyễn Huệ. Thông thường, những ngày cuối năm, ông càng vất vả hơn do vừa đầu tư cho đường hoa vừa trực tiếp chỉ đạo các công trình, dự án được các nơi tin tưởng gửi gắm. 

“Được sự tín nhiệm và yêu mến là động lực giúp tôi không ngừng sáng tạo sau mỗi công trình. Không chỉ thực hiện, rồi đưa gà, trâu, hổ cao 3-4 mét ra đường hoa, đứng chỉ đạo dựng, lắp ráp là xong, tôi phải cùng người dân đi thưởng lãm Nguyễn Huệ. Mình phải đi vòng ngoài để lắng nghe cái gì được khen, cái gì chưa thì rút kinh nghiệm. Đây mới là điều cần nhất, thậm chí, có những ý tưởng mới mẻ từ chính người dân mà ra”, nghệ nhân Văn Tòng nói.

Trò chuyện đầu năm: Người đàn ông đứng sau linh vật Đường hoa Nguyễn Huệ - Ảnh 5.

Linh vật trâu tại đường hoa Nguyễn Huệ năm Tân Sửu 2021. Ảnh: Hồng Phúc

Theo ông, tố chất quan trọng của một nghệ nhân là không được chủ quan, phải liên tục làm mới mình, cho ra những công trình "vừa đẹp vừa đời". Dù lớn tuổi nhưng ông vẫn luôn cập nhật, áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay. Ông sử dụng máy quét, in 3D, robot thông minh, công nghệ tự động và các yếu tố cơ động vào chế tác mô hình. Đường hoa Nguyễn Huệ được người dân TP.HCM và du khách trong, ngoài nước yêu thích vì giữ được nét duyên dáng suốt 20 năm qua và liên tục đột phá, mới lạ trong những năm trở lại đây.

"Đường hoa Nguyễn Huệ là đặc sản dịp Tết tại TP.HCM. Với tôi, đường hoa có ý nghĩa văn hóa rất to lớn. Không chỉ người Việt trong nước, mà Việt kiều về thăm quê hương TP.HCM, hầu hết đều ra đường hoa Nguyễn Huệ chụp ảnh lưu niệm. Rồi sau đó, dù có đi đâu, họ vẫn nhớ Việt Nam mình Tết Đinh Dậu, Tết Quý Mão… là như vậy đó", nghệ nhân Văn Tòng suy tư.

Theo ông, trong thời buổi công nghệ và mạng xã hội, đường hoa Nguyễn Huệ và các linh vật sẽ trở thành đại sứ văn hóa, quảng bá Tết Việt Nam và hình ảnh một TP.HCM luôn năng động, sáng tạo ra thế giới. Do đó, vai trò của người nghệ nhân càng quan trọng.

Ở tuổi hơn 70, ông Tòng vẫn cần mẫn, trực tiếp chỉ đạo thực hiện đường hoa Nguyễn Huệ và nhiều công trình tầm cỡ khác. Khi được hỏi bao giờ ông nghỉ hưu, đôi mắt nghệ nhân Văn Tòng sáng lên, ông thổ lộ: “Tôi lớn tuổi rồi nhưng trong nghề, tôi vẫn đam mê, càng ngày càng đam mê. Còn gì may mắn hơn khi cả 5 người con đều theo nghề, các con tôi sẽ tiếp tục con đường sáng tạo phía trước”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem