Người được ví như "báu vật sống" của làng Duệ ở Lâm Đồng, 70 tuổi đời gần 60 năm chơi chiêng

Văn Long Thứ hai, ngày 24/07/2023 14:47 PM (GMT+7)
57 năm đánh cồng chiêng cùng với mọi người trong buôn làng, đến nay khi cuộc sống ấm no, yên bình già làng K’Tiếu (thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) vẫn giữ lửa đam mê, truyền dạy đánh chiêng cho các bạn trẻ, học sinh tại địa phương.
Bình luận 0

Đam mê chơi cồng chiêng trọn đời

Vừa hỗ trợ Bí thư Chi bộ thôn Duệ, Mhiu Nguyên tham gia cuộc thi Bí thư chi bộ giỏi xã Đinh Lạc ra khỏi hội trường xã, già làng K’Tiếu đã hồ hởi với những cái bắt tay với phóng viên. Bàn tay già làng gần 60 năm đánh chiêng hết sức rắn rỏi, chắc khỏe. Mặc dù đã hơn 70 tuổi nhưng già làng K’Tiếu vẫn rất hăng hái tham gia các chương trình tập thể, cộng đồng tại địa phương.

Clip: Già làng K'Tiếu, thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, (tỉnh Lâm Đồng) nói về cái duyên và đam mê đối với cồng chiêng của mình. 

Ngồi nhìn xa xăm nhớ lại thời điểm khó khăn khi đất nước mới giải phóng, già làng K’Tiếu không khỏi bồi hồi, xúc động: "Bài chiêng đầu tiên tôi chơi là bài "Lối mẹ". Sau giải phóng, đời sống còn khó khăn, vất vả nên việc chơi chiêng hầu như không có. Tôi thì được tiếp cận và người già trong làng dạy đánh chiêng từ lúc 14-15 tuổi. Ngày đó, việc học chiêng, đánh chiêng chủ yếu trong rừng.

Lễ hội đâm trâu là lễ hội lớn được người dân tộc thiểu số K’ho tổ chức rất lớn, những ngày diễn ra lễ hội thì không thể thiếu tiếng chiêng. Đây cũng là lúc tôi cảm nhận được sự tuyệt vời, thăng hoa của tiếng chiêng. Tôi đã đam mê lúc nào không hay rồi thường xuyên học già làng cùng những người chơi chiêng trong làng đánh chiêng".

Gần 60 năm đánh chiêng, già làng K’Tiếu tiếp ngọn lửa đam mê cho người trẻ - Ảnh 2.

Già làng K'Tiếu chỉ cho các học trò của mình đánh chiêng ngay tại sân của UBND xã Đinh Lạc trước khi vào hỗ trợ phần thi Bí thư Chi bộ giỏi cho Bí thư Chi bộ thôn Duệ, Mhiu Nguyên. Ảnh: Văn Long.

Đến những năm 1992, khi đời sống đã vơi bớt khó khăn nhưng tiếng chiêng lại dần thưa thớt trong các buôn làng tại Lâm Đồng thì K’Tiếu lại là người quy tụ những người anh em để ôn lại những bài chiêng của dân tộc mình. 

Những đống lửa bập bùng cháy trong đêm cũng là lúc tiếng chiêng nổi lên, mọi người trong buôn lang say sưa, vô tư, bỏ lại những muộn phiền, khó khăn.

Già làng K’Tiếu cũng cho hay, bài chiêng của người K’ho tại Di Linh không nhiều. Người dân chỉ chơi khoảng 5 bài, sau này ông sáng tác thêm 2 bài nữa. Do người dân trong làng đã quên, ít chơi chiêng nên các giai điệu truyền thống đã bị mai một. Chính vì vậy, căn nhà của giàn làng K’Tiếu lại trở thành trường, nơi chắp cánh đam mê cồng chiêng cho nhiều bạn trẻ trong làng.

Gần 60 năm đánh chiêng, già làng K’Tiếu tiếp ngọn lửa đam mê cho người trẻ - Ảnh 3.

Nhà của già làng K'Tiếu trở thành nơi dạy đánh cồng chiêng cho các bạn trẻ trong thôn Duệ. Ảnh: Nam Phong.

Vừa cùng các bạn đánh chiêng đánh lại bài chiêng quen thuộc cùng già làng K’Tiếu, em Mhiu Lang Bích (15 tuổi, ngụ xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) vui vẻ cho biết: "Năm nay, em vào lớp 10 trường THPT Di Linh nhưng em đã học đánh chiêng cùng già làng K’Tiếu được 2 năm rồi. Gia đình em có em và ba biết đánh chiêng. 

Mặc dù còn nhỏ nhưng thấy ba cùng các ông trong làng đánh chiêng em rất thích nên đã xin đi học. Em học đánh chiêng vì đam mê và mong muốn sau này cũng dạy lại được cho các bạn nhỏ khác để giữ lại được bản sắc, văn hóa của dân tộc mình. Em cảm thấy rất tự hào khi UNESCO đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại".

Không chỉ có Lang Bích, nhiều bạn trẻ khác cũng đang rất đam mê và mong muốn đánh thành thạo những bài chiêng truyền thống của dân tộc mình. Đến nay, hàng trăm bạn trẻ, người trong các làng đã tham gia các lớp học đánh chiêng của già làng K’Tiếu. Đây cùng là nguồn động lực rất lớn để già làng 71 tuổi tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê cho lớp học trò kế cận bảo tồn, phát huy bản sắc, văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số K’ho Sre tại Lâm Đồng.

Không chỉ dạy chiêng cho nam giới

Già làng K’Tiếu cũng rất tự hào khi nói về việc mình mới được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa cồng chiêng của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. 

Trước đó, năm 2015, ông K’Tiếu được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận Nghệ nhân cồng chiêng. Sau đó, năm 2022, ông tiếp tục được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Gần 60 năm đánh chiêng, già làng K’Tiếu tiếp ngọn lửa đam mê cho người trẻ - Ảnh 4.

Cô gái Mhiu Lang Bích say sưa đánh chiêng bên người thầy của mình. Ảnh: Văn Long.

"Mình thì cứ vô tư chơi và dạy các cháu đánh chiêng cho thỏa đam mê. Đến năm 2005 thì xã Đinh Lạc đã phát hiện ra và chọn tôi làm người truyền dạy, mở lớp dạy bài bản hơn. Đến nay, tôi đã dạy chắc ngót nghét 200 người rồi. Trước đây, tôi hầu như chỉ dạy cho con trai, đàn ông trong làng. Tuy nhiên, theo phong tục của người K’ho Sre theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ bắt chồng. Chính vì vậy, khi con trai học cồng chiêng xong, họ đi lấy vợ ở tứ xứ, nghề đánh chiêng của mình cũng cứ thế mà lụi dần, không còn mạnh nữa.

Chính vì vậy, tôi đã thay đổi suy nghĩ là dạy những người phụ nữ trong làng để họ bảo tồn, phát huy truyền thống của dân tộc. 

Nay chắc có khoảng 40 nữ sinh, phụ nữ được tôi dạy đánh cồng chiêng. Hiện nay có khoảng 10 cháu đang là đội cồng chiêng của địa phương. Các lễ hội, chương trình cần biểu diễn các cháu sẽ tham gia, hỗ trợ biểu diễn", nghệ nhân K’Tiếu chia sẻ.

Gần 60 năm đánh chiêng, già làng K’Tiếu tiếp ngọn lửa đam mê cho người trẻ - Ảnh 5.

Không chỉ dạy cho nam giới, già làng K'Tiếu còn dạy đánh chiêng cho các nữ sinh, phụ nữ đam mê tiếng chiêng. Ảnh: Văn Long.

Tuy nhiên, đến nay người nghệ nhân này vẫn còn trăn trở việc giữ lại những bộ chiêng truyền thống của dân tộc. Theo già làng K’Tiếu, những bộ chiêng ngày xưa đánh rất hay, âm sắc hoàn hảo, thế nhưng những bộ chiêng mới được đúc thì đánh không được. 

Hiện tại, thôn Duệ chỉ còn 1 bộ chiêng 6 là tài sản chung của giáo họ, không phải của riêng ai. "Những bộ chiêng chuẩn, trước khi mua mình phải thẩm định, đánh hay mới lấy, không hay thì trả lại. Những bộ chiêng chuẩn, âm hay giờ 50 triệu đồng cũng không có mà mua", nghệ nhân ưu tú K’Tiếu buồn bã nói.

Gần 60 năm đánh chiêng, già làng K’Tiếu tiếp ngọn lửa đam mê cho người trẻ - Ảnh 6.

Nghệ nhân K'Tiếu dạy các học trò của mình đánh chiêng ngay tại nhà. Ảnh: Nam Phong.

Theo lãnh đạo UBND xã Đinh Lạc, năm 2022, xã đã tổ chức lớp học cồng chiêng cho 33 học viên. Do nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng đặc thù là "truyền khẩu", truyền tay" chưa nghiên cứu đầy đủ, bài bản các làn điệu, các bài chiêng cụ thể và cũng chưa có giáo trình, giáo án được phê duyệt đưa vào giảng dạy. Vì vậy, việc truyền dạy của các nghệ nhân cho các học viên chủ yếu là hướng dẫn trực tiếp về cách cầm chiêng, cách đánh chiêng, cách phân nhịp, cách cảm âm…. Vì vậy, việc dạy cồng chiêng có những nghệ nhân như già làng K’Tiếu là rất quan trọng.

Hầu hết các học viên tham gia lớp học đều yêu thích và đam mê cồng chiêng, mong muốn biết sử dụng và hiểu được ý nghĩa vốn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chính vì vậy, sau khi kết thúc khóa học, các học viên tham gia đã luyện tập và sử dụng khá nhuẫn nhuyễn các bài chiêng trong các kỳ lễ hội của người dân tộc thiểu số K'ho.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem