“Kho báu sống” của người Sán Chỉ ở vùng đất ngã ba sông của Quảng Ninh

Bùi My Thứ bảy, ngày 21/10/2023 13:30 PM (GMT+7)
Nghệ nhân ưu tú Lỷ A Sáng là một trong số ít người còn nắm giữ, thuộc những nghi lễ, văn hóa truyền thống của người Sán Chỉ ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Bình luận 0

Cụ Lỷ A Sáng thực hiện trích đoạn nghi lễ cầu mùa tại Lễ hội văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ - "Mùa vàng miền Soóng Cọ" năm 2021. Video: Trần Hoàn

"Kho báu sống" của đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở Tiên Yên

Xã Đại Dực (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) hiện có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc Sán Chỉ chiếm tỷ lệ hơn 80%. Đến nay, đồng bào Sán Chỉ nơi đây còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa cổ xưa đặc sắc của cha ông để lại.

Trong đó, Nghệ nhân ưu tú Lỷ A Sáng (SN 1950) là một trong số ít người còn nắm giữ, thuộc cách trình diễn, múa hát và thực hành nghi lễ cầu mùa – một trong những nghi lễ truyền thống của người Sán Chỉ ở Tiên Yên.

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Lỷ A Sáng (thôn Phài Giác, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) vào một ngày tháng 8, khi cụ vừa đi cúng ở bên thôn khác về. Ở tuổi ngoài 70, cụ Sáng người thấp nhỏ, lưng cũng đã còng, nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt. Cụ bảo, sức khỏe bây giờ của cụ kém hơn so với vài nǎm trước đây nhiều lắm...

“Kho báu sống” của người Sán Chỉ ở nơi ngã ba miền Đông Bắc của Quảng Ninh - Ảnh 2.

Cụ Lỷ A Sáng (đứng giữa) thực hiện trích đoạn nghi lễ cầu mùa tại Lễ hội văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ - "Mùa vàng miền Soóng cọ" năm 2021. Ảnh cắt từ clip

Trong ngôi nhà đầy giấy khen, cụ Sáng kể, cả ông và bố của cụ đều là thầy cúng. Ngay từ nhỏ, cụ Sáng đã thường theo ông và bố đi cúng. Bởi vậy cụ đã trở nên đam mê và yêu thích những nghi lễ truyền thống của dân tộc Sán Chỉ từ lúc nào chẳng hay. 

Thời gian chiến tranh ác liệt đã làm gián đoạn nhiều nghi lễ truyền thống của dân tộc, tưởng như mai một. Sau khi hòa bình được lập lại, cụ Sáng từng bước luyện tập, sưu tầm tài liệu với mong muốn phục dựng văn hóa dân tộc mình.

Năm 1986, cụ Sáng tìm đến nhà già làng trong xã để xin được theo học chữ, học hát múa các nghi lễ dân tộc mình. Phải mất đến 3 năm, cụ mới thành thạo và bắt đầu tham gia thực hành các nghi lễ cho dân làng. Dần dần, cụ Sáng được bà con tin tưởng, rồi làm thầy Cả của làng. Cứ vào dịp lễ tết truyền thống, cụ Sáng lại đại diện cho nguyện vọng của toàn thể dân làng tấu sớ cầu an, cầu mùa.

“Kho báu sống” của người Sán Chỉ ở nơi ngã ba miền Đông Bắc của Quảng Ninh - Ảnh 2.

Cụ Lỷ A Sáng được mệnh danh là "kho báu sống” của người Sán Chỉ ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My

Biết chúng tôi muốn được tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống của người Sán Chỉ, cụ Sáng lặng lẽ lên trên gác xép, lấy xuống chiếc vali vải màu mận. Bên trong vali là những bức tranh thờ, đạo cụ, những bộ mũ áo khi hành lễ của cụ…

Cụ bảo, đó là bộ quần áo chỉ mặc khi thực hành lễ cầu mùa - nghi lễ truyền thống của người Sán Chỉ ở Tiên Yên, dành để tôn vinh những vị thần có công lập làng, tạo mưa, tạo gió, cho mùa màng bội thu và cầu nguyện các vị thần mang đến sống tốt đẹp, bình an và mạnh khỏe đến cho bà con.

Trăn trở về văn hóa dân tộc Sán Chỉ ở Tiên Yên mai một dần

Đặc biệt nhất, trong vali còn có có hơn 40 cuốn sách chi chít ký tự, liên quan đến cầu mùa, cấp sắc và ma chay. Những cuốn sách đã ố nát này cả, nhưng được cụ Sáng coi như cả gia tài này là những tài liệu được truyền lại từ nhiều đời trước, và một số là do cụ Sáng tự nghiên cứu, sưu tầm.

“Kho báu sống” của người Sán Chỉ ở nơi ngã ba miền Đông Bắc của Quảng Ninh - Ảnh 1.

Quyển sách liên quan đến văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc Sán Chỉ được cụ Sáng giữ gìn như cả gia tài. Ảnh: Bùi My

Theo cụ Sáng, người Sán Chỉ không có chữ viết riêng, mà sử dụng chữ Hán cổ, viết theo lối mượn chữ Hán để ký âm theo tiếng của người Sán Chỉ, đọc theo âm Sán Chỉ (thường gọi là Hán Nôm). Cụ bảo, giọng buồn buồn, hiện nay chỉ còn những người theo đạo thầy cúng và một số người già đã từng học chữ Hán Nôm mới viết và dịch sách Hán Nôm theo âm tiếng Sán Chỉ, còn lớp trẻ hiện nay hiếm có người biết.

Không chỉ có công trong bảo tồn nghi lễ cầu mùa theo nguyên bản, cụ Lỷ A Sáng còn là người có nhiều công trong bảo tồn Soóng Cọ - lối hát truyền thống của người Sán Chỉ huyện Tiên Yên.

Lấy một quyển sách cất ở đầu giường, cụ Sáng khoe với chúng tôi về "kho báu" ghi đầy những bài hát Soóng cọ do cụ tự tay ghi chép. 

Cụ bảo, các bài hát Soóng Cọ có nhiều chủ đề, chủ đề về tình yêu đôi lứa, với những câu hát ướm hỏi, gợi ý, đối đáp hóm hỉnh của các đôi trai gái; chủ đề về ca ngợi công ơn của Đảng, Bác Hồ, các thế cha anh đi trước mở đường; lại có những bài hát nhớ ơn tổ tiên, đền ơn cha mẹ; chủ đề ca ngợi lao động sản xuất, hát về bốn mùa…

“Kho báu sống” của người Sán Chỉ ở nơi ngã ba miền Đông Bắc của Quảng Ninh - Ảnh 3.

Cụ Lỷ A Sáng hát một điệu Soóng Cọ về nhớ ơn tổ tiên, đền ơn cha mẹ. Ảnh: Bùi My

"Quyển sách này quý lắm, gồm 598 bài hát Soóng Cọ do tôi sao chép tay suốt 8 năm nay. Có người trả tôi 3 triệu đồng quyển sách này mà tôi không bán đâu" – cụ Sáng lật giở từng trang, rồi hát cho chúng tôi nghe.

Nhưng cụ Sáng vẫn trăn trở trong lòng một nỗi khi lớp trẻ ngày nay không còn thiết tha với văn hóa dân tộc, trong khi tuổi cụ nay đã cao. Cụ sợ rằng những nét văn hóa của dân tộc sẽ cứ thế bị mai một, không có người kế tục.

Bởi vậy, cùng với việc góp công phục dựng lại lễ cầu mùa theo đúng nguyên bản, cụ Sáng còn tích cực tham gia các hoạt động truyền dạy, bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Cùng với đó, cụ Sáng còn phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các lớp học để truyền dạy chữ viết, các điệu múa đặc trưng của dân tộc, nghệ thuật điều hành, thực hành lễ cầu mùa của người Sán Chỉ và hát Soóng Cọ.

“Kho báu sống” của người Sán Chỉ ở nơi ngã ba miền Đông Bắc của Quảng Ninh - Ảnh 4.

Quyển sách ghi hàng trăm bài hát Soóng Cọ do cụ Sáng tự tay chép. Ảnh: Bùi My

Ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực cho biết, cụ Lỷ A Sáng không chỉ là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Sán Chỉ tại địa phương, mà còn có thâm niên 14 năm làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đại Dực.

Cụ Sáng cũng là người nắm giữ nhiều tài liệu, sách cổ và cũng là người giúp địa phương phục dựng những nghi lễ cổ, lễ hội của người Sán Chỉ theo đúng nguyên bản, bản sắc văn hóa. Từ năm 2021, do lý do sức khỏe nên cụ Sáng không còn tham gia các lớp truyền dạy, tuy nhiên vẫn tích cực hỗ trợ các hoạt động nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn xã.

Nét văn hóa đặc sắc của người Sán Chỉ ở Đại Dực là một trong những tiềm năng mà huyện Tiên Yên rất quan tâm giữ gìn và phát huy. Bởi vậy, nhiều năm gần đây, Lễ hội văn hóa thể thao dân tộc Sán Chỉ đã trở thành truyền thống, được huyện Tiên Yên quan tâm, tạo điều kiện để tổ chức thường niên. Trong Lễ hội không thể thiếu trích đoạn lễ cầu mùa, hát Soóng Cọ, và các trò chơi dân gian như đánh cầu chinh, đánh gụ, bắn nỏ…

Dịp 30/4 vừa qua, xã Đại Dực đã ra mắt 7 câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và liên hoan các trò chơi dân gian. Theo đó, thôn Phài Giác ra mắt câu lạc bộ lễ cầu mùa; thôn Khe Ngàn ra mắt câu lạc bộ Soóng Cọ giữ gìn bản sắc trang phục; thôn Khe Quang ra mắt câu lạc bộ may trang phục dân tộc Sán Chỉ; thôn Khe Lục ra mắt câu lạc bộ dòng họ Nình giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc Sán Chỉ; thôn Khe Lặc ra mắt câu lạc bộ văn hóa - thể thao; thôn Kéo Kai ra mắt câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thôn Khe Mươi ra mắt câu lạc bộ giữ gìn bản sắc trang phục dân tộc Dao.

Năm 2014, cụ Lỷ A Sáng đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân dân gian Việt Nam" vì đã có công thực hành truyền dạy nghi lễ cầu mùa, cầu an của đồng bào Sán Chỉ. Năm 2015, cụ Lỷ A Sáng tiếp tục được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem