Người lớn kỳ cục trong mắt con trẻ, vì sao?

Châu Mỹ Chủ nhật, ngày 17/07/2022 13:20 PM (GMT+7)
Giành chỗ trên xe buýt, tàu hỏa, không hề cảm ơn khi được giúp đỡ, trốn vé, chen hàng trong siêu thị... là những biểu hiện "kỳ cục" điển hình của nhiều người lớn trong mắt con trẻ.
Bình luận 0

Không nói lời cảm ơn - xin lỗi với con trẻ

"Con gái tôi là một người hiểu chuyện. Đi siêu thị, đi vào nhà thuốc, hay nhà sách... thấy trẻ em, người già hay phụ nữ có bầu... cháu đều mở cửa hoặc giữ cửa dùm... Nhưng tuyệt nhiên, chưa lần nào tôi thấy những người đó quay lại cảm ơn cháu một tiếng. Điều đó khiến con bé khá buồn và thắc mắc hoài không thôi", chị Thy Đoan mở đầu câu chuyện về cách ứng xử kỳ cục của một số người lớn nơi công cộng.

Theo chị Đoan, chị luôn dạy con phải giúp đỡ người yếu thế hơn mình, đặc biệt, luôn biết nói lời cảm ơn, xin lỗi đúng lúc. Đó là lý do vì sao con gái chị ban đầu vô cùng ngạc nhiên khi những người được cháu giúp đỡ, không nói lời cảm ơn như trong câu chuyện mẹ vẫn từng kể.

Người lớn kỳ cục - Ảnh 1.

Người Nhật luôn cúi đầu đáp lễ khi được con trẻ cảm ơn hoặc xin lỗi. Ảnh: T.L

"Ngày còn bé, cháu chỉ thắc mắc, tại sao mẹ vẫn dạy phải nói lời cảm ơn khi được ai đó giúp đỡ, cho, tặng gì đó... vậy mà những người được cháu mở cửa cho, lại không hề nói. Khi ngoài 10 tuổi, cháu bảo: Con quyết định chẳng mở cửa hay giữ cửa dùm ai ở siêu thị nữa. Không phải vì con mong cầu họ cảm ơn. Mà là con cảm thấy con không nên lãng phí lòng tốt với người không đáng. Họ đã không được dạy dỗ để nói lời cảm ơn", chị Đoan chia sẻ. Người mẹ này cũng cảm thấy buồn, lo lắng vì con mình từ một cô bé nhiệt huyết, đã dần trở nên vô cảm, mất lòng tin, cảnh giác... với người lớn... khi chứng kiến nhiều hành động bất lịch sự của họ tại những nơi công cộng.

Cùng cảm xúc như trên, con gái của anh Tuân cũng cho biết, nhiều lần ở quán ăn hay trong khách sạn, nhà sách... cháu được người lớn nhờ chỉ cho quầy lễ tân, nhờ lấy muỗng, đũa... hay hỗ trợ việc gì đó. Sau khi được giúp đỡ, họ thản nhiên quay đi, như thể, cháu là nhân viên phục vụ ở đó, việc hỗ trợ họ là điều hiển nhiên.

Người lớn kỳ cục - Ảnh 2.

Con cái thường bất mãn khi cha mẹ làm sai nhưng không xin lỗi.

"Cho dù họ có hiểu lầm cháu là người phục vụ thì cũng khó gì đâu một lời cảm ơn. Bản thân cháu luôn cảm ơn và muốn cảm ơn những người giúp đỡ mình, dù đó là nhiệm vụ của họ, như chú phục vụ ở quán nước, bác trông xe ở trường... Nếu không nói, cháu thấy rất náy náy. Vì vậy, cháu cảm thấy những người không biết nói cảm ơn, đặc biệt là người lớn là người không đáng được cháu giúp đỡ lần nữa", cô bé 13 tuổi chia sẻ.

Còn Tâm, một học sinh lớp 8 tại quận Bình Thạnh cho biết, em vô cùng buồn, bức xúc, chán nản khi mẹ liên tục làm sai với các con nhưng không bao giờ nói lời xin lỗi.

"Giờ thì tụi cháu bất cần rồi. Mẹ cháu rõ ràng là toàn hiểu nhầm, hiểu sai, thậm chí mắc lỗi với tụi cháu đến mức mọi người trong nhà đều thừa nhận. Nhưng mẹ chưa bao giờ nói xin lỗi, câu cửa miệng luôn là "Tao là mẹ, tao có quyền". Điều chúng cháu cần, đơn giản chỉ là một lời xin lỗi, để thấy mình được mẹ tôn trọng", Tâm kể.

Giành ghế trên xe bus - tàu hỏa, làm lớn chuyện nơi công cộng

Anh Cường, từng làm phụ xe trên nhiều tuyến bus nội thành cho rằng, không phải người già nào cũng dễ chịu khi đi xe bus. Trong nhiều năm phục vụ hành khách, anh chứng kiến, rất nhiều người già có thái độ "ngang ngược".

"Tôi từng chứng kiến một nhóm chừng 5 phụ nữ, khoảng ngoài 60 tuổi, vừa bước lên xe là nhao nhao nói: Nào, thanh niên, trai tráng đứng hết lên nhường ghế cho các bà già, nhanh nhanh nào. Có bạn sinh viên bị suy giảm thị lực, đang loay hoay tìm chỗ bám để đứng dậy nhường ghế, thì bị một cô mắng sa sả, rằng trẻ mà ích kỷ, không được dạy dỗ, nói mãi mới đứng dậy nhường ghế. Tuyến xe của tôi phần lớn là sinh viên, nhân viên văn phòng đi vé tháng nên ai cũng biết bạn đó bị kém thị lực. 

Hôm đó, tôi chưa kịp lên tiếng can ngăn, đã có vài bác trai trên xe mắng lại đám phụ nữ đó về chuyện gây ồn ào và xúc phạm bạn sinh viên kia. Vậy mà họ không hề xin lỗi, còn quay đi, tỏ vẻ "ta đây không thèm chấp", anh kể.

Trên một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm du lịch tự túc, rất nhiều bạn trẻ đưa bí quyết xử lý tình huống khi bị giành chỗ trên tàu hỏa có toa giường nằm. Theo đó, dù đã đặt vé trước cả tuần, chọn giường tầng trên với giá mắc hơn giường tầng dưới, một đôi bạn trẻ vẫn bị người phụ nữ lớn tuổi đi cùng cháu nhỏ, giành giường do bà lên tàu từ ga đầu. Dù đã đưa vé và nhẹ nhàng nhờ bà trả chỗ, người phụ nữ vẫn không di chuyển, còn lớn tiếng chửi mắng đôi bạn không biết kính trọng người già, nhường nhịn trẻ con.

"Nói thật, người già, trẻ nhỏ hay phải vào nhà vệ sinh, nên ngủ giường tầng dưới cho tiện. Hơn nữa, có vẻ trước đó họ đã bày bừa đồ ăn, đồ uống ra hai chiếc giường phía dưới nên mới leo lên giường tầng trên ngủ. Chúng tôi mất nhiều tiền hơn để mua vé, tại sao phải ngủ trên chiếc giường bừa bộn, bẩn thỉu trên cả một hành trình dài? Vì vậy, tôi quyết định nhờ chú soát vé vào giải quyết, cô kia mới chịu rời đi", bạn trẻ này tâm sự.

Người lớn kỳ cục - Ảnh 4.

Một số người lớn tuổi vô tình gây ồn ào nơi công cộng khi nói hoặc mở nhạc quá to trong lúc tập thể dục vào sáng sớm.

Còn anh Chinh, một kỹ sư xây dựng, nhớ mãi câu chuyện mẹ mình từ quê lên thăm thời anh học Đại học. Hai mẹ con đi bus từ chỗ anh trọ tới thăm người họ hàng cùng thành phố. Xe bus khi đó khá đông, người soát vé đi qua đi lại và dường như quên mất hai mẹ con. Anh đang loay hoay lấy tiền ra trả, thấy mẹ đứng sau lưng cứ cấu, véo, ấn vào eo mình mà không hiểu tại sao.

"Khi xuống xe, tôi bị mẹ mắng cho té tát. Cụ bảo tôi "khôn nhà, dại chợ", khi cụ đã cố làm ám hiệu mà tôi vẫn lấy tiền ra trả. "Người ta quên lấy là lỗi của người ta, mắc gì mình tự trả, phí tiền" - Nguyên văn câu mẹ tôi nói khi đó", anh kể. Anh Chinh thông cảm cho tính tiết kiệm của mẹ do bà nghèo khổ từ nhỏ. Nhưng khi có con, anh phải dặn mẹ tuyệt đối không dạy con mình gian dối, đặc biệt trong những trường hợp như trên xe bus.

"Một số người già còn đem tuổi tác, bệnh tật, hoàn cảnh ra để trả giá hàng hóa, hoặc đòi được ưu tiên khi xếp hàng, hoặc đòi sử dụng dịch vụ miễn phí... Cũng là một người già, tôi cảm thấy xấu hổ vì điều đó. Mình không giúp gì được người khác thì tốt nhất không nên làm phiền họ", ông Út, một cán bộ hưu trí tại TP.HCM đưa kết luận sau khi chia sẻ hàng loạt câu chuyện ông từng chứng kiến trong hội hưu trí mà mình đang sinh hoạt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem