Người muốn nộp 2.500 tỉ đồng thay Nguyễn Thái Luyện không "quay xe" cũng khó được chấp nhận

Q.Trung Thứ năm, ngày 11/05/2023 10:48 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia pháp lý, người muốn nộp 2.500 tỉ đồng thay Nguyễn Thái Luyện nếu không "quay xe" cũng khó được chấp nhận. Bởi, không ai có quyền bán tài sản đang bị kê biên khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật.
Bình luận 0

Người muốn nộp 2.500 tỉ đồng thay Nguyễn Thái Luyện "quay xe"

Tại phiên tòa phúc thẩm vụ "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba  (Công ty Alibaba) do Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm thực hiện, HĐXX cho biết: Quá trình giải quyết vụ án, một người tên Lê Viết An có đơn đề nghị thay bị cáo Luyện và Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) khắc phục toàn bộ 2.500 tỉ đồng thiệt hại.

Người muốn nộp 2,5 nghìn tỷ đồng thay Nguyễn Thái Luyện không "quay xe" cũng khó được chấp nhận - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa. Ảnh: TM

Đổi lại, quyền sở hữu bất động sản của Luyện đang bị kê biên trong vụ án sẽ được chuyển cho ông An.

Về việc này, HĐXX cho biết đã mời ông An làm việc. Qua làm việc, HĐXX giải thích nếu ông An có thiện chí giúp đỡ và muốn khắc phục hậu quả thay bị cáo Luyện, tòa sẽ ra thông báo để ông An đến cơ quan thi hành án nộp tiền, tòa sẽ xem đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử lưu ý rằng không có quyền công nhận hợp đồng mua bán giữa Luyện và ông An. Đây là quan hệ dân sự, nằm ngoài phạm vi xét xử của vụ án này.

Tại phiên tòa ngày 11/5, bị cáo Võ Thị Thanh Mai đã đến tòa sau 2 ngày vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Bị cáo Mai là Giám đốc tài chính của Công ty Alibaba. Bị cáo kháng cáo kêu oan, song tại tòa bị cáo Mai thay đổi sang xin giảm nhẹ hình phạt.

Trả lời HĐXX về khả năng ông Lê Viết An thay vợ chồng bị cáo khắc phục 2.500 tỉ đồng thiệt hại trong vụ án, bị cáo Mai cho biết ông An vừa là bạn bè thân thiết vừa là nhà đầu tư.

"Ông An xin khắc phục thay, ông An có thiện chí đề nghị tòa án công nhận giao đất (đang bị kê biên) cho ông An. Tuy nhiên sau khi được tòa án mời làm việc và giải thích, ông An cảm thấy bỏ ra số tiền lớn mà rủi ro cao nên đã rút đề nghị khắc phục thiệt hại thay", bị cáo Mai nói.

Yêu cầu chắc chắn không được chấp nhận, vì sao?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Alibaba, tại giai đoạn phúc thẩm, bị cáo Luyện đã thừa nhận hành vi phạm tội.

Nhưng vấn đề bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả vẫn chưa được thực hiện nên HĐXX đã động viên bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả để được hưởng tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự khi tòa án lượng hình.

Trong trường hợp bị cáo nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, ăn năn hối cải và đồng ý sử dụng những tài sản đang bị kê biên để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho những người bị hại, tòa án có thể xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Bởi vậy, trong tình huống bị cáo đã nhận tội, việc tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả là tình tiết quan trọng để giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự, thậm chí có thể là căn cứ để đề nghị áp dụng xét xử bị cáo dưới khung hình phạt theo quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự.

Theo ông Cường, trong vụ án này, HĐXX cho biết quá trình giải quyết vụ án, một người tên Lê Viết An có đơn đề nghị thay bị cáo Luyện và Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) khắc phục toàn bộ 2.500 tỉ đồng thiệt hại.

Đổi lại, quyền sở hữu bất động sản của Luyện đang bị kê biên trong vụ án sẽ được chuyển cho ông An.

Đây là tình tiết khá bất ngờ trong vụ án hình sự, bởi số tiền mà các bị cáo phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là rất lớn.

Vị chuyên gia cho rằng, người đưa ra yêu cầu tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thay cho bị cáo không phải là "vô tư", mà bản chất là muốn "mua sớm" các tài sản của bị cáo đang bị kê biên.

Yêu cầu này chắc chắn sẽ không được tòa án chấp nhận bởi không ai có quyền bán tài sản đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật.

Vì thế, các bị cáo phải "tự cứu mình" bằng cách có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả hoặc nhờ người thân bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả thì mới được thêm tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

Việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả trong vụ án hình sự là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đáng kể đối với những vụ án gây ra thiệt hại cho nạn nhân.

Nên nếu các bị cáo chỉ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nhưng không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả hoặc việc bồi thường khắc phục hậu quả không đáng kể, có thể tòa án cấp phúc thẩm vẫn y án sơ thẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem