Người nhiễm biến thể Omicron có tái nhiễm… Omicron?

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 12/03/2022 13:20 PM (GMT+7)
Một tầm soát ngẫu nhiên trên 67 ca Covid-19 nhiễm Omicron tại TP.HCM cho thấy, 64% là biến thể Omicron BA.2.
Bình luận 0
Người nhiễm biến thể Omicron có tái nhiễm… Omicron? - Ảnh 1.

Người nhiễm Omicron vẫn có thể tái nhiễm Omicron biến thể phụ khác. Ảnh: P.V

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, TP.HCM đã lấy mẫu tầm soát ngẫu nhiên 119 trường hợp mắc Covid-19. Kết quả, có 103 ca dương tính với biến thể Omicron. Phân tích sâu hơn, nhận thấy 43 ca thuộc dòng BA.2 (Omicron tàng hình) và 24 ca dòng BA.1. Việc vừa có BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron lưu hành là lý do khiến tốc độ lây lan dịch Covid-19 nhanh như hiện nay.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hùng Vân, cựu Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, hiện là chủ tịch Liên chi hội Vi sinh Lâm sàng TP cho biết, biến thể Omicron có nhiều dòng phụ (dưới biến thể) gồm BA.1, BA.2, BA.3. Điều này khác biệt với biến thể Delta, không có dưới biến thể.

Các dòng phụ Omicron có các đặc điểm khác nhau. Về mặt cấu trúc di truyền, so với BA.1, BA.2 mất đi đột biến mất đoạn nhưng lại xuất hiện đột biến mất đoạn mới. Cấu trúc di truyền này khiến cho protein S của BA.2 khác với BA.1. Có lẽ, sự khác biệt này khiến cho BA.2 lây lan nhanh gấp gần 2 lần so với ban đầu.

Đáng chú ý, sự thay đổi trên protein S của BA.2 cũng khiến cho các test nhanh kháng nguyên giảm độ nhạy khi người bệnh nhiễm biến thể này. "Đó là lý do người ta gọi BA.2 là virus tàng hình – vì trốn test nhanh", tiến sĩ Vân nói.

Tuy nhiên, "trốn" không có nghĩa là test nhanh bất lực hoàn toàn. Nếu tải lượng virus SARS-CoV-2 xuất hiện nhiều ở vùng niêm mạc đường hô hấp trên, test nhanh sẽ có kết quả dương tính.

Trong cơ chế xâm nhập vào tế bào niêm mạc, Omicron nói chung sẽ xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp trên tốt hơn là đường hô hấp dưới (phế quản, phổi…) so với Delta.. Vì vậy, người nhiễm Omicron có thể bị rát họng nhiều hơn các triệu chứng khác.

Trước câu hỏi một người nhiễm biến thể Omicron có thể tái nhiễm Omicron hay không, theo BS Phạm Hùng Vân, về mặt miễn dịch, nếu đã nhiễm một biến thể nào đó, người ta khó có nguy cơ nhiễm lại chính nó. Ví dụ như, người đã nhiễm biến thể Delta sẽ không nhiễm lại Delta nhưng có thể nhiễm biến thể Omicron.

Với cơ chế trên, người mắc Omicron có thể sẽ tái nhiễm Omicron, nhưng ở dòng phụ khác. Ví dụ, người đã mắc Omicron BA.2 vẫn có nguy cơ nhiễm BA.1, BA.3. Để xác định chính xác bị nhiễm biến thể nào, có thể thực hiện bằng xét nghiệm PCR.

Vào cuối tháng 12/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị người nhiễm Covid-19 nên cách ly trong 5 ngày. Sau đó, họ cần đeo khẩu trang và tiếp tục theo dõi thêm 5 ngày.

Theo CDC Mỹ, thời gian ủ bệnh trung bình của các ca nhiễm Omicron khoảng 3 ngày. Thậm chí, một số triệu chứng xuất hiện chỉ 33 giờ sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

Thời gian ủ bệnh của Omicron rõ ràng ngắn hơn so với chủng gốc (từ 5 ngày trở lên) và biến thể Delta (4 ngày).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem