Nguồn “vốn mồi” hiệu quả, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại TP.HCM

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 05/11/2023 14:31 PM (GMT+7)
Nhờ chính sách hỗ trợ lãi vay với mức hỗ trợ dao động từ 60-100%, nhiều nông dân TP.HCM đã mạnh dạn đầu tư làm nông nghiệp đô thị, vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Nguồn “vốn mồi” từ chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đã hỗ trợ cho nhiều nông dân tại làng mai vàng, cá kiểng ở Bình Chánh, rau an toàn Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao ở Nhà Bè, Cần Giờ.

Phóng viên báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM) về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại thành phố, giúp nông dân làm giàu thời gian qua.

Nguồn “vốn mồi” hiệu quả, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại TP.HCM - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM). Ảnh: Hồng Phúc

Hiệu quả từ nguồn "vốn mồi"

PV: Nông nghiệp đô thị đang làm thay đổi diện mạo 5 huyện ngoại thành cũng như tăng thu nhập cho nông dân TP.Thủ Đức và các quận còn sản xuất nông nghiệp. TP.HCM hiện có chính sách nào để khuyến khích nông dân làm nông nghiệp đô thị, thưa bà?

-Tốc độ đô thị hóa tại TP.HCM khá nhanh, do đó, nông nghiệp của thành phố cũng phải phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị. 

Sở NNPTNT TP.HCM đã triển khai chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hay còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay theo các Quyết định 105, Quyết định 04, Nghị quyết 10, Nghị quyết 06. Đây là chính sách hỗ trợ lãi vay để giúp doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác khi có nhu cầu vay vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư sản xuất nông nghiệp sẽ được thành phố hỗ trợ một phần lãi vay. 

Cụ thể, mức hỗ trợ lãi vay dao động từ 60-100% tùy từng hạng mục đầu tư. Thời gian hỗ trợ lãi vay không quá 5 năm cho mỗi phương án.

Để tạo điều kiện cho HTX, sở đã tham mưu UBND TP.HCM phân rõ trách nhiệm của các quận huyện cũng như cấp thành phố trong quá trình xây dựng phương án. Đối với phương án trên 10 tỷ đồng, UBND TP xây dựng phương án. Những phương án vay vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư sản xuất nông nghiệp đều do UBND cấp huyện phê duyệt. 

PV: Bà có thể cho biết thêm việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi vay này đến nay ra sao, đã có bao nhiêu nông dân cũng như phương án sản xuất đã được hỗ trợ?

Đây là chính sách rất hiệu quả được Sở NNPTNT TP.HCM triển khai hơn 10 năm nay.

Nguồn “vốn mồi” hiệu quả, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại TP.HCM - Ảnh 3.

Vườn lan Huyền thoại, huyện Củ Chi - một trong những mô hình nông nghiệp đô thị thành công tại TP.HCM. Ảnh: T.Đáng

Đến nay, đã có khoảng 24.000 lượt hộ dân, doanh nghiệp, HTX được tham gia vay vốn và hưởng ưu đãi từ chính sách, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 13.000 tỷ đồng, tổng số tiền vay vốn được hỗ trợ lãi vay trên 8.000 tỷ đồng. Ngân sách TP đã chi ra gần 700 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. 

Đồng vốn mà ngân sách TP bỏ ra được xem là đồng vốn mồi. Việc triển khai chính sách này cho thấy 1 đồng vốn mồi đã thu hút 20 đồng vốn đến từ xã hội, trong đó 12 đồng vốn đến từ tổ chức tín dụng, 8 đồng vốn từ người dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Chính sách hỗ trợ lãi vay được xác định là chính sách lớn của ngành nông nghiệp TP.HCM hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Thời gian tới, Sở NNPTNT TP.HCM sẽ tiếp tục tham mưu UBND trình HĐND TP triển khai chính sách này giai đoạn đến năm 2030.

Tập trung vào sản phẩm nông nghiệp giá trị kinh tế cao

Nhiều sản phẩm, mô hình nông nghiệp tại TP.HCM thời gian qua như rau, hoa lan… cho hiệu quả kinh tế cao, được nhiều tỉnh thành biết và tìm đến học tập kinh nghiệm. Định hướng về sản phẩm của nông nghiệp đô thị TP.HCM trong thời gian tới sẽ ra sao, thưa bà?

Hiện nay TP.HCM xác định và tập trung vào những loại cây trồng, vật nuôi chủ lực: Rau, hoa - cây cảnh, cá kiểng, bò sữa, heo và tôm - thủy sản. Đây là những sản phẩm được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố. 

Nguồn “vốn mồi” hiệu quả, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại TP.HCM - Ảnh 4.

Vườn rau của HTX Tuấn Ngọc, TP.Thủ Đức. Ảnh: Nguyên Vỹ

Vì sao 6 nhóm sản phẩm trên được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố? Thứ nhất, đây là những sản phẩm phù hợp truyền thống sản xuất lâu đời của người dân trên địa bàn. Thứ hai, đây là những sản phẩm có thị trường và đầu ra khá ổn định. Thứ ba, đây là những sản phẩm có khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào quá trình sản xuất. 

Trong thời gian tới, định hướng về sản xuất nông nghiệp đô thị của TP.HCM vẫn tiếp tục tập trung vào cây trồng, vật nuôi được thành phố xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập cao cho nông dân thành phố. 

Xin cảm bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem