Nguy hiểm khó lường từ hội chứng hậu Covid-19

Bạch Dương Thứ ba, ngày 28/09/2021 19:00 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, song song với gánh nặng điều trị các ca mắc Covid-19, ngành y tế TP.HCM đang phải đối mặt với thực trạng nhiều người bệnh đã hồi phục nhưng vẫn có các triệu chứng Covid-19 kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng. Triệu chứng này gọi là "hội chứng hậu Covid-19".
Bình luận 0
Nguy hiểm khó lường từ hội chứng "hậu Covid-19" - Ảnh 1.

Kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau khi điều trị khỏi Covid-19 tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: BVCC

Bà M.D. (57 tuổi, TP.Thủ Đức) trải qua 24 ngày điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3, bà khỏi bệnh và xuất viện. Nhưng một tuần sau đó, được một tuần bà vẫn còn các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, mất ngủ thường xuyên.

Anh D.N. (26 tuổi) là F0 được cách ly điều trị tại nhà. Sau gần 2 tuần, anh N. có kết quả âm tính. Tuy nhiên, từ lúc khỏi bệnh đến nay đã hơn 10 ngày, anh thường xuyên rơi vào trạng thái mất ngủ.

"Tôi thường xuyên rơi vào trạng thái mất ngủ kéo dài. Mẹ tôi mắc Covid-19 cũng đã khỏi nhưng liên tục khó thở. Ban đêm tôi chỉ ngủ được 3-4 tiếng, sau đó giật mình dậy mặc dù cố gắng tìm cách vận động nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm", anh N. cho biết.

Đến nay, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã thành lập các khoa hồi sức và phục hồi cho bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19 như: Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3, Bệnh viện Lê Văn Thịnh… Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân Covid-19 đến khám, điều trị sau khi khỏi Covid-19 nhưng vẫn còn triệu chứng.

PGS.BS Hồ Thượng Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, mỗi ngày TP có hàng ngàn người xuất viện sau khi điều trị khỏi Covid-19. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng hoàn toàn khỏe mạnh và ổn định tâm lý sau khi xuất viện, khỏi Covid-19.

"Khoảng 30% bệnh nhân hậu Covid-19 cần vào viện. Nhiều người dù có xét nghiệm âm tính nhưng chưa thực sự hồi phục về thể chất, thậm chí nhiều người còn rơi vào trầm cảm, căng thẳng. Những F0 từng nguy kịch, phải thở máy vẫn còn di chứng phổi, họ rất cần được chăm sóc", PGS Dũng nói.

Theo BS Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cơ sở 3, song song với gánh nặng điều trị các ca nhiễm, ngành y tế còn phải đối mặt với thực trạng nhiều người bệnh đã hồi phục sau nhiễm Covid-19 vẫn có các triệu chứng kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng, gây ảnh hưởng trong đời sống hằng ngày của họ.

Những người bệnh này được coi là mắc phải "hội chứng hậu Covid-19" hoặc "Covid kéo dài". Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, các biểu hiện về tâm thần kinh như khó thở, lo lắng, trầm cảm, suy giảm khả năng chú ý, tập trung, giảm trí nhớ và giấc ngủ làm chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức) cho biết, sau khi mắc Covid-19, đặc biệt là những người già và người bệnh nặng có thời gian nằm điều trị lâu, phải thở máy sẽ có những tổn thương phổi, hô hấp, xơ phổi, teo cơ do hạn chế vận động. Nếu không được tập phục hồi sẽ dẫn đến tàn tật.

Về mặt tâm lý, sau khi khỏi bệnh, nhiều người sẽ đối mặt với lo lắng như có mắc Covid-19 lại hay không, cuộc sống ra sao, thậm chí đối mặt với việc mất người thân. Họ không thể định hình được cuộc sống phía trước dẫn tới đa số sẽ có rối loạn tâm lý, trầm cảm, lo âu.

Nguy hiểm khó lường từ hội chứng "hậu Covid-19" - Ảnh 3.

Chăm sóc bệnh nhân "hậu Covid-19" tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã thành lập Trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu sau nhiễm Covid-19 cũng xuất phát từ các nguyên nhân đó, với mong muốn chữa lành vết thương về cả tinh thần và thể xác. Trung tâm có 3 khu bao gồm chạy thận nhân tạo, điều trị tâm lý, điều trị vật lý trị liệu và ứng dụng công nghệ cao trong y tế giúp người bệnh nhanh phục hồi.

Đối với các bệnh nhân có hội chứng hậu Covid-19, BS Lê Thị Thúy Hằng khuyến cáo nên tập thể dục nhẹ nhàng, tập dưỡng sinh, hạn chế làm việc nặng mà nên làm việc nhẹ tăng dần cường độ, giúp giải tỏa căng thẳng. Bên cạnh đó, người bệnh không nên sống một mình hoặc tự cô lập với mọi người trong nhà, họ cần có sự chia sẻ, cảm thông của mọi người.

Người bệnh cần tránh những thức ăn khó tiêu, nhiều mỡ, nhiều chất béo, không nên ăn sau 19h tối. Ngoài ra cần hạn chế dùng trà, cà phê về đêm, nên ăn nhiều rau quả, trái cây, nước mát và uống đủ 1,5-2 lít nước trong ngày. Thay đổi món ăn thường xuyên, chế biến thức ăn, bài trí thức ăn hấp dẫn tạo mùi thơm thay đổi kích thích vị giác, chia nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem