Nhà sáng tạo Nguyễn Thái Hà và bí quyết "chọn nghề" thành công cho học sinh ngay trên ghế nhà trường

Tào Nga Thứ sáu, ngày 04/11/2022 06:34 AM (GMT+7)
Theo chị Nguyễn Thái Hà, để có được một công việc tốt, một người cần ưu tiên các tiêu chí là Năng lực chuyên môn; Mối quan hệ; Nhu cầu thị trường.
Bình luận 0

Trước thực trạng nhiều bạn trẻ bối rối vì chọn học và làm việc sai ngành, PV báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thái Hà - Nhà sáng tạo nội dung về tuyển dụng hướng nghiệp đa nền tảng - về hướng nghiệp từ góc nhìn thực tế thị trường lao động Việt Nam và toàn cầu.

Chọn nghề nghiệp phù hợp cần 4 yếu tố

Chào chị! Chị có thể chia sẻ vì sao nên định hướng nghề nghiệp cho các bạn học sinh từ sớm?

- Năng lực và động lực là hai yếu tố cần thiết để làm bất cứ một công việc gì. Do đó, quá trình hướng nghiệp cũng cần phải bắt đầu từ sớm để có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phù hợp. Các phụ huynh thường chỉ để ý đến những ngành nghề xu hướng và đang được trọng vọng, nhưng lại bỏ quên năng khiếu, năng lực, sở trường và mong muốn của con. Đây là vấn đề gốc rễ nhất trong công tác hướng nghiệp.

Có một mô hình hướng nghiệp rất nổi tiếng của Nhật - mô hình Ikigai. Theo đó, một nghề nghiệp phù hợp cần 4 yếu tố: Điều mà bạn yêu thích; Điều mà bạn giỏi; Điều mà thế giới này "cần" và điều mà bạn sẽ làm để được trả công.

Một khi bám sát vào 4 tiêu chí này, phụ huynh có thể dễ dàng hỗ trợ và giúp đỡ cho câu chuyện lựa chọn nghề nghiệp của con hơn.

Nhà sáng tạo Nguyễn Thái Hà và bí quyết "chọn nghề" thành công cho học sinh ngay trên ghế nhà trường - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thái Hà, Nhà sáng tạo nội dung về tuyển dụng hướng nghiệp đa nền tảng chia sẻ kinh nghiệm trong Triển lãm Giáo dục New Zealand 2022. Ảnh: NVCC

Hiện nay, tình trạng các bạn trẻ nhảy việc hoặc làm trái ngành trở nên rất phổ biến. Theo chị, việc này đến từ đâu?

- Là một người đã từng làm trái ngành, đối với Thái Hà, việc chọn trái ngành và học sai ngành là chuyện hết sức bình thường. Vì đa số các học sinh cấp 3 sẽ được bố mẹ hướng nghiệp, thông thường sự hướng nghiệp này sẽ chưa sát với nguyện vọng của các em, dẫn đến việc các em đi theo ngành học mình không thực sự yêu thích. Thêm nữa, các em sẽ chỉ biết mình thích gì khi đã có đủ trải nghiệm. Song các học sinh cấp 3 lại thường "sống trong sự bao bọc của phụ huynh". Các em vẫn còn thiếu sự va chạm và định hướng nhất định. Do đó có thể nói, việc chọn sai ngành là việc đã diễn ra từ lâu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc học Đại học không chỉ dừng lại ở câu chuyện học một chuyên ngành nhất định nào đó. Các bạn phải liên tục trau dồi rất nhiều những kiến thức thực tiễn, kĩ năng, thái độ đúng, đam mê, kỷ luật… để phát triển trong nghề và không bị tụt hậu phía sau. Do đó, nếu có phải học và làm việc trái ngành thì cũng không phải là một vấn đề quá to tát, miễn là các bạn chịu khó trau dồi thêm những kiến thức, kỹ năng mềm khác.

Khi định hướng cho con mình, rất ít phụ huynh để ý đến một yếu tố quan trọng là nhu cầu của môi trường tuyển dụng. Quan điểm của chị về vấn đề này là như thế nào?

- Ikigai có 4 yếu tố, và tất cả các yếu tố đều quan trọng như nhau, kể cả nhu cầu của thị trường.

Để có được một công việc tốt, một người cần ưu tiên các tiêu chí sau: Năng lực chuyên môn; Mối quan hệ; Nhu cầu thị trường.

Do đó có thể nói, nhu cầu thị trường cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Khi định hướng nghề nghiệp, các phụ huynh cần tìm hiểu và xác định nhu cầu thị trường kỹ lưỡng dựa trên các tài liệu, báo cáo, thống kê chính thống và có uy tín. Không nên chỉ nhìn nhận nhu cầu thị trường dựa trên những nhận định và góc nhìn cá nhân.

Nhà sáng tạo Nguyễn Thái Hà và bí quyết "chọn nghề" thành công cho học sinh ngay trên ghế nhà trường - Ảnh 2.

Là một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực nhân sự, chị Thái Hà nhận ra rằng chỉ có 2/10 bạn thực sự tìm được động lực cũng như đam mê khi làm việc do thiếu định hướng từ sớm. Ảnh: NVCC

Theo chị, Work-life balance (cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân) có cần thiết khi đi làm không?

- Work-life balance, hay còn gọi là sự cân bằng trong công việc và cuộc sống cá nhân thật ra sẽ tùy vào nhu cầu của mỗi người. Có người cần cảm giác yên bình, có người lại muốn đỉnh cao danh vọng và phát triển sự nghiệp. Cảm giác cân bằng là cảm giác đến từ bên trong, không phải cứ lao ra ngoài và làm việc giống những người khác thì mình sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Con người đi làm dù ở bất kì độ tuổi quốc gia nào cũng sẽ vì những lý do như An toàn ổn định; Tham vọng, danh vọng; Tiền bạc; Sự công nhận.

Nếu lứa thế hệ 8x muốn tìm kiếm sự ổn định thì các thế hệ trẻ ngày nay lại ưu tiên sự công nhận, tham vọng nhiều hơn. Do đó mỗi thế hệ sẽ có những nhu cầu riêng. Miễn chúng ta đạt được "nội động lực" của bản thân, thì cuộc sống sẽ trở nên đáng sống.

Nên bứt phá hay chọn an toàn?

Các bạn học sinh nên liều lĩnh, bứt phá và đi theo đam mê của bản thân hay nên an toàn, đi theo định hướng của phụ huynh từ trước, thưa chị?

- Không có lời khuyên nào là hoàn toàn đúng cho câu hỏi này, bởi sự lựa chọn nào cũng sẽ có sự hi sinh cả. Nếu lựa chọn nghe theo bố mẹ thì tình cảm gia đình sẽ không bị rạn nứt ngay lúc đấy. Nhưng nếu vậy thì rất có thể bạn sẽ phải chấp nhận làm công việc mà mình không yêu thích. Còn nếu lựa chọn đam mê các bạn sẽ phải đấu tranh với gia đình đôi chút, bù lại các bạn sẽ được thoải mái theo đuổi công việc mà mình yêu thích.

Nhà sáng tạo Nguyễn Thái Hà và bí quyết "chọn nghề" thành công cho học sinh ngay trên ghế nhà trường - Ảnh 3.

Theo chị Thái Hà, có kinh nghiệm thực tập và làm việc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ đem lại lợi thế lớn cho các bạn sinh viên trong thời đại ngày nay. Ảnh: NVCC

Quan điểm của chị liệu những bạn có nhiều kinh nghiệm thực tập và làm việc bán thời gian sẽ có thêm thuận lợi cho sự nghiệp sau này không?

- Bất kỳ tập đoàn, doanh nghiệp hay công ty nào cũng cần tiết kiệm hai thứ: thời gian và chi phí. Nếu một ứng viên đã có nhiều trải nghiệm từ trước thì doanh nghiệp sẽ không phải tốn quá nhiều thời gian và chi phí để đầu tư. Ngoài ra, việc đi làm thêm sớm giúp mình nhận ra bản thân có thực sự thích và phù hợp với nghề hay không. Do vậy, nếu đã xác định đi làm nhân viên công sở thì nên cố gắng đi thực tập và đi làm từ sớm.

Chị có thể tiết lộ công cụ giúp hỗ trợ hướng nghiệp/viết CV cho các bạn trẻ?

- Để hỗ trợ cho quá trình hướng nghiệp và viết CV, các bạn sinh viên nên sử dụng các công cụ quốc tế, cụ thể như sau:

Công cụ hướng nghiệp: Bài test hướng nghiệp Holland của website hướng nghiệp Sông An; Test MBTI; Test loại trí thông minh.

Công cụ tham khảo viết CV: TopCV.vn; Youtube.

Cảm ơn chị với những chia sẻ vô cùng hữu ích cho các bạn trẻ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem