Nhạc sĩ Giáng Son: "Tôi được 3 tháng tuổi thì mẹ bế tôi hòa vào dòng người hò reo mừng ngày giải phóng"

Hà Tùng Long Chủ nhật, ngày 30/04/2023 13:30 PM (GMT+7)
Nhạc sĩ Giáng Son sinh năm 1975, khi non sông thống nhất, giang sơn đã liền một dải. Chị luôn cảm thấy may mắn khi được sinh trong thời hòa bình và cũng luôn thấy nợ đất nước một tác phẩm âm nhạc có tầm vóc. Nhạc sĩ Giáng Son đã có cuộc trò chuyện với Dân Việt về những cảm xúc của mình trong ngày 30 - 4.
Bình luận 0

Sinh ra vào thời điểm cuộc chiến chống Mỹ đã kết thúc, hai miền Nam – Bắc về chung một nhà. Chị có thấy đó là một may mắn lớn của thế hệ mình?

- Tôi thấy mình quá may mắn khi được sinh ra trong thời bình, đất nước đã liền một dải. Tôi sinh ngày 1/2/1975, khi đất nước thống nhất là tôi mới được 3 tháng tuổi và ngày 30/4/1975, mẹ đã bế tôi hòa vào dòng người mừng ngày thống nhất non sông. Thời điểm đó tôi còn quá bé nên không cảm nhận được gì nhưng sau này nghe mẹ kể lại, tôi vẫn thấy rất xúc động. Tôi thật sự biết ơn các thế hệ ông cha đi trước, đã không tiếc thanh xuân, không tiếc tuổi trẻ, không tiếc máu xương… để giành độc lập, cho thế hệ chúng tôi được sống trong hòa bình và hạnh phúc.

Nhạc sĩ Giáng Son: "Sinh vào ngày đất nước thống nhất, tôi vừa thấy may mắn, vừa thấy mắc nợ" - Ảnh 1.

Giáng Son và Lê Minh Sơn là thuộc thế hệ nhạc sĩ sinh năm 1975. Ảnh: FBNV.

48 năm tuổi đời của chị cũng là 48 năm đất nước có nhiều đổi thay, phát triển sau khi hòa bình. Nhìn đất nước hôm nay, chị nhớ gì về những ngày đã qua của mình?

- Ở một góc nhìn tích cực nào đó, tôi cũng thấy mình may mắn khi được sinh trưởng trong giai đoạn đất nước có nhiều đổi thay. Thế hệ chúng tôi từng đi qua những ngày tháng rất thiếu thốn của thời kỳ bao cấp, tem phiếu… Tôi vẫn nhớ, thời đó, cả gia đình gồm 2 bố mẹ và 4 anh chị em chỉ được tiêu chuẩn mấy mét vải, mấy cân gạo và một cân thịt. Bây giờ nói ra chắc mấy bạn trẻ sẽ không thể hình dung nổi cuộc sống thời đó nhưng chúng tôi đã đi qua những ngày như thế. Thời đó, lúc nào lũ trẻ chúng tôi cũng chỉ mong đến Tết để được ăn miếng thịt gà hoặc ăn bánh kẹo.

Rồi chúng tôi được trải qua thời kỳ đất nước mở cửa, cuộc sống dễ dàng hơn, mọi người hòa vào nền kinh tế thị trường để kiếm cái ăn, cái mặc và nâng cao đời sống. Bố mẹ tôi thời đó đều là giáo viên, gia đình lại đông con nên cũng phải chạy chợ để kiếm thêm, nuôi các con ăn học. Dù lúc đầu mẹ tôi cũng có chút xấu hổ vì cô giáo mà phải ra chợ bán hàng nhưng rồi thấy ai cũng xoay xở như thế để cải thiện đời sống nên dần quen. Nhờ thế mà bản thân tôi cũng có nhiều cơ hội hơn để học hành và phát triển sự nghiệp âm nhạc.  

Nhạc sĩ Giáng Son: "Sinh vào ngày đất nước thống nhất, tôi vừa thấy may mắn, vừa thấy mắc nợ" - Ảnh 2.

Giáng Son cảm thấy may mắn và biết ơn khi được sinh ra trong thời bình. Ảnh: FBNV.

Đến những năm gần đây, chúng ta thấy thế giới phát triển như vũ bão và Việt Nam chúng ta cũng mạnh mẽ vươn lên như một con rồng của Đông Nam Á. Chúng ta phát triển năng động, chớp nhiều thời cơ để hòa mình vào dòng chảy của thế giới. Ngày càng có nhiều cá nhân thành công vang dội trên nhiều lĩnh vực, đưa tên tuổi của Việt Nam vẻ vang hơn trên trường quốc tế. Các doanh nhân mở ra các tập đoàn kinh tế, các khu công nghiệp… tạo công ăn việc làm cho bao nhiêu người.

Nghĩa là nhờ những chiêm ngiệm đó, những trải nghiệm đó… mà con đường sáng tác và biểu diễn âm nhạc của chị cũng khác hơn mọi người?

- Những năm 80 – 90, gia đình nào phải có điều kiện lắm mới có một cây đàn piano. Cây đàn piano hồi đó có giá trị tương đương với một ngôi nhà lớn. Những ai đi học nhạc mà được học đàn piano thì quả là may mắn vô cùng vì nhạc cụ của phương Tây vô cùng đắt đỏ. Bây giờ đàn piano vẫn rất đắt nhưng cũng đỡ hơn trước rất nhiều. Tôi may mắn vì thời đó bố tôi là nhạc sĩ nên có một cây đàn piano. Đấy cũng là một thuận lợi để tôi có những bước tiến trong âm nhạc. Nhiều bạn bè của tôi thời đó rất muốn học âm nhạc nhưng không có đàn nên không thể học được.

Tôi say mê học đàn từ thời bé nhưng vẫn không bằng các bạn trẻ bây giờ về kiến thức âm nhạc mới mẻ. Thời chúng tôi không có nhiều sách, không có internet, không có công nghệ như bây giờ để có thể nghe được những bản nhạc mình yêu thích, tìm tòi được những thông tin bổ ích về âm nhạc, tiếp cận được nhiều kiến thức âm nhạc mới.

Nhạc sĩ Giáng Son: "Sinh vào ngày đất nước thống nhất, tôi vừa thấy may mắn, vừa thấy mắc nợ" - Ảnh 3.

Giáng Son đến được với âm nhạc là nhờ bố là nghệ sĩ Hoàng Kiều cho học đàn piano từ bé. Ảnh: FBNV.

Duy có một điều đó là thế hệ chúng tôi đến với âm nhạc bằng niềm đam mê mãnh liệt và tiếp cận âm nhạc trên nền tảng của những giá trị âm nhạc truyền thống. Vì lẽ đó, nói gì thì nói, âm nhạc của thế hệ chúng tôi vẫn có chất riêng.

Bây giờ, xu hướng sáng tác của các bạn trẻ là không cần dựa trên những thứ cơ bản hoặc bài bản như của thế hệ chúng tôi mà các bạn tự học và tự tạo ra giai điệu trên nền tảng các beat có sẵn. Tôi cũng có thể làm theo cách đó nhưng tôi không muốn. Làm như thế tôi sẽ không phải là Giáng Son nữa mà là một phiên bản nhàng nhàng như những bạn trẻ chưa qua đào tạo khác. Tôi rất kỵ việc người ta nói mình đạo nhạc và tôi cũng không muốn biến mình thành một người đạo nhạc.

Chị đã có nhiều tác phẩm âm nhạc để đời nhưng vẫn thiếu một tác phẩm về chủ đề đất nước, quê hương. Chị có nghĩ đây là một món "nợ" mà nhất định mình sẽ trả?

- Thực ra, tôi cũng rất trăn trở với những đề tài này. Mình được sống trong thời kỳ hòa bình, không còn đạn bom khói lửa… nên luôn cảm thấy trân trọng và biết ơn những thế hệ đi trước. Nhưng cũng phải nói thật, đề tài này không phải là đề tài dễ. Chúng ta tự hào về đất nước nhưng không được hô khẩu hiệu trong một tác phẩm âm nhạc. Tôi ghét nhất là hô khẩu hiệu trong bài hát. Tôi muốn mỗi tác phẩm âm nhạc mình viết ra phải là tiếng lòng của mình, xuất phát từ những tâm tư và tình cảm thực sự đối với đất nước.

Nhạc sĩ Giáng Son: "Sinh vào ngày đất nước thống nhất, tôi vừa thấy may mắn, vừa thấy mắc nợ" - Ảnh 5.

Giáng Son thấy mình mắc nợ một ca khúc tầm vóc về đề tài đất nước. Ảnh: FBNV.

Chẳng hạn như ca khúc "Hà Nội 12 mùa hoa" của tôi, tôi phải "thai nghén" hơn chục năm mới viết ra được. Và viết cho đến khi thấy hài lòng tôi mới đưa ra. Đề tài về que hương, đất nước… tôi có viết nhưng đúng là hiện vẫn còn rất ít. Có lẽ tôi vẫn nợ đất nước những bài hát về đề tài này… và nhất định phải trả.

Ngoài cái kỷ niệm được mẹ bế hòa theo dòng người mừng chiến thắng 30/4/1975, chị còn có kỷ niệm nào đáng nhớ về ngày lễ lịch sử này?

- Tôi còn nhớ, lần đầu tiên nhóm nhạc 5 dòng kẻ của chúng tôi được mời vào Sài Gòn biểu diễn, tôi rất muốn được đến Dinh Thống Nhất để xem nơi này có giống với hình ảnh mình nhìn thấy trong bức ảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh năm 1975 hay không. Và khi đặt chân đến nơi này rồi tôi lại cảm thấy rất xúc động. Xúc động là bởi nơi này như một nhân chứng, chứng kiến những khoảnh khắc đi vào lịch sử, mở ra một thời kỳ hòa bình mới.

Cảm ơn nhạc sĩ Giáng Son đã chia sẻ thông tin.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem