Nhạc sĩ Thụy Kha, NSND Thu Hiền tiết lộ những điều chưa bao giờ kể về nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

Thúy Phương Thứ sáu, ngày 11/02/2022 14:47 PM (GMT+7)
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vừa qua đời ở tuổi 87, ông là tấm gương về sự lao động và cống hiến trọn vẹn và nghiêm túc cho nghệ thuật. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, NSND Thu Hiền đã chia sẻ với Dân Việt về cuộc đời của cố nhạc sĩ.
Bình luận 0

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: "Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã có cuộc đời cống hiến trọn vẹn"

"Xa khơi" là đỉnh cao kết hợp giữa âm hưởng bác học và dân ca của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vừa qua đời ở tuổi 87. Ảnh: TL

"Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là con người có những điều tôi rất yêu mến từ khi tôi còn nhỏ. Khi miền Bắc bắt đầu lập lại hòa bình, những bài hát của ông đã vang lên với nhiều thế hệ trẻ Việt Nam. Tôi nhớ nhất bài "Bài ca gửi Nọong" khi đó ở tất cả các đám cưới đều hát rất vui vì ông lấy giai điệu của người Tày, Nùng. Sau đó ông có những tác phẩm không thể nào quên ở thời đại đó.

Khi nghe tin ông Lê Quang Vịnh (sau làm Trưởng Ban Tôn giáo ) bị kết án, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã viết bài "Lê Quang Vịnh người con quang vinh" rất hay, do ca sĩ Quốc Hương hát. Có chuyện vui sau đó là ông Vịnh nghe xong không nhận nhân vật trong bài hát là mình vì cuộc đời của ông dũng mãnh kiểu khác. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lúc đó đâu biết rõ được cuộc đời ông Vịnh thế nào, ông cảm mến nên cứ viết ca ngợi thôi. Nhưng ca khúc đó lúc ấy được rất nhiều thanh niên yêu thích và noi theo như là một tấm gương.

Sau đó đến những tuyệt phẩm "Xa khơi" và "Tiếng hát rừng Pắc Bó" ra đời khiến mọi người rất ngưỡng mộ nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Tình yêu với một nghệ sĩ tài năng như thế cứ theo đuổi đến khi tôi trở thành một nhạc sĩ. Hồi tôi làm ở Hội nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ hay đến chơi và tâm sự rất nhiều điều. 

Sau khi ông đi học ở Triều Tiên về thì sáng tác của ông có vẻ ít hơn, có lẽ vì bài bản quá nên những tác phẩm của ông ít người biết hơn. Nhưng những gì ông đã làm được trước sẽ còn lại mãi. Giá trị lớn nhất trong tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là kết hợp được âm hưởng bác học vào âm hưởng dân ca với nhau rất nhuần nhuyễn, đỉnh cao là "Xa khơi", nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ với Dân Việt.

"Xa khơi" là đỉnh cao kết hợp giữa âm hưởng bác học và dân ca của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha. Ảnh: TL

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng cho biết thêm rằng, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là người rất yêu anh em nghệ sĩ trẻ. Ông không phải là người cao giọng cậy mình là người cao tuổi nên "bề trên răn dạy bề dưới" mà trái lại ông rất chan hòa, luôn chia sẻ với anh em trẻ, đó là điều rất đáng quý. 

"Có thể nói cuộc đời của ông là cuộc đời cống hiến trọn vẹn và tất cả mọi người đều quý mến giai điệu của Nguyễn Tài Tuệ  và giai điệu của ông sẽ sống mãi với dân tộc Việt Nam", nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhấn mạnh.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ còn là người nghiên cứu và tham gia vào Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Ông luôn có tiếng nói bênh vực các nhạc sĩ. Ông là người rất đàng hoàng, luôn là tấm gương để anh em trẻ nhìn vào để học tập. 

"Tôi với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ hay gặp nhau ở Tạp chí âm nhạc để trò chuyện, chia sẻ tác phẩm hay trên tạp chí. Chứng tỏ nhạc sĩ là người rất chăm chỉ bồi dưỡng kiến thức mới đọc kỹ tạp chí nên tôi rất kính nể, không phải nhạc sĩ nào cũng đọc hết và thấu đáo Tạp chí âm nhạc như ông."

NSND Thu Hiền: "Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ dạy tôi về tư cách của nghệ sĩ"

"Xa khơi" là đỉnh cao kết hợp giữa âm hưởng bác học và dân ca của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - Ảnh 3.

NSND Thu Hiền. Ảnh: TL

Bàng hoàng trước tin nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ ra đi, NSND Thu Hiền chia sẻ với Dân Việt: "Tôi cùng chung nhà hát với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từ khi ông học ở Triều Tiên về nên tôi có nhiều thời gian được gần nhạc sĩ. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là người Nho học. Ông sống khuôn mẫu nên luôn đề cao giáo dục về cách sống nhân văn của người nghệ sĩ. Khi thể hiện tác phẩm của ông phải đến gặp ông, làm việc rất chu đáo và hết sức cẩn thận.

Tác phẩm của ông tôi thể hiện được mọi người yêu quý là "Xôn xao bến nước". Bài hát này tôi đã được nhạc sĩ chỉ dạy tận tình. "Xôn xao bến nước" thời đấy nổi tiếng trên làn sóng phát thanh khi đất nước chưa thống nhất, sau đó tiếp tục lan tỏa một thời gian. Tôi là người đầu tiên được nhận ca khúc từ nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Ông gọi tôi đến dạy tại nhà 3 buổi liền, truyền dạy cho tôi từng nốt nhạc một rồi mới được thu trên sóng phát thanh. Khi phát thì bài hát đã được lan tỏa đến mọi người và trở nên nổi tiếng.

Thời đi ông đi Triều Tiên về và kể cả khi tôi được sang biểu diễn ở Triều Tiên, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng là người dạy tôi tiếng Triều Tiên để hát các ca khúc bên ấy.

Xôn xao bến nước của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - NSND Thu Hiền thể hiện. Nguồn: Nguyên Nga

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là nhạc sĩ gạo cội sống rất chuẩn chỉnh khiến tôi phải kính trọng và nể sợ chứ không bao giờ dám đùa cợt. Ông sống nghiêm túc, và để lại cho đàn em một thái độ làm nghệ thuật nghiêm túc, chỉn chu. Tôi vẫn nhớ ông thường kể cho tôi những câu chuyện lúc đi diễn ở Thanh Chương - Nghệ An rằng, ngày xưa ông đi học bước chân vào nhà như thế nào, hai tay vái lạy bố mẹ như thế nào. Ông dạy cho mình đạo đức, tư cách của người nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ làm việc nghiêm túc và nghiêm khắc, tôi ít thấy người nhạc sĩ nào như ông. Người nghệ sĩ phải làm việc một cách tập trung chứ không thể phá phách trong tác phẩm của nhạc sĩ. Nếu có sự sáng tạo, phải được nhạc sĩ cho phép và chấp nhận. Từng chữ, từng lời, từng nốt, hay đến mấy, chưa qua ông duyệt những sáng tạo ấy ông cũng không đồng ý. Các ca sĩ phải làm việc với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ  rồi mới được đưa tác phẩm đến cho mọi người chứ không được tự cầm bản nhạc hát.

Cách đây khoảng 1 năm tôi có đến thăm khi nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vừa mới ra các tuyển tập trong đó có mấy trăm tác phẩm của bác thu vào 3 đĩa CD. Tôi cũng ủng hộ 10 quyển khoảng 5 triệu đồng thôi nhưng là tấm lòng lưu giữ tuyển tập về cuộc đời và tác phẩm của ông. Tôi cũng kêu gọi mọi người mua. Năm nay dịch bệnh quá nên tôi không đến thăm ông được. Lúc ấy nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vẫn còn khỏe mạnh lắm, hai vợ chồng ông ra đón tôi. Gia đình ông sống rất ngăn nắp. Ông có được một người vợ tâm đầu ý hợp và am hiểu âm nhạc, hai người từng gặp nhau ở Triều Tiên.

Khi giải phóng miền nam, Đoàn Ca nhạc Dân tộc tiếp quản Sài Gòn, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ chỉ toàn đi mua sách, tiểu thuyết ngày xưa. Ông đi ra chợ sách gần Bến Thành sưu tầm sách, tôi cũng đi theo và đã được đọc nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng của Trung Quốc. Khi ra Bắc, mọi người thì mua đủ thứ còn ông chỉ mua sách, một vali với một thùng giấy của ông toàn là tác phẩm văn học nổi tiếng".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem