Nhật ký giãn cách: Nữ bác sĩ kể chuyện “quả đầu sấm sét” ở Bệnh viện dã chiến Bình Dương

Ngọc Vũ Thứ sáu, ngày 03/09/2021 10:17 AM (GMT+7)
Từ phút giây bỡ ngỡ cho đến thân quen, bữa ăn có phần thiếu thốn, giấc ngủ không tròn giấc, cái nóng bỏng rát da trong bộ đồ bảo hộ, “quả đầu sấm sét”, nỗi buồn vì bệnh nhân tử vong cho đến niềm vui bệnh nhân xuất viện được bác sĩ trẻ Hoàng Thị Ngọc Vân (Quảng Trị) chia sẻ trong nhật ký chống dịch với Dân Việt.
Bình luận 0

Vừa tham gia phòng, chống dịch ở tỉnh Bình Dương trở về, theo thuyết phục của PV Dân Việt, bác sĩ đa khoa Hoàng Thị Ngọc Vân (26 tuổi, tên thường gọi là Út) công tác tại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Trị đã viết nhật ký chống dịch của mình.

Dưới đây, Dân Việt trích đăng một phần nhật ký của bác sĩ Ngọc Vân:

Quảng Trị, ngày 30/8/2021!

Vậy là tôi đã kết thúc 1 tháng tình nguyện tham gia chống dịch tại Bình Dương. Khi đã ngả lưng lên mặt nệm êm ái, chân được duỗi thẳng và có điều hòa mát lạnh, lòng tôi vẫn còn canh cánh hướng về Bình Dương, nơi đồng nghiệp tôi còn ở đó…

Nữ bác sĩ kể chuyện “quả đầu sấm sét” ở bệnh viện dã chiến Bình Dương - Ảnh 1.

Bác sĩ đa khoa Hoàng Thị Ngọc Vân sau khi cởi bộ đồ bảo hộ và đã lau bớt mồ hôi. Ảnh: NVCC

Nhớ lại 1 tháng trước, xem trên tivi, báo, đài, tôi thấy đồng nghiệp của mình ở các tỉnh phía Nam quá vất vả để chống dịch, có người kiệt sức nằm sạp xuống đất, tôi đã đăng ký lên đường. Tôi có sức trẻ, tôi phải cống hiến và đây là lúc Tổ quốc cần tôi.

Ngày 26/7, tôi cùng 32 cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Quảng Trị lên đường vào Bình Dương. Trước khi đi, đoàn chúng tôi được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị ân cần tiễn ra xe với lời chúc bình an.

Trước lúc lên xe, tôi còn được các phóng viên, nhà báo phỏng vấn và trở thành người "nổi tiếng" (cười), đó là kỷ niệm đẹp.

Nữ bác sĩ kể chuyện “quả đầu sấm sét” ở bệnh viện dã chiến Bình Dương - Ảnh 2.

Bác sĩ đa khoa Hoàng Thị Ngọc Vân gửi lời chào tạm biệt ba, mẹ qua ống kính phóng viên ngày lên đường: "Út đi rồi Út sẽ về thôi. ba, mạ (mẹ - PV) ở nhà yên tâm nghe, đừng lo lắng chi hết". Ảnh: Ngọc Vũ chụp ngày 26/7.

Đến Bình Dương, đoàn chúng tôi tạm thời chia ra 3 nhóm, tại 3 điểm điều trị Covid-19 khác nhau. Nhóm của tôi đóng tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (TP.Thuận An).

Ngày đi làm, tối về chúng tôi ghép mấy cái bàn gỗ của học sinh lại để ngủ. Sáng dậy ai cũng đau lưng ê ẩm. Riêng tôi đúng lúc đang đến kỳ "đèn đỏ", cái lưng như muốn gãy đôi.

Mùa này trong Nam đang dịch sốt xuất huyết và có nhiều kiến ba khoang. Loại kiến này bò lên người sẽ gây bỏng rát, lở loét da.

Sau 1 tuần, đoàn 33 người chúng tôi nhập lại và tiến về Bệnh viện dã chiến số 3 (được trưng dụng của Trường Đại học Việt Đức) để nhận vận hành block A của bệnh viện, tiếp nhận gần 1.200 F0.

Những ngày đầu sơ khai, mọi thứ thật sự thiếu thốn. Nhân viên y tế chúng tôi ngủ trên giường xếp, nơi ban ngày nắng chiếu thẳng đầu, ban đêm nghe được tiếng ếch nhái, dế kêu. Mỗi độ mưa rào, mấy chị em phải kéo giường, ôm áo quần đi trốn mưa. Mấy chị em trêu nhau cả đoàn đang ở khách sạn ngàn sao.

Nữ bác sĩ kể chuyện “quả đầu sấm sét” ở bệnh viện dã chiến Bình Dương - Ảnh 3.

Bàn tay của bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Vân nhăn nheo vì đeo găng tay quá lâu. Ảnh: NVCC.

Người Quảng Trị quê tôi nấu ăn khá đậm và cay nên đồ ăn ở miền Nam nấu ngọt, không hợp khẩu vị. Những ngày ấy, tôi chỉ ước có bữa ăn đậm chất quê nhà. Tuy vất vả thiếu thốn nhưng tôi rất vui bên đồng đội.

Việc đi chợ cực kỳ khó khăn. Những tuần về sau chúng tôi mới có phiếu đi chợ. Một tuần 2 phiếu (2 lần đi chợ), chỉ được mua những đồ thiết yếu.

Đêm đêm, chị em chúng tôi lại gọi về gia đình. Ba tôi tính hay lo, bảo mỗi ngày gọi về ít phút để ba yên tâm. Hôm nào tôi cũng video call về, kể trong này sướng lắm, ăn ngon lắm… để ba, mẹ ở đỡ lo.

Có hôm đi trực bận quá, tôi không gọi về được. Vậy là cả đêm đó, ba, mẹ tôi chờ hoài, lo lắng không ngủ được. Tôi thật có lỗi quá!

Chúng tôi bắt đầu nhận bệnh nhân, mới đầu còn lơ ngơ, mọi việc rối tung cả lên. Khổ nhất là đối mặt với cái nóng khi mặc đồ bảo hộ. Mới mặc chưa kịp ra khỏi phòng làm việc là mồ hôi đã túa ra, đến khi lột được bộ đồ, mồ hôi chảy ra thành dòng, rơi lã chã xuống nền nhà, áo quần ướt nhẹp, tóc tai bê bết, mặt mày đầy vết hằn, bàn tay nhăn nheo lại.

Có những lần mệt quá, chúng tôi ngồi bệt xuống đất trong bộ đồ bảo hộ để chờ bệnh nhân lên tầng mình (tầng 5). Có những lúc 13h30 vẫn chưa có cơm, lại có lúc cơm không hợp khẩu vị, bệnh nhân gọi hỏi, chúng tôi phải nhẹ nhàng nói: "Bệnh nhân ăn gì chúng tôi ăn đó, bệnh nhân chưa có cơm ăn thì chúng tôi cũng vậy".

Nữ bác sĩ kể chuyện “quả đầu sấm sét” ở bệnh viện dã chiến Bình Dương - Ảnh 4.

Nhân viên y tế tỉnh Quảng Trị đang điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 3 tỉnh Bình Dương. Ảnh: Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng cung cấp.

Rồi mọi việc dần vào guồng quay. Bản thân tôi, sáng mặc đồ bảo hộ đi khám hết 71 phòng bệnh, khoảng 200 bệnh nhân, đến khi về phòng thay đồ là mồ hôi ngập ngụa hết mắt, không còn nhìn thấy gì. Chiều, tôi làm hành chính cùng đồng nghiệp. Đến tối thì đi trực và ngủ một mình sát bên phòng F0. Dần dà tôi không còn sợ F0 nữa.

Bệnh nhân nhiều người rất dễ thương, còn chụp hình lưu niệm với chúng tôi lúc xuất viện. Có bác còn tặng tôi tiền nhưng tôi không nhận. Tôi bảo: "Cháu đến đây không phải vì tiền". Những lúc mệt mỏi, tôi thường xem lại những tin nhắn ngọt ngào mà bệnh nhân gửi đến. Những lời cảm ơn, động viên đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi.

Nữ bác sĩ kể chuyện “quả đầu sấm sét” ở bệnh viện dã chiến Bình Dương - Ảnh 5.

Bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Vân coi đồng đội của mình là đại gia đình. Ảnh: Bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Vân cung cấp.

Trong 1 tháng, đoàn công tác của chúng tôi rất vui vì đã giúp khoảng 1.200 bệnh nhân được xuất viện. Nhưng cũng có lúc tôi bật khóc khi có ca bệnh không qua khỏi.

Tôi vẫn nhớ như in vào một buổi trưa. Khi những thứ tôi vừa cho vào bụng đang rủ nhau chống lại tôi. Cơn đau quằn quại kéo đến cũng là lúc có ca bệnh trở nặng, khó thở, mệt ngực. Tôi nhờ một đồng nghiệp thay tôi lên khám cho bệnh nhân. Dù đồng nghiệp tôi đã cố gắng hết sức, nhưng vì tình trạng của bệnh nhân diễn biến nhanh nên không qua khỏi. 

Biết được điều đó, tôi bất giác rơi nước mắt. Một cảm giác tội lỗi và bất lực ùa đến. Mọi người thấy tôi khóc, hiểu được tâm trạng nên động viên rất nhiều. Bệnh nhân ấy nếu không qua đời ở bệnh viện thì về nhà cách ly cũng khó qua khỏi vì nhồi máu cơ tim. Tôi nghĩ rằng, đa phần bác sĩ ai cũng từng trải qua cảm giác đó.

Nữ bác sĩ kể chuyện “quả đầu sấm sét” ở bệnh viện dã chiến Bình Dương - Ảnh 6.

Bệnh nhân Covid-19 chụp ảnh cùng nhân viên y tế tỉnh Quảng Trị trước lúc xuất viện tại Bệnh viện dã chiến số 3 tỉnh Bình Dương. Ảnh: Bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Vân cung cấp.

Nhiều cảm xúc nhất vẫn là khoa cấp cứu, nơi bệnh nặng từ các tầng chuyển xuống. Có bệnh nhân tên D, sinh năm 1996, nhà đâu đó dưới Cà Mau, lên Bình Dương làm công nhân, bệnh trở nặng.

Không người nhà bên cạnh, không thể đứng dậy sinh hoạt, không thể tự ăn. Anh Định – điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Triệu Hải (Quảng Trị) đã ngồi bên giường bệnh, trong bộ bảo hộ, kiên nhẫn đút cho D từng muỗng cơm. D vừa ăn vừa khóc. Thế đấy, dù là chàng thanh niên 25 tuổi, dù bình thường có mạnh mẽ đến đâu, ai trong hoàn cảnh ấy cũng không kìm được nước mắt. 

Sự ân cần của anh Định làm rung động tất cả những người chứng kiến, qua camera giám sát, chúng tôi đã quay được đoạn clip đó, không chia sẻ ra ngoài, chỉ để làm kỷ niệm. Bệnh nhân D sau đó được chuyển lên tuyến trên. Tôi mong D bình an.

Quá trình làm việc ở bệnh viện dã chiến số 3 Bình Dương thực sự căng thẳng. Để giải tỏa áp lực, những lúc không có ca bệnh trở nặng, chúng tôi cố tìm một chút thời gian vào ban đêm để tản bộ trong khuôn viên bệnh viện. Đó là khoảng thời gian ngắn ngủi mà chúng tôi thấy thoải mái nhất để tâm sự về cuộc sống của nhau, để trở thành một đại gia đình.

Nữ bác sĩ kể chuyện “quả đầu sấm sét” ở bệnh viện dã chiến Bình Dương - Ảnh 7.

Bức tranh của cháu bé ở tỉnh Bình Dương vẽ tặng đoàn nhân viên y tế tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Vân cung cấp.

Ở tâm dịch, việc cắt tóc cho đấng mày râu là vui nhất. Có hôm các anh rủ nhau cắt tóc, cầm tông đơ lên và "cạo" cho nhau. Mỗi lần cắt tóc, mọi người lại cười ngoặt nghẽo. Tôi thấy vui quá nên xin cầm tông đơ cắt cho vài anh. Tính tôi nghịch ngợm nên làm ngay một đường dích dắc ngay trên thái dương, và bảo đó là quả đầu sấm sét. Anh em ôm bụng cười.

Nữ bác sĩ kể chuyện “quả đầu sấm sét” ở bệnh viện dã chiến Bình Dương - Ảnh 8.

Cử nhân điều dưỡng Cao Văn Quang, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh (trái) cùng nhân viên y tế khác được đồng nghiệp cắt tóc tại bệnh viện dã chiến số 3 tỉnh Bình Dương. Ảnh: Bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Vân cung cấp.

Khi đã trở về quê nhà, ở khu cách ly và gõ những dòng chữ này, tôi thầm cảm ơn chuyến đi vừa rồi. Chuyến đi là một phần của tuổi trẻ, một trải nghiệm đáng quý mà không phải ai cũng có được. Đó là cách mà tôi được góp chút sức mọn, giúp Tổ quốc đương đầu với đại dịch.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem