Nhiều nghiên cứu khoa học công nghệ còn ở lý thuyết, chưa bám sát thực tế

Trần Khánh Thứ năm, ngày 19/10/2023 10:37 AM (GMT+7)
Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM là một trong những đơn vị nghiên cứu được Thành phố đầu tư cả về vật chất lẫn nhân lực, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.
Bình luận 0

TP.HCM dành nhiều ưu tiên cho nghiên cứu khoa học công nghệ

Sau 17 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM đã khẳng định được vị thế và vai trò trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo. Trung tâm phấn đấu trở thành một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học hàng đầu Việt Nam, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

TS. Hà Thị Loan – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, phát triển công nghệ sinh học là hướng đi quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp đô thị. Đến nay, Trung tâm đã thiết lập được cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện, hiện đại và đồng bộ; hình thành được một đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ cao.

Đội ngũ cán bộ khoa học ở Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Đội ngũ cán bộ khoa học ở Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Năng lực nghiên cứu, trình độ khoa học công nghệ của trung tâm ngày một nâng cao. Điều này thể hiện qua số lượng và chất lượng công bố khoa học trong nước và quốc tế, các bằng độc quyền sáng chế, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giải thưởng khoa học kỹ thuật của Trung tâm tăng dần qua từng năm. Nhiều nghiên cứu của Trung tâm đã tạo được các sản phẩm cụ thể được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn bước đầu mang lại hiệu quả tốt.

Trong lĩnh vực cây trồng, Trung tâm đã nghiên cứu và xây dựng hoàn thiện quy trình công nghệ cao trong nhân giống in vitro các giống hoa kiểng, cây dược liệu và một số cây trồng khác.

Các sản phẩm giống cây trồng như hoa lan, dưa lưới F1, cà chua bi F1, khổ qua F1.... sẵn sàng được chuyển giao cho các đơn vị và cá nhân có nhu cầu.

Thông qua nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế và trong nước liên quan đến ứng dụng công nghê sinh học trong chọn tạo giống, Trung tâm có điều kiện giới thiệu các kết quả nghiên cứu cũng như điều kiện cơ sở vật chất sẵn có nhằm thu hút các đối tác cùng phối hợp nghiên cứu.

Qua đó, Trung tâm tạo cơ hội để cán bộ nghiên cứu nhanh chóng tiếp cận với các thành tựu mới, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị thương mại hóa, đáp ứng mục tiêu phát triển giống mới của TP.HCM.

Nghiên cứu khoa học công nghệ chưa có sự gắn kết giữa nhà nghiên cứu và các đơn vị sản xuất

Thời gian qua, TP.HCM luôn ưu tiên ngân sách cấp cho công tác đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ ở Trung tâm. Nhờ đó, các cán bộ trẻ thường xuyên được cử đi đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn ở nước ngoài thuộc chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Quy trình sản xuất sinh khối rễ tơ sâm Ngọc Linh ở Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Quy trình sản xuất sinh khối rễ tơ sâm Ngọc Linh ở Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Tuy nhiên, TS. Hà Thị Loan cũng nhìn nhận, hiện nay, sản phẩm cây trồng thương mại hóa của Trung tâm chưa nhiều, trong đó sản phẩm tạo ra từ ứng dụng công nghệ cao không đáng kể.

Nguyên nhân do hầu hết các nghiên cứu cơ bản đi sâu vào lý thuyết, chưa bám sát thực tế, chưa có sự gắn kết giữa nhà nghiên cứu và các đơn vị sản xuất.

Đặc biệt, Trung tâm đang thiếu chuyên gia đầu ngành và cán bộ nghiên cứu có kinh nghiệm trong lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng sử dụng công nghệ sinh học và sinh học phân tử.

Nhân lực dành cho nghiên cứu trong chọn tạo giống cây trồng hầu hết là cán bộ trẻ mới ra trường. Những cán bộ này chưa nắm bắt được tình hình sản xuất giống cũng như nhu cầu cây giống trên địa bàn Thành phố nên chưa chủ động đề xuất hướng nghiên cứu mang tính đột phá, chủ yếu tập trung lai tạo theo phương pháp truyền thống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem