Những con số biết nói về chuyện nông dân Thủ đô gặt hái thành công từ chuyển đổi số

Minh Châu Thứ ba, ngày 29/11/2022 12:45 PM (GMT+7)
Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, trong đó chú trọng hỗ trợ nông dân tiếp cận, bán nông sản trên sàn thương mại điện tử. Nhờ chuyển đổi số mà thời gian qua đã có nhiều nông dân Hà thành gặt hái được những thành công đáng kể.
Bình luận 0

Những con số biết nói 

Là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số nông nghiệp ở Hà Nội, ông Hoàng Văn Thám - Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cho biết, HTX đã ứng dụng công nghệ 4.0 eGap và eGap.vn, iMetos của Liên hiệp HTX kinh tế số Việt Nam (VDECA) trong một số hoạt động như: Ghi chép nhật ký chăm sóc, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh; hệ thống camera giám sát đồng ruộng; tem truy xuất nguồn gốc QRCode gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu. 

Chuyển đổi số giúp HTX nâng cao tương tác với người tiêu dùng và tiêu thụ ổn định sản phẩm với mức thu nhập hơn 10 tỷ đồng/năm.

Nông dân Thủ đô gặt hái thành công từ chuyển đổi số - Ảnh 1.

Công nhân của Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) thụ tinh nhân tạo cho gà. Ảnh: Thu Hà

"Sở NNPTNT sẽ tiếp tục tham mưu với UBND thành phố có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nền tảng số, hoạt động dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; đồng thời hỗ trợ nông dân làm chủ nông nghiệp số".

Ông Chu Phú Mỹ-Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội

Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. 

Trong khi đó, công nghệ số eGap giúp HTX thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau. Từ thành công này, rau của Chúc Sơn đã vào được các kênh phân phối uy tín với giá bán rau ổn định.

Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) Hoàng Mạnh Ngọc nhận định, công ty đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất trứng gia cầm và con giống. Việc này mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trung bình mỗi năm, công ty xuất bán 45 vạn con gà giống, doanh thu 4,5 tỷ đồng.

Hay như hồi tháng 6 năm nay, 50 hộ nông dân, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Đông Anh đã bắt tay đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Nông dân được hướng dẫn từ cách tạo tài khoản, tạo kho hàng, đăng sản phẩm lên để bán, cách mô tả sản phẩm đến kinh nghiệm chốt đơn, xác định đơn hàng, chăm sóc khách hàng đối với các đơn hoàn thành. 

Bên cạnh đó là các thông tin hỗ trợ hướng dẫn cách thức chăn nuôi, trồng trọt, tiếp cận với nguồn thông tin về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu… để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và bán được ra thị trường.

Thực tế từ trước đó, nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP.Hà Nội đã chủ động ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và thành lập các nhóm, tổ tiêu thụ sản phẩm qua trang điện tử. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp 2 năm qua, hàng nghìn tấn nông sản đã được nông dân các huyện kết nối tiêu thụ thông qua hình thức này. 

Tuy nhiên, số hộ nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, chưa tạo được nguồn giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm nông nghiệp.

Liên kết với doanh nghiệp

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, và triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân tham gia tiến trình này.

Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội – ông Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã phối hợp Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch hàng năm; đồng thời yêu cầu các đơn vị trong ngành nông nghiệp chủ động phối hợp đồng bộ chương trình kinh tế số, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp chuyển đổi số và doanh nghiệp phân phối tiêu thụ sản phẩm.

Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị tư vấn, cơ quan chức năng xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp; đồng thời liên kết với doanh nghiệp chuyển đổi số, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao trên cơ sở minh bạch thông tin mã số vùng trồng, nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ.

Cũng theo ông Mỹ, nền nông nghiệp hiện đại đòi hỏi tính chuyên nghiệp, tư duy hợp tác, năng lực tiếp cận khoa học công nghệ nhưng đây lại là hạn chế của những người nông dân vốn vẫn gắn bó với phương thức sản xuất truyền thống. 

Do vậy, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, người nông dân cần thay đổi tư duy, chủ động vào cuộc thì mới làm chủ được công nghệ số, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem