Ninh Thuận: Chuyển mình bứt phá từ tỉnh nghèo trở thành trung tâm năng lượng tái tạo

Bùi Phụ - Đức Cường Thứ bảy, ngày 02/04/2022 06:33 AM (GMT+7)
Ngày 2/4, thông tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Lễ Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh (01/4/1992 - 01/4/2022), gắn với 47 năm Ngày giải phóng tỉnh Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/4/2022) và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) sẽ diễn ra vào sáng 16/4 sắp tới.
Bình luận 0

30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận

Nhân dịp này, toàn tỉnh Ninh Thuận sẽ ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang và đánh giá những thành tựu kinh tế - xã hội mà tỉnh Ninh Thuận đã đạt được qua 30 năm tái lập tỉnh. 

Ninh Thuận: Tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh 1/4/1992 - 1/4/2022 - Ảnh 1.

Tuyến đường trung tâm tại tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Đức Cường)

Dịp này, tỉnh Ninh Thuận nhằm cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng quyết tâm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, khôi phục và duy trì phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân; tạo khí thế thi đua sôi nổi thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 và kế hoạch 5 năm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra và Chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2022...

Có thể nói, sau 30 năm tái lập, tỉnh Ninh Thuận đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đã có bước thay đổi tích cực, nhiều tiềm năng, thế mạnh được khơi dậy và khai thác hiệu quả, thật sự vươn lên từ trong khó khăn, thử thách, kinh tế - xã hội (KT-XH) có sự thay đổi mạnh mẽ, ngày càng khẳng định và nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước.

Từ một tỉnh có xuất phát điểm nền kinh tế - xã hội còn thấp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn, là tỉnh thuần nông với phần lớn diện tích là trung du và miền núi, khí hậu thời tiết khô hạn, hồ đập kênh mương thủy lợi chưa được đầu tư; các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ bé và lạc hậu, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, đời sống Nhân dân vô cùng khó khăn…


Ninh Thuận: Tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh 1/4/1992 - 1/4/2022 - Ảnh 3.

Quần thể Quảng trường - Tượng Đài - Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Trần Duy)

Kinh tế tăng trưởng vượt bậc

Với sự quyết tâm, năng động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; Đảng bộ, chính quyền, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận cùng cộng đồng các doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức…

Từ một tỉnh nghèo nhất cả nước, sau 30 năm tái lập tỉnh, kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ, phát triển vượt bậc, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP theo giá hiện hành) năm 2021 tăng gấp 69,6 lần năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,14%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước sau 30 năm đổi mới 7%, vùng miền Trung 8,05%.

Đến cuối năm 2021, GRDP bình quân đầu người đạt 68,4 triệu đồng/người gấp 49,9 lần so với năm 1992 (1,37 triệu đồng/người) rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn duy trì ở mức tăng cao, tăng từ 33,3 tỷ đồng năm 1992 lên 4.343 tỷ đồng vào năm 2021, tăng trên 130 lần, bình quân tăng 19%. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 67,8 tỷ đồng năm 1992 lên 29.920 tỷ đồng năm 2021, tăng 441 lần, bình quân tăng 24,3%.

Clip: Diện mạo mới phường Đông Hải, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận sau 30 năm tái lập tỉnh. (T/h: Đức Cường)

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có bước phát triển khá trên các mặt, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 1992-2021 đạt 6,9%, chiếm 30,02% GRDP của tỉnh vào năm 2021, luôn là bệ đỡ của nền kinh tế khi gặp khó khăn, nhất là trong 2 năm 2020, 2021 đã tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của người dân vùng nông thôn trong đại dịch Covid-19. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, có bước cải thiện rõ nét, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Sản xuất chăn nuôi chuyển mạnh từ phương thức chăn thả sang mô hình chăn nuôi tập trung trang trại, quy mô tăng khá.

Ninh Thuận: Tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh 1/4/1992 - 1/4/2022 - Ảnh 4.

Biển Bình Sơn - Ninh Chử tại TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Trần Duy)

Từ Đại hội XII đến nay, tư duy mới về phát triển công nghiệp được nâng lên, tỉnh Ninh Thuận tập trung xây dựng tỉnh trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Tính đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 49 dự án năng lượng với tổng công suất 3.055,6 MW hòa lưới điện quốc gia mang lại đóng góp lớn cho ngành Công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất ngành Công nghiệp năm 2021 đạt 10.821 tỷ đồng, gấp 43,8 lần so với thời điểm năm 1992, tốc độ tăng bình quân hằng năm là 13,9%/năm.

Ninh Thuận: Chuyển mình bức phát từ tỉnh nghèo trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước - Ảnh 6.

Lĩnh vực năng lượng tái tạo phát triển và có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử)

TP. Phan Rang - Tháp Chàm tuổi 15

TP Phan Rang - Tháp Chàm hiện nay là đô thị loại II khang trang, sạch, đẹp theo hướng đô thị văn minh, hiện đại; là trung tâm chính trị, văn hóa, đầu tàu kinh tế của tỉnh Ninh Thuận.Ngày 31/3, Thành ủy- HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập thành phố (1/4/2007 - 1/4/2022).Theo bà Châu Thị Thanh Hà - Bí thư Thành ủy TP.Phan Rang - Tháp Chàm, qua 15 năm thành lập và phát triển, tổng giá trị sản xuất của thành phố năm 2021 đạt trên 16.928 tỷ đồng, tăng 4,44 lần so năm 2007, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,24%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng: thương mại - dịch vụ, chiếm trên 61,3%, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 31,2%, nông nghiệp - thủy sản chiếm 7,5%.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố bình quân hằng năm tăng 15,2%, đến năm 2021 đạt 2.856 tỷ đồng; khoảng cách thu nhập bình quân đầu người so với khu vực và cả nước được rút ngắn, đạt 84,8 triệu/người vào năm 2021...

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Phan Rang - Tháp Chàm đã đạt được trong 15 năm qua, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh.

Ông Trần Quốc Nam lưu ý, TP.Phan Rang - Tháp Chàm cần tập trung vào khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đặc thù riêng, nhất là lợi thế đô thị ven biển, vai trò đầu mối giao thông liên vùng, trung tâm giao lưu kinh tế kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm, tạo cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó là huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng đô thị loại I vào năm 2025 và những năm tiếp theo…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem