Ninh Thuận có thêm hai hiện vật vừa được công nhận là bảo vật Quốc gia

Đức Cường Thứ năm, ngày 18/01/2024 19:13 PM (GMT+7)
Chiều 18/1, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định (đợt thứ 12) công nhận 29 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật Quốc gia. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận có thêm 2 bảo vật là bia Phước Thiện và tượng thờ Vua Pô Klong Garai.
Bình luận 0

Bảo vật Quốc gia ở Ninh Thuận

Cụ thể, Bia Phước Thiện được phát hiện vào năm 1992 tại một cánh đồng thuộc thôn Phước Thiện, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km về phía Tây.

Ninh Thuận có thêm hai hiện vật vừa được công nhận là bảo vật Quốc gia  - Ảnh 1.

Bảo vật Quốc gia bia Phước Thiện hiện được trưng bày ở bảo tàng tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Qua nghiên cứu đây là một hiện vật quý có niên đại từ cuối thế kỷ thứ VIII, giúp các nhà nghiên cứu lịch sử Champa gợi mở về lịch sử Panduranga nói chung và nơi phát hiện Bia Phước Thiện nói riêng.

Văn bia Phước Thiện có những đoạn viết quan trọng liên quan đến đời sống xã hội, tôn giáo và việc xây dựng đền tháp ở Panduranga trong những thế kỷ VIII – IX. Văn khắc Chăm thời kỳ đầu, ngôn ngữ biểu đạt luôn luôn là tiếng Phạn (Sancrit), khởi nguồn từ Ấn Độ.

Bia Phước Thiện được làm bằng đá sa thạch cao cao là 93,2cm, thân bia để khắc chữ có chiều cao là 78,8cm. 

Gần với thân bia là phần khớp mộng dạng khối hộp chữ nhật thót đáy để cắm vào để bia là 14,4cm (bị tróc đôi chút), bề dày bia là 12,1cm. Bia Phước Thiện có dạng mũi lá đề, điểm lượn tròn rộng nhất của hình lá đề là 44,5cm và hơi thon xuống dưới.

Ninh Thuận có thêm hai hiện vật vừa được công nhận là bảo vật Quốc gia  - Ảnh 2.

Cận cảnh những chữ viết trên bia Phước Thiện. Ảnh: Đức Cường

Trên 2 mặt của bia Phước Thiện có khắc chữ dang Sanscrit (các mặt của tấm bia đặt tên với ký hiệu như sau: Mặt chính (mặt trước) của bia được gọi là Mặt A, mặt sau lưng là Mặt B).

Nội dung văn bản ghi trên bia được các nhà nghiên cứu về khảo cổ học và ngôn ngữ học xác định đã được khắc vào thời kỳ của Satyavarman, niên đại 705 thuộc kỷ nguyên Saka (năm 783 sau Công nguyên), khoảng cuối thế kỷ VIII. Về hình dạng ký tự là kiểu chữ cổ cùng một người khác. Chữ viết được khắc rất tinh xảo và bao gồm các họa tiết trang trí xuyên suốt, chữ viết trang trí công phu này là duy nhất trong kho văn bản Champa.

Bảo vật thứ 3 được công nhân đợt này là tượng thờ Vua Pô Klong Garai, hiện thờ tại Tháp Pô Klong Garai, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận). Tượng thờ Vua Pô Klong Garai có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII.

Ninh Thuận có thêm hai hiện vật vừa được công nhận là bảo vật Quốc gia  - Ảnh 3.

Cụm tháp Chăm Po Klong Garai nơi thờ tượng thờ Vua Pô Klong Garai ở phường Đô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Đức Cường

Tháp Pô Klong Garai, tiếng Châm gọi là "Bimong Po Klong Garai" nằm trên đồi Trầu "Mbuen Hala" thuộc địa phận phường Đô Vinh, cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 6 km về phía Tây.

Tháp Po Klong Garai để thờ vua Po Klong Garai, đây là vị vua đa tài trị vì vương quốc Champa từ 1151-1205.

Tính đến nay, tỉnh Ninh Thuận có 4 hiện vật được công nhận là bảo vật Quốc gia gồm: Bia Phước Thiện, tượng thờ Vua Pô Klong Garai, bia Hòa Lai và phù điêu Pô Rôme.

Ninh Thuận có thêm hai hiện vật vừa được công nhận là bảo vật Quốc gia  - Ảnh 4.

Phù điêu Pô Rôme ở trong tháp Chăm Pô Rôme ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Ngoài ra, trong đợt này, ở tỉnh Bình Thuận cũng có 1 hiện vật liên quan đến văn hóa Chăm được công nhận là bảo vật Quốc gia đó là Linga vàng Po Dam, niên đại thế kỷ VIII - IX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.

Ninh Thuận có thêm hai hiện vật vừa được công nhận là bảo vật Quốc gia  - Ảnh 5.

Cụm tháp Chăm Po Dam ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Đức Cường

Công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023) cho các hiện vật, nhóm hiện vật sau:

1. Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai, niên đại: 4.000 - 3.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.

2. Thạp đồng Kính Hoa II, niên đại: Khoảng Thế kỷ III - II trước công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội.

3. Sưu tập đàn đá Khánh Sơn, niên đại: Khoảng 2.500 - 3.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hoà.

4. Bình đồng Đông Sơn (An Biên), niên đại: Văn hóa Đông Sơn, Thế kỷ II - I trước sau Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

5. Trống đồng Sao Vàng, niên đại: Văn hóa Đông Sơn (khoảng 2.000 năm cách ngày nay); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

6. Sưu tập vàng lá Châu Thành, Trà Vinh, niên đại: Văn hóa Óc Eo giai đoạn muộn: Thế kỷ VII - IX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh.

7. Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1, niên đại: Thế kỷ VII - VIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

8. Tượng Shiva Mỹ Sơn C1, niên đại: Thế kỷ VIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

9. Linga vàng Po Dam, niên đại: Thế kỷ VIII - IX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.

10. Bia Phước Thiện, niên đại: Cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.

11. Phù điêu Nữ thần Uma, niên đại: Khoảng thế kỷ IX - X; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu.

12. Phù điêu Apsara Trà Kiệu, niên đại: Thế kỷ X; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

13. Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh, niên đại: Thế kỷ X; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình.

14. Lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long, niên đại: Thế kỷ XI; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

15. Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại: Cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.

16. Bình gốm hoa nâu, niên đại: Thế kỷ XI - XII; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

17. Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần, niên đại: Thế kỷ XIII - XIV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương.

18. Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long, niên đại: Thời Trần, thế kỷ XIV; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

19. Bia "Đại bi Diên Minh tự bi", niên đại: Thời Trần, năm Đinh Mão, niên hiệu Khai Thái thứ 4 (1327); hiện lưu giữ tại Ủy ban nhân dân xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

20. Mô hình đất nung kiến trúc thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long, niên đại: Thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

21. Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long, niên đại: Tháng 4, năm Quang Thuận thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông (1466); hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

22. Lư hương gốm men lam xám, niên đại: Khoảng niên hiệu Hưng Trị (1588 - 1591), đời vua Mạc Mậu Hợp; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

23. Tượng thờ Vua Pô Klong Garai, niên đại: Thế kỷ XVI - XVII; hiện thờ tại Tháp Pô Klong Garai, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

24. Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn, niên đại: Thời Lê trung hưng; hiện thờ tại chùa Côn Sơn, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

25. Mộc bản chùa Trăm Gian, Niên đại: Thế kỷ XVII - XX; hiện lưu giữ tại chùa Trăm Gian, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

26. Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa), Thời Lê trung hưng, niên đại: Năm Nhâm Tý, niên hiệu Long Đức nguyên niên (1732); hiện lưu giữ tại Khu di tích Cổ Loa, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

27. Mộc bản chùa Dâu, niên đại: Từ năm 1752 - 1859; hiện lưu giữ tại chùa Dâu, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

28. Bảo kiếm an dân, niên đại: Niên hiệu Khải Định (1916-1925); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

29. Khuôn in tín phiếu mệnh giá một đồng và khuôn in tín phiếu mệnh giá năm mươi đồng, niên đại: Từ năm 1947; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem