Níu bước thời gian khi xem tranh của Bửu Chỉ

M.T Chủ nhật, ngày 11/12/2022 15:13 PM (GMT+7)
Tưởng nhớ 20 năm ngày mất của họa sĩ Bửu Chỉ (14/12/2002 -14/12/2022), REI Artspace tổ chức triển lãm "Tay níu thời gian", qua đó giới thiệu khá trọn vẹn chân dung của ông qua 30 bức tranh quý.
Bình luận 0

Triển lãm tranh Bửu Chỉ "Tay níu thời gian" khai mạc vào lúc 18h30 ngày 11/12/2022 và kéo dài đến hết ngày 4/1/2023 tại REI Artspace (371/4 Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM).

Níu bước thời gian khi xem tranh của Bửu Chỉ - Ảnh 1.

"Trà đạo" của Bửu Chỉ. Ảnh: L.Đ

Hơn 30 tác phẩm của Bửu Chỉ được sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu trên giấy, canvas, vải bố, bột giấy trên vóc… được trưng bày. Đây không chỉ thuộc bộ sưu tập riêng của họa sĩ mà còn là tranh mượn từ các nhà sưu tập khác, như gia đình nhà sưu tập mỹ thuật Nguyễn Chí Sơn (1957 - 2020). 

Đáng chú ý là có nhiều tác phẩm lần đầu bước ra từ các bộ sưu tập này, hoặc chưa được Bửu Chỉ đặt tên, nên REI Artspace chủ động đặt tên để tạm nhận diện.

Níu bước thời gian khi xem tranh của Bửu Chỉ - Ảnh 2.

"Dưới trăng"

Ngoài các tác phẩm và câu chuyện hội họa của Bửu Chỉ, triển lãm cũng giới thiệu đến công chúng cuốn sách nghệ thuật cùng tên Tay níu thời gian, phiên bản giới hạn, gồm tiểu sử của Bửu Chỉ, các tác phẩm và các bài viết về ông. Cuốn sách một phần nào đó giúp cho độc giả - đặc biệt giới trẻ - bước sâu hơn vào cuộc đời, các mối quan hệ cũng như là phong cách, nguồn cảm hứng sáng tác của ông.

Níu bước thời gian khi xem tranh của Bửu Chỉ - Ảnh 3.

"Xương rồng xanh"

Nhà phê bình Đặng Tiến cho rằng: "Ý tưởng trong tranh Bửu Chỉ, không phải là cứu cánh. Nó chỉ là khởi điểm, là phương tiện để họa sĩ thực hành một bức tranh. Nó ngang hàng với cái cọ, ống màu, khung vải. Do đó, không thể nói tác phẩm Bửu Chỉ là tranh minh họa, hay là "tranh đố". 

Cũng không nên đồng hóa tranh Bửu Chỉ với trường phái biểu tượng hay tượng trưng (symbolisme) thịnh hành ở Tây Âu cuối thế kỷ 19. Từng bức tranh, hay từng giai đoạn sáng tác của Bửu Chỉ, có thể nhắc đến môn phái nọ, chưởng phái kia. Nhưng trong toàn bộ, tranh Bửu Chỉ đăm đăm một kỷ cương duy nhất, là trường phái Bửu Chỉ".

Níu bước thời gian khi xem tranh của Bửu Chỉ - Ảnh 4.

"Thiếu nữ và trăng"

Nhà sưu tập Đỗ Viết Tuấn (một đại diện của REI Artspace) cho biết: "Chúng tôi là những hậu bối, bước vào làng mỹ thuật khi Bửu Chỉ đã rời xa nhân thế từ lâu, nên triển lãm Tay níu thời gian được thực hiện với lòng ngưỡng vọng một tài năng, một cá tính riêng. 

Những vụng về, thiếu sót trong việc thực hiện chắc chắn sẽ có, nhưng hãy vì tình yêu mến dành cho Bửu Chỉ mà chỉ bảo, lượng thứ cho chúng tôi. Điều tuyệt vời nhất của Tay níu thời gian là toàn bộ tác phẩm đã có một hành trình minh bạch, từng thuộc sở hữu của những bộ sưu tập uy tín, nên sẽ là dịp để công chúng chiêm ngưỡng".   

Níu bước thời gian khi xem tranh của Bửu Chỉ - Ảnh 5.

"Nhật nguyệt"

Với một người tự học, chưa từng qua trường lớp mỹ thuật nào như Bửu Chỉ thì ông "học vẽ cả đời". Người đi trước có thể được ông coi là thầy, nhưng mấu chốt "chính tôi mới là chủ thể chính yếu, và quan trọng trong sáng tạo của tôi. Và cũng từ suy nghĩ như vậy, tôi có thể nói rằng tôi có riêng xu hướng nghệ thuật của mình", họa sĩ từng chia sẻ trên báo chí.

Níu bước thời gian khi xem tranh của Bửu Chỉ - Ảnh 6.

"Nghĩ về thời gian"

Níu bước thời gian khi xem tranh của Bửu Chỉ - Ảnh 7.

"Ký ức"

Níu bước thời gian khi xem tranh của Bửu Chỉ - Ảnh 8.

Bửu Chỉ cùng bức "Tôi nằm mơ thấy mình là chim"

Níu bước thời gian khi xem tranh của Bửu Chỉ - Ảnh 9.

Chân dung Bửu Chỉ

Cuối thập niên 1960 đầu 1970, khi đang là sinh viên trường luật ở Huế, Bửu Chỉ đã rất say mê hội họa và nhiệt tình trong các phong trào sinh viên tranh đấu ở Huế và Sài Gòn. Dùng tranh, đặc biệt là biếm họa, để tuyên truyền, đấu tranh. Với họa sĩ Đinh Cường (1939 - 2016), cuộc đời hội họa của Bửu Chỉ có 3 giai đoạn rõ ràng: Giai đoạn "đen" 1970-1974 khi Bửu Chỉ sáng tác những bản vẽ bằng bút sắt mực nho, mạnh mẽ, đau nhói. Chất liệu này thích hợp cho phong trào đấu tranh mà anh là chứng nhân, là người chiến đấu.

Níu bước thời gian khi xem tranh của Bửu Chỉ - Ảnh 10.

Bửu Chỉ cùng Hoàng Đăng Nhuận và Trịnh Công Sơn

Níu bước thời gian khi xem tranh của Bửu Chỉ - Ảnh 11.

Bức ảnh cuối cùng của Bửu Chỉ cùng bạn bè

Giai đoạn "trầm tĩnh" từ năm 1975. Bửu Chỉ với tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sĩ và một trái tim nhiều ưu tư của người trí thức, vẫn đương đầu, vẫn dấn thân trước một khung cảnh mới. Và rồi ta bắt gặp ở tác phẩm sự trầm tĩnh - thái độ cần thiết để nhìn lại và nhìn suốt vấn đề con người bằng tất cả lương tâm của một con người, một công dân… Vì vậy dễ dàng bắt gặp ở anh cái thế giới bàng bạc những nỗi niềm, những tình cảm và suy nghĩ khát khao đươc bày tỏ. Chính từ đó, Bửu Chỉ đã hình thành một quan niệm riêng về nghệ thuật.

Đinh Cường nhận xét: "Ám ảnh về thời gian thấy rõ trên những con số La Mã và hai chiếc kim đồng hồ, con người hay hóa thân của người nghệ sĩ treo lơ lửng trên sợi giây đen trong rất nhiều tranh sơn dầu của anh. Bửu Chỉ không chọn trước cho mình một trường phái nào. 

Chính khát vọng muốn bộc bạch mọi điều với cuộc đời quyết định cho anh một ngôn ngữ tạo hình mang đầy cá tính và bản sắc Huế - đó cũng là phong cách của anh - và tất nhiên, anh cũng đã tìm cách vươn tới một ngôn ngữ hội họa có tính quốc tế. Tên tuổi anh đã được ghi nhận trong rất nhiều sách ,báo của những nhà phê bình nghệ thuật uy tín".

Giai đoạn sau cùng có thể nói là giai đoạn "tâm linh", suy nghiệm nhiều về triết lý của đạo Phật. Bửu Chỉ từng phát biểu: "Sáng tạo nghệ thuật là nỗ lực tạo lập thế cân bằng tâm linh cho con người khi cuộc sống vốn ngắn ngủi và chông chênh".

Níu bước thời gian khi xem tranh của Bửu Chỉ - Ảnh 13.

"Khỏa thân xanh"

Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) từng phân tích người bạn thân của mình: "Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng. Anh không chỉ nổi loạn với chính bản thân mình, mà còn muốn phá phách những trật tự xung quanh".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem