Nội dung SGK lớp 9 có trong lớp 7 chương trình mới, học sinh lo sợ "quá nặng"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 17/07/2022 10:08 AM (GMT+7)
Một số tác phẩm từ sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9, thậm chí nội dung trong lớp 12 sẽ được dạy trong chương trình mới ở lớp 7 khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng học vất vả và quá nặng.
Bình luận 0

Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 mới có nội dung của lớp 9

Theo lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt đầu từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 3, 7 và 10 sẽ học chương trình mới với các bộ sách khác nhau. Tuy nhiên, mới đây, sau khi phụ huynh và học sinh sinh năm 2010 xem sách giáo khoa Ngữ văn 7 sẽ được dạy trong năm học tới đây đã bày tỏ lo lắng, hoang mang.

Cụ thể tác phẩm "Mùa xuân nho nhỏ" nằm trong chương trình sách giáo khoa cũ lớp 9, cũng là tác phẩm nhiều lần được nhắc đến trong các kỳ thi vào lớp 10 lại có mặt trong bài đọc văn bản chương trình mới - sách giáo khoa lớp 7.

Nội dung SGK lớp 9 có trong lớp 7 chương trình mới, học sinh hoang mang sợ "quá nặng" - Ảnh 1.

Nội dung SGK lớp 9 có trong lớp 7 chương trình mới, học sinh hoang mang sợ "quá nặng" - Ảnh 2.

Những tác phẩm trong sách giáo khoa lớp 9 đã chuyển xuống lớp 7 chương trình mới. Ảnh: NVCC

Không chỉ có tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ, bài đọc văn bản "Nói với con" của tác giả Y Phương cũng có mặt trong sách giáo khoa mới lớp 7. Một phụ huynh bày tỏ: "Những tác phẩm ở năm lớp 9 đưa xuống lớp 7 liệu có phù hợp với lứa tuổi không? Các em đã đủ trải nghiệm để cảm nhận hết về tác phẩm không? Tôi sợ năm tới con học bị quá sức". Nhiều phụ huynh khác cũng chia sẻ băn khoăn vì chương trình mới liệu có nặng quá khiến học sinh thêm vất vả.

Bên cạnh đó, cũng có một số phụ huynh khen sách giáo khoa trình bày sinh động, đẹp mắt, nhìn như sách tiểu học, dễ khiến học sinh yêu thích, thu hút với môn học hơn.

Sách giáo khoa mới Ngữ văn lớp 7 liệu có quá nặng?

Chia sẻ về nội dung sách giáo khoa mới đang nhận được sự quan tâm của phụ huynh và học sinh, cô Diệp Thảo, Thạc sĩ Phương pháp giảng dạy Ngữ Văn, giáo viên dạy Văn THCS, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tớ yêu Văn ở Hà Nội bày tỏ: "Trong sách Ngữ văn của chương trình giáo dục phổ thông mới có rất nhiều bài từ chương trình cũ từ lớp 6-7 chuyển thành lớp 6.

Ví dụ như "Mây và sóng" của Ta-go lớp 9 chuyển lớp 6 bộ Kết nối tri thức với Cuộc sống và ở bộ Cánh diều lớp 7; đoạn trích "Trong lòng mẹ" của Nguyên Hồng lớp 8 chuyển xuống lớp 7 bộ Cánh diều... hay ngay từ lớp 6 các em đã tìm hiểu về bản "Tuyên ngôn Độc lập" trước đây các em học lớp 12 qua văn bản thông tin: "Hồ Chí Minh và tuyên Ngôn độc lập"....

Đặc biệt trên mạng xã hội gần đây lưu truyền bức ảnh về 2 tác phẩm "Mùa xuân nhỏ nhỏ" của Thanh Hải và "Nói với con" của Y Phương ở sách giáo khoa 7 chương trình mới từ lớp 9 đẩy xuống. Rất nhiều thay đổi khiến học sinh và phụ huynh hoang mang, lo lắng học khó, vất vả, làm sao hiểu sâu sắc tác phẩm...

Thực tế với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với việc học và dạy bộ môn Ngữ văn có nhiều thay đổi, chương trình xây dựng theo hướng mở. Có những thay đổi quan trọng mà phụ huynh và các em cần lưu ý. Chương trình được xây dựng theo hướng mở (đây là điểm đổi mới nhất trong việc xây dựng chương trình môn Ngữ văn). Tính chất mở của chương trình được thể hiện ở những điểm quan trọng sau:

Một là không quy định chi tiết về nội dung dạy học, nhất là các văn bản – tác phẩm cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp. Vậy là thay vì học thuộc phân tích, học hàn lâm, học thuộc để đi thi như trước đây thì giờ các em chỉ học các kĩ năng và một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về tiếng Việt, văn học và một số văn bản – tác phẩm có vị trí, ý nghĩa quan trọng của văn học dân tộc.

Hai là những văn bản – tác phẩm khác được chương trình nêu lên trong phần cuối văn bản chỉ là sự gợi ý về ngữ liệu, minh họa về thể loại, kiểu loại văn bản. Các văn bản này giúp cung cấp cho học sinh hiểu về thể loại.

Ba là cho phép các tác giả sách giáo khoa căn cứ vào các yêu cầu bắt buộc của chương trình, chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung dạy học cụ thể theo yêu cầu phát triển chương trình.

Bốn là cho phép giáo viên được lựa chọn sách giáo khoa, sử dụng một hay kết hợp nhiều sách, nhiều nguồn tư liệu khác nhau để dạy học trên cơ sở bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Vì thế mới có việc năm nay học sách Cánh diều, sang năm các cô lại dạy Kết nối tri thức với cuộc sống hoặc Chân trời sáng tạo. Việc chọn bộ sách khác nhau không hề ảnh hưởng tới kết quả học của học sinh.

Năm là yêu cầu việc đánh giá kết quả học tập cuối năm, cuối cấp không dựa vào các ngữ liệu đã học trong một cuốn sách giáo khoa Ngữ văn cụ thể mà lấy yêu cầu cần đạt nêu trong văn bản chương trình môn học làm căn cứ để biên soạn đề kiểm tra, đánh giá".

Với nội dung chương trình mới, cô Diệp Thảo khẳng định: "Chúng ta chắc chắn sẽ tạm biệt học tủ, học vẹt, tạm biệt các lò luyện thi Ngữ văn theo hình thức đọc chép. Với 5 thay đổi trên, các em cần nắm thật chắc cách thức tạo lập văn bản và các kiến thức thể loại. Và với 5 điểm mới này, chúng ta cần xây dựng cho mình một lộ trình học ngay từ lớp 6, lớp 7, bố mẹ cần đồng hành cùng con. Tránh hiện tượng lớp 9 mới tá hỏa tìm lớp ôn thi như hiện tại".

Lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện như sau:

Từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1;

Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6;

Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10;

Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11;

Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem