Nỗi lòng của trường tư thục: Nhiều khi giáo viên đông hơn trẻ

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 07/10/2023 09:07 AM (GMT+7)
Đền bù, giải tỏa mặt bằng, chính sách đóng bảo hiểm xã hội, hoàn thành nghĩa vụ thuế, học sinh ít, giáo viên nghỉ việc... là những khó khăn mà các doanh nghiệp đầu tư giáo dục và các chủ trường tư thục đang đối mặt.
Bình luận 0

Tại Hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực GDĐT với lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM tổ chức chiều 6/9, nhiều chủ trường tư thục đã đưa ra những ý kiến về sự khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giáo dục.

Buổi đối thoại do ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì. Ngoài ra, có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan, ban ngành có liên quan của thành phố và lãnh đạo UBND, Phòng GDĐT của 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức cùng 108 doanh nghiệp đại diện cho hơn 1.000 đơn vị ngoài công lập, như trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống, trường tư thục các cấp học, tư vấn du học và các tổ chức dịch vụ khác có mặt trên địa bàn thành phố.

Nhiều khi giáo viên đông hơn trẻ mầm non

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Bá Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Giáo dục Việt Mỹ (đơn vị có kinh nghiệm 10 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, hiện có hơn 3.000 học sinh) chia sẻ, khó khăn lớn nhất mà tập đoàn này đang gặp phải là vấn đề quỹ đất.

Nỗi lòng của trường tư thục: Nhiều khi giáo viên đông hơn trẻ mầm non - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo với Sở GDĐT TP.HCM. Ảnh: SCC

Theo ông Linh, chi phí đầu tư giải phóng mặt bằng là rất cao, điều này đã gây ra trở ngại lớn khi tập đoàn có nhu cầu mở rộng cơ sở hoạt động. Ông Linh đề nghị, lãnh đạo các cấp có một cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp để vay vốn, giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, bà Đào Thị Tin, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Ân Phúc (chủ sở hữu 4 trường mầm non tư thục tại quận Gò Vấp, TP.Thủ Đức) chia sẻ, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hệ thống trường mầm non ngoài công lập gặp phải không ít khó khăn, trở ngại. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc học sinh sụt giảm mạnh. 

Bà Tin ví von: "Nhiều khi số lượng giáo viên trong trường còn đông hơn cả trẻ đi học".

Cũng theo bà Tin, đây là khó khăn chung của nhiều trường ngoài công lập. Rất nhiều trường đang phải cầm cự hoạt động, cố gắng đảm bảo thu nhập, chi trả tiền bảo hiểm xã hội cho giáo viên. Tuy nhiên, việc co kéo đang trở nên hết sức khó khăn.

Nỗi lòng của trường tư thục: Nhiều khi giáo viên đông hơn trẻ mầm non - Ảnh 3.

Nhiều khó khăn, vướng mắc được các chủ trường tư thục trao đổi với Sở GDĐT TP.HCM. Ảnh: SCC

Tương tự, ông Ngô Ngọc Luyến, Chủ đầu tư và cũng là điều hành của Trường mầm non Nam Mỹ (huyện Bình Chánh) lại chia sẻ về khó khăn khi giáo viên không trụ nổi phải xin nghỉ việc. Ông Luyến cho rằng, khi học sinh giảm sút, trường học khó khăn về tài chính dẫn đến khó đảm bảo thu nhập, đảm bảo đời sống cho giáo viên. Mặc dù nhiều cơ sở, trường mầm non tư thục đã phải sử dụng linh hoạt nhiều biện pháp để có thể duy trì được hoạt động nhưng rất khó để giữ chân người lao động.

Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư và cũng là chủ trường, chủ các trung tâm cũng cho biết họ đang gặp khó khăn liên quan đến hồ sơ đăng ký biến động sử dụng đất, cấp phép lao động đối với giáo viên người nước ngoài, kinh doanh trong lĩnh vực dạy thêm học thêm, hỗ trợ nâng chuẩn trình độ cho giáo viên ngoài công lập.

Nỗi lòng của trường tư thục: Nhiều khi giáo viên đông hơn trẻ mầm non - Ảnh 3.

Vì đại dịch Covid-19, nhiều trường mầm non tư thục rơi vào cảnh khó khăn dẫn đến ngừng hoạt động. Ảnh: MXH

Đồng thời, chính sách đóng bảo hiểm xã hội, hoàn thành nghĩa vụ thuế cũng là trở ngại lớn của hệ thống ngoài công lập. Nhà đầu tư mong rằng, thành phố sẽ có thêm nhiều chính sách ưu đãi về thuế, để chia sẻ những khó khăn với các trường.

Không cứng nhắc trong xử lý các hồ sơ, thủ tục

Lắng nghe những ý kiến chia sẻ về khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư giáo dục cũng như các chủ trường, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM đề nghị các nhà đầu tư phải thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đang hoạt động.

Nỗi lòng của trường tư thục: Nhiều khi giáo viên đông hơn trẻ mầm non - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: SCC

Đồng thời, ông cũng đề nghị Phòng Quản lý cơ sở Giáo dục ngoài công lập trực thuộc Sở phải tổ chức định kỳ việc họp giao ban với các đơn vị ngoài công lập; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương mới từ các Bộ, ngành để hỗ trợ các đơn vị trong công tác quản lý, vận hành các cơ sở giáo dục.

Trong khi đó, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở GDĐT thành phố mở thêm các kênh tiếp nhận thông tin, phản hồi cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và công khai lên Cổng thông tin điện tử của Sở.

Ông Đức cũng đề nghị, các Sở, ban ngành có liên quan có mặt tại hội nghị đối thoại cần lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, trên tinh thần cầu thị, có sự chia sẻ và hướng giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục ngoài công lập, đáp ứng với yêu cầu học tập ngày càng đa dạng của người dân thành phố.

Nỗi lòng của trường tư thục: Nhiều khi giáo viên đông hơn trẻ mầm non - Ảnh 6.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM mở thêm các kênh tiếp nhận thông tin, phản hồi cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. Ảnh: SCC

"Lãnh đạo thành phố sẽ kiến nghị các cơ quan cấp trên sửa đổi, bổ sung một số quy định còn bất cập, quán triệt tinh thần làm việc với các Sở, ban ngành của thành phố là hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp, không cứng nhắc trong việc xử lý hồ sơ, thủ tục", ông Đức nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem