Nơi nuôi dạy trẻ mồ côi và chăm sóc 13.000 phần mộ thai nhi (Bài cuối): Thiên chức làm mẹ

Chinh Hoàng Thứ năm, ngày 03/02/2022 19:00 PM (GMT+7)
Tại nơi chăm sóc trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, cũng là nơi trông nom hơn 13.000 phần mộ thai nhi có 19 nhân lực đều là phụ nữ. Họ không lập, gia đình, không sinh con, toàn tâm ý để chăm sóc cho bọn trẻ nên người.
Bình luận 0

Nhân lực chính hiện tại và cũng là những người đồng hành trong công việc với ông Trung có 19 người phụ nữ phụ trách mảng dạy học cho trẻ mồ côi. Và điểm chung của đời sống 19 người phụ nữ này đó là không lập gia đình, chỉ tập trung toàn lực phục vụ cho các "con" của mình.

Nhìn bọn trẻ lớn lên từng ngày, những mẹ nuôi tâm sự: "Chúng tôi tuy rằng không lập gia đình, không sinh con nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được thiên chức của người làm mẹ…"

Hạnh phúc nhất khi nghe bọn trẻ gọi bằng mẹ

Những đứa trẻ mồ côi tại nhà của ông Trung vui mừng khi nhận được quà của mạnh thường quân. Clip: Chinh Hoàng

Chị Đoàn Thị Lan (29 tuổi, quê gốc Nam Định) đã có 8 năm sống tại nơi này để nuôi dạy trẻ mồ côi, chăm sóc mộ phần thai nhi cùng ông Trung. 

Theo chị Lan, nuôi dạy trẻ từ 2 đến 5 tuổi không phải là chuyện đơn giản. Nhiều lúc ốm đau không phải 1-2 bé mà kéo theo cả nhà 17 người. Thỉnh thoảng có một số bé ốm đau nặng những người có nhiệm vụ giống chị Lan sẽ thay phiên nhau trực ở nhà hoặc bệnh viện. Người trực ban ngày thì tối ngủ, người tối trực thì ban ngày ngủ cứ thế tiếp diễn như vậy.

Nơi nuôi dạy trẻ mồ côi và người chăm sóc hơn 13000 phần mộ thai nhi - Bài 2: Thiên chức những người mẹ nuôi - Ảnh 2.

Một trong những khuôn mặt hớn hở khi nhận được quà. Ảnh: Chinh Hoàng

Mặc nhiên, dù khó khăn đến mấy niềm vui lớn lao nhất đối với chị Lan là được chăm lo cho các bé. Chị bày tỏ: "Thực sự mình nhìn thấy chúng nó là hạnh phúc rồi, chứ không cần chúng nó phải cho mình cái gì hay theo ý mình".

Chị Lan sống độc thân, không lập gia đình. Chị khẳng định, đây là ý nguyện chị muốn như vậy chứ không hề có bất cứ một yếu tố nào tác động buộc chị phải như vậy. Chị chọn sống ở đây với toàn tâm ý nguyện chăm sóc các bé mồ côi cùng với lo cho mộ phần của các trẻ thơ bất hạnh. 

Mặc dù chị Lan không có con cái nhưng những đứa trẻ đang sống cùng chị, chị xem như là con ruột của mình. Chị cười hồn hậu nói: "Cách tôi đối xử, dạy dỗ bọn trẻ tôi thấy mình đang thực hiện thiên chức của người làm mẹ".

Quá trình nuôi dạy các bé chị Lan kể, sẽ có lúc nóng giận khi bọn trẻ không chịu nghe lời, không chịu ngồi yên để học… Nhưng khi nghe bọn trẻ gọi í ới mẹ ơi, những mệt mỏi, nóng giận trong người chị như tan biến. 

"Tôi hạnh phúc nhất khi nghe bọn trẻ gọi bằng mẹ", chị Lan tâm sự.

Đồng nghiệp với chị Lan là chị Nguyễn Thị Tuyền (35 tuổi) có 12 năm làm việc tại nơi này. Theo chị Tuyền, cuộc sống của mấy chị em là tự hiến bản thân mình để phục vụ cho công việc mình đang làm.

Nơi nuôi dạy trẻ mồ côi và người chăm sóc hơn 13000 phần mộ thai nhi - Bài 2: Thiên chức những người mẹ nuôi - Ảnh 4.

Chị Nguyễn Thị Tuyền, 1 trong những người mẹ nuôi của 17 đứa trẻ mồ côi và nhiều lứa trước đó đã trưởng thành. Ảnh; Chinh Hoàng

Chị Tuyền nói rằng, tuy cuộc sống ở đây đơn sơ, thanh đạm nhưng chị rất vui. Khi thấy những tấm lòng thiện lương đến hỗ trợ và giúp đỡ thêm cho các bé, chị Tuyền đã xúc động nói: "Những đứa trẻ mồ côi sẽ không bao giờ cô đơn, những thai nhi không bao giờ bị bỏ rơi. Vì ít ra vẫn có chúng tôi và những tấm lòng lương thiện đến từ các nhà hảo tâm quan tâm đến".

Con đường dâng hiến, độc thân, theo chị Tuyền đó là do mình chọn và phải biết chấp nhận. 

Chị tâm sự, hiển nhiên là con người ai cũng có nảy sinh tình cảm với người khác giới nhưng phải biết giới hạn và kiềm chế. Và hơn hết là sự hy sinh để phục vụ cho con đường thiện mình đã chọn.

Lắp đầy "khoảng trống vỡ vụn" cho trẻ

Chia sẻ quan điểm về "thiên chức làm mẹ" trong suốt 12 năm qua, chị Tuyền nhận định: Nếu mình là mẹ đẻ sinh ra bọn trẻ thì chắc chắn cảm giác sẽ nồng nàn, ấm áp hơn. Nhưng đối với chị Tuyền, tình cảm chị dành cho bọn trẻ vẫn sâu sắc. Nếu thiếu đi bọn trẻ, chị Tuyền nói: "Chắc tôi không chịu nổi!".

Mạnh thường quân đến từ TP.HCM hỗ trợ quà cho trer mồ côi cùng các thai nhi. Clip: Chinh Hoàng

"Tôi đã có thâm niên ở đây 13 năm, ở đây công việc chính của tôi là nấu nướng, chăm lo phần ăn cho những đứa trẻ là chính. Với ngần ấy năm cùng ăn, ngủ, sinh hoạt chung với bọn trẻ nói là mẹ nuôi nhưng đã từ lâu tôi đã coi chúng như con ruột của mình", chị Phan Thị Vinh, đồng nghiệp với chị Tuyền trò chuyện với phóng viên.

Theo chị Vinh, trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy trẻ chị cùng đồng nghiệp sẽ để ý xem chúng có những năng khiếu gì, thiên về hướng thích những môn tự nhiên hay xã hội hoặc những bộ môn khác… để định hướng bồi dưỡng thêm ngoài giờ học ở trường của chúng.

Chị Vinh cho biết, mình cùng đồng nghiệp và ông Trần Văn Trung cũng gặp nhiều khó khăn từ kinh phí, nguồn lực, áp lực…. Nhưng, với thiên hướng tự nguyện và ước mong để bọn trẻ thành người có ích cho xã hội, chị nói: "Sẽ tạo mọi điều kiện để những đứa trẻ được những gì tốt nhất, bù đắp lại những khoảng trống không bao giờ lắp đầy được cho chúng".

Ngoài công việc dạy, chăm trẻ và trông nom các phần mộ thai nhi, các chị còn tăng gia sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi ngay chính trên mảnh vườn nhà ông Trung để tăng thu nhập. Đồng thời, để có thêm rau, củ, quả tươi phục vụ cho bọn trẻ…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem