Nông nghiệp đô thị là hướng đi tất yếu của nông nghiệp TP.HCM

Anh Nguyên Thứ ba, ngày 03/10/2023 14:20 PM (GMT+7)
TP.HCM đang tích cực triển khai, hoàn thiện những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn. Đây là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp thành phố.
Bình luận 0

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, thành phố đã tập trung thực hiện chuyển dịch, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững.

Cách hiệu quả nhất để triển khai chính sách phát triển nông nghiệp đô thị

"Từ các chính sách của Trung ương và thành phố đã giúp nông nghiệp thành phố chuyển từ các loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao hơn. Công tác tuyên truyền, thông tin chính sách được tập trung với nhiều hình thức. Do đó, chính sách đã được đông đảo người dân, doanh nghiệp biết và thực hiện", ông Hiệp nói.

Nông nghiệp đô thị là hướng đi tất yếu của nông nghiệp TP.HCM - Ảnh 1.

Nông nghiệp đô thị là hướng đi tất yếu của nông nghiệp TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

Bên cạnh đó, UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện tích cực, chủ động tham gia thực hiện chính sách, hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị.

Theo ông Hiệp, các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị tại thành phố có thể được phân thành 4 nhóm. Gồm: nhóm chính sách về hỗ trợ tín dụng; nhóm chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; nhóm chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp.

Trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị, bên cạnh thuận lợi thì vẫn có những khó khăn, bất cập đi kèm. Như công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt các chính sách của Trung ương, của địa phương ở cơ sở còn chưa thường xuyên liên tục; một số chính sách đã ban hành nhưng chậm triển khai. Từ năm 2020 đến nay, các chủ phương án chưa được nhận kinh phí hỗ trợ lãi vay của chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị...

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai chính sách phát triển nông nghiệp đô thị, góp phần hỗ trợ hộ nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp, Sở NNPTNT đề xuất cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, đối với công tác tham mưu đề xuất, cần tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách đang vướng mắc cần tháo gỡ, để hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu HĐND thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị.

Nông nghiệp đô thị là hướng đi tất yếu của nông nghiệp TP.HCM - Ảnh 3.

Mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao tại TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

Thứ hai, công tác chỉ đạo điều hành cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương và địa 19 phương. Nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp.

Thứ ba, cần tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị.

Định hình cho nông nghiệp đô thị TP.HCM

Ông Hiệp cho biết Sở NNPTNT TP.HCM đang tham mưu UBND thành phố ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn. Nội dung trọng tâm của chương trình tập trung quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với quy hoạch phát triển vùng nông thôn. Trong đó, đã tích hợp được quy hoạch chung của toàn thành phố đến năm 2030, hướng đến năm 2050.

Chương trình còn nhằm tổ chức lại, đặc biệt tập trung quản trị nông nghiệp có liên quan tất cả sản phẩm chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của thành phố. Thiết lập hạ tầng logistics nông nghiệp gắn với liên kết vùng.

Nông nghiệp đô thị là hướng đi tất yếu của nông nghiệp TP.HCM - Ảnh 4.

Nông nghiệp đô thị giúp TP.HCM thích ứng với quá trình đô thị hóa nhanh. Ảnh: Q.S

Thành phố đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp. Trong đó, có nhấn mạnh 3 khía cạnh công nghiệp sinh học; sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản; cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp, phấn đấu dịch vụ nông nghiệp chiếm tỷ lệ 50% trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, đẩy mạnh dịch vụ tài chính, dịch vụ thương mại, dịch vụ giá trị gia tăng, trao đổi tín chỉ carbon…

Bên cạnh đó, chương trình lần này tập trung chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung ứng cho phát triển nông nghiệp của vùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem