NSND Doãn Hoàng Giang: Công lý như sợi dây căng ngang đường

Thanh Hà (thực hiện) Thứ hai, ngày 25/05/2015 08:08 AM (GMT+7)
"Với tôi khi dựng bất cứ đề tài nào về lịch sử, tôi cũng đều cố gắng hướng tới bài học cho người hôm nay. Rằng, dù ở xã hội nào, quá khứ, tương lai hay hiện tại thì công lý cũng phải được đảm bảo, phải được thực thi một cách tốt đẹp nhất, đúng nhất. Tôi cho rằng, công lý giống như một sợi dây căng ngang đường...", NSND Doãn Hoàng Giang bày tỏ.
Bình luận 0

Từng thành công với nhiều vở diễn đề tài lịch sử, đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang đang tiếp tục nhận được nhiều lời khen ngợi với vở “Công lý không gục ngã” sẽ tham dự hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc vào tháng 6 tới. 

Thưa NSND Doãn Hoàng Giang, sau buổi tổng duyệt vở kịch “Công lý không gục ngã” do Nhà hát Tuổi Trẻ đặt hàng, ông đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Ông có thể chia sẻ những cảm xúc của mình?

img
Cảnh trong vở “Công lý không gục ngã”. Ảnh:   H.H

- Sau khi vở kịch “Công lý không gục ngã” được biểu diễn tổng duyệt vào ngày 17.5, tôi đã nhận được phản hồi tốt từ hội đồng duyệt. Dường như tất cả các ý kiến đều khen ngợi vở kịch. Một là họ nhận thấy vấn đề đặt ra rất hay, hai là vở kịch hấp dẫn, và thứ ba, tuy vở kịch là đề tài lịch sử nhưng họ nhìn thấy đâu đây, vương vấn cảm giác về thời hiện đại. Đó chính là ý tưởng tôi muốn nhắm đến.

Với tôi khi dựng bất cứ đề tài nào về lịch sử, tôi cũng đều cố gắng hướng tới bài học cho người hôm nay. Rằng, dù ở xã hội nào, quá khứ, tương lai hay hiện tại thì công lý cũng phải được đảm bảo, phải được thực thi một cách tốt đẹp nhất, đúng nhất.

Tôi cho rằng, công lý giống như một sợi dây căng ngang đường. Với những kẻ quyền thế, gặp sợi dây công lý đó, họ sẽ bước qua. Với những kẻ lưu manh, khốn nạn thì sẽ chui bên dưới của sợi dây. Còn những người lương thiện, khi thấy sợi dây công lý đó thì đứng lại. Tức là sợi dây công lý đó chỉ có thể bắt nạt được người lương thiện, còn với hai loại người kia không thể bắt nạt được.

Vì vậy, tôi quan niệm, một xã hội tốt đẹp tức là một xã hội thực thi công lý chuẩn xác. Còn nếu như công lý bị bóp méo, với sự xin xỏ từ trên xuống, bằng vài dòng viết tay này nọ, thì đó không còn là công lý nữa.

Rõ ràng ông có rất nhiều điều muốn gửi gắm đến khán giả trong vở kịch này?

- Chính xác, tôi có hai ý muốn gửi tới khán giả khi xem vở kịch này. Tôi xây dựng hình tượng Ngô Thì Nhậm là người thực thi công lý. Ngô Thì Nhậm phải chiến đấu, đứng vững như thế nào trước thế lực của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Quận Huy, Đặng Mậu Lân… khi mà Quận Huy từng thốt lên: “Công lý là gì, công lý ở trong tay những kẻ có quyền. Công lý ở ngôi cao…”.

Ý thứ hai tôi muốn gửi đến khán giả là vì nước mắt của cuộc đời mà Ngô Thì Nhậm quyết ra tay thực thi công lý. Cho dù vẫn đầy những cám dỗ về vàng bạc, uy lực của những kẻ cầm quyền, Ngô Thì Nhậm vẫn nói lên lời tuyên ngôn của mình: “Tôi đứng về phía những người bị áp bức…”.

Vở kịch khai thác những mâu thuẫn và xung đột trong quá khứ nhưng đã được ông dàn dựng rất hấp dẫn với các tuyến nhân vật được đẩy lên cao trào, tính thời sự của vở kịch thì vẫn còn nguyên vẹn. Bí quyết của ông là gì?

- Trong các sự kiện định khai thác, anh phải làm sao cho khán giả thấy hình như đang có vấn đề gì của ngày hôm nay. Ví dụ như lời thoại, tôi có thể đưa một vài câu hiện đại vào vở kịch.

Tôi cũng muốn thể hiện lại hình ảnh công lý trong thời kỳ thoái trào của Chúa Trịnh là sự hỗn loạn, bấp bênh khiến khắp nơi dân chúng oán thán kêu than, không biết trông cậy, bám víu vào đâu...

Vì thế, trong “Công lý không gục ngã”, hình ảnh những cái trống để suốt cả nửa vở không một ai dám đánh, bởi sự đàn áp, thậm chí bị giết nếu ai đó dám cả gan mon men đến khi có ý định đánh trống kêu oan. Và chỉ đến khi Ngô Thì Nhậm quyết ra tay thực thi công lý, người dân mới dám đánh trống. Kể từ lúc đó, tiếng trống cứ vang vọng, vang vọng cho đến hết vở kịch.

Hình như ông là người có duyên với những vở kịch về đề tài công lý?

- Cách đây 30 năm, tôi dựng vở “Nhân danh công lý” cũng để tham gia Hội diễn sân khấu toàn quốc và tạo nên một chấn động không ngờ, giành Huy chương Vàng. Và bây giờ, tôi lại làm vở “Công lý không gục ngã”, một sự trùng hợp thật bất ngờ. NSƯT Trương Nhuận- Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ nói với tôi, hình như cuộc đời của Doãn Hoàng Giang chỉ dính đến công lý và thân phận con người. Khi nghiệm lại điều Trương Nhuận nói, tôi thấy hay và rất đúng. Có vẻ như suốt cuộc đời làm nghệ thuật của tôi, tất cả các vở diễn đều liên quan đến thân phận con người, đến công lý.

Trong vở diễn mới này, nhân vật ông tâm đắc nhất chính là Ngô Thì Nhậm?

- Có hai nhân vật tôi tâm đắc nhất trong vở kịch “Công lý không gục ngã” là Ngô Thì Nhậm và cô gái điên - nhân vật đã bị “cậu trời” Đặng Mậu Lân hãm hiếp và cắt tai, xẻo ngực, được chồng đưa đi kêu oan.

Trong lịch sử, Đặng Mậu Lân nổi tiếng là hoang dâm vô độ. Khi nghe tên hắn là tất cả đàn bà, con gái kinh thành đều khiếp sợ. Cô gái này đã phải bôi cho khuôn mặt xấu xí để tránh con mắt của hắn. Tuy nhiên, cô vẫn bị phát hiện và bị hãm hiếp giữa kinh thành, trong nỗi tuyệt vọng và đau đớn.

Cô chống trả quyết liệt và đã bị hắn cắt tai, xẻo ngực, trở nên điên loạn. Khi cô tới kêu oan, Ngô Thì Nhậm đã khóc trước sự thống khổ cô gái điên... Trong buổi tổng duyệt, cả khán phòng chìm trong yên lặng và đâu đó, những tiếng nức nở vang lên khi khán giả không kìm được xúc động.

Cuối cùng, điều tôi muốn nhấn mạnh ở vở kịch, thông điệp mà tôi muốn gửi tới khán giả là: Công lý run sợ trước cái ác, công lý ngập ngừng thì không phải là công lý.

Xin cảm ơn ông!

“Công lý không gục ngã” là vở diễn phản ánh một thời khắc lịch sử điển hình cho sự suy thoái và phân hóa xã hội ở kinh thành Thăng Long giai đoạn thoái trào của Chúa Trịnh. Vở kịch có sự tham gia của NSƯT Minh Hằng, NSƯT Như Lai, Quang Ánh, Sĩ Tiến,  Bảo Thanh...  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem