Nữ thủ khoa Y dược kể lần đầu luyện châm cứu, "lôi" bạn cùng phòng ra thực hành

Tào Nga Thứ tư, ngày 29/12/2021 06:44 AM (GMT+7)
Trên trường chỉ được học lý thuyết về châm cứu nên sinh viên phải tự luyện tập châm cứu trên người nhau. Và người mà Minh Lý châm kim lần đầu tiên lên người chính là... cô bạn cùng phòng.
Bình luận 0

Thủ khoa Học viện Y dược học cổ truyền

Hà Minh Lý, sinh năm 1996, đã xuất sắc đạt danh hiệu thủ khoa Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam năm học 2020-2021 với điểm học tập toàn khóa 8,28/10. Cô gái quê Yên Bái đạt thành tích 9/12 kỳ học bổng dành cho sinh viên có thành tích học tập tốt của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, 4 năm liền đạt danh hiệu sinh viên có thành tích học tập giỏi và mới đây được vinh danh 1 trong 90 thủ khoa xuất sắc của Hà Nội.

Trước đó, 3 năm học ở Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc tại Thái Nguyên, Minh Lý đều đạt danh hiệu học sinh Giỏi.

Nữ thủ khoa Học viện Y dược học cổ truyền kể lần đầu luyện châm cứu... lôi bạn cùng phòng ra thực hành - Ảnh 1.

Minh Lý trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Minh Lý nhớ lại chặng đường đến với ngành Y dược học cổ truyền của mình. Trở thành bác sĩ là ước mơ từ nhỏ của cô. Sau khi học hết lớp 12, Minh Lý đã thi vào trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, nhưng kết quả thi không tốt nên Lý không đỗ. Cô quyết định thi lại 1 lần nữa và tìm hiểu kỹ hơn về Y học cổ truyền. Nhận thấy đây là ngành có rất nhiều điều hay và phù hợp với mình, Lý đã quyết tâm thi đỗ vào Học viện Y dược học cổ truyền với 24,75 điểm.

Tuy nhiên, ngành Y học cổ truyền không hề đơn giản, phải nói là rất khó với Lý. "Những kiến thức về Y học cổ truyền rất khó nắm bắt và hiểu 1 cách kỹ càng nếu như chỉ được nghe các thầy cô giảng trên lớp nên đòi hỏi sinh viên phải tự học, tự tìm hiểu nhiều hơn. Thuốc Y học cổ truyền có rất nhiều loại và phải thuộc về tính, vị, quy kinh của từng thuốc để áp dụng. Ngoài ra, em cũng được học về cả những kiến thức Y học hiện đại nên lượng kiến thức rất nhiều. 

Từ năm thứ 3, em bắt đầu được đi thực tập tại bệnh viện. Sáng em học lâm sàng ở viện, chiều học lý thuyết trên giảng đường, buổi tối nếu không phải trực thì em sẽ giành thời gian để đọc sách tại phòng trọ hoặc là tại thư viện của trường để hiểu hơn về những bài giảng của thầy cô trên lớp".

Mặc dù có ước mơ học Y nhưng Minh Lý tiết lộ mình rất sợ kim. Mỗi lần cầm kim tiêm hoặc kim châm cứu là tay chân cô run lẩy bẩy. Nữ thủ khoa Y học cổ truyền kể: "Châm cứu là phương pháp điều trị không dùng thuốc. Sinh viên được học về vị trí, đường kinh, tác dụng của huyệt. Tuy nhiên, trên trường chỉ được học lý thuyết về châm cứu nên sinh viên phải tự luyện tập châm trên người nhau. Và người mà em châm kim lần đầu tiên lên người là bạn cùng phòng. Lần đầu cầm kim run lại sợ bạn đau nên châm không dứt khoát em càng làm bạn càng đau hơn. Cả buổi hôm đó 2 đứa chỉ ngồi tập châm cứu cho nhau, dù đau cũng cắn răng chịu (cười)".

"Em thấy chọn nghề này là điều đúng đắn"

"Mới đầu khi chọn thi vào Học viện, em chỉ nghĩ mình hợp với ngành này. Nhưng trải qua 1 thời gian học, thấy người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè được giúp ích về vấn đề sức khoẻ bằng Y học cổ truyền, em lại thấy mình chọn nghề này là 1 điều đúng đắn", Minh Lý chia sẻ.

Nữ thủ khoa Học viện Y dược học cổ truyền kể lần đầu luyện châm cứu... lôi bạn cùng phòng ra thực hành - Ảnh 2.

Trở thành bác sĩ là mơ ước từ nhỏ của Minh Lý. Ảnh: NVCC

Chính vì đam mê với nghề và muốn giúp ích cho người thân, cộng đồng, ngay từ khi bước chân vào đại học, Lý luôn định hướng học xong sẽ về làm việc tại quê nhà Yên Bái. Một phần vì Lý muốn cống hiến năng lực cho quê hương, một phần vì muốn làm việc gần gia đình, gần bố mẹ để tiện chăm sóc lúc ốm đau.

"Thành tích thủ khoa cũng mang lại áp lực cho em nhưng phần lớn là động lực để em tiếp tục cố gắng học tập, trau dồi kiến thức và kinh nghiệm để xứng đáng với danh hiệu", Minh Lý cho hay. Sắp tới, Lý sẽ vừa học vừa làm tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Yên Bái.

Theo nữ thủ khoa, sau khi đi học, được tiếp xúc với bệnh nhân thì cô thấy người Việt có thói quen không tốt đối với sức khoẻ là sử dụng thuốc không có hướng dẫn của bác sĩ.

"Mọi người cứ tự đi mua thuốc về uống rồi dẫn đến các vấn đề như kháng thuốc, bệnh không chuyển biến tốt, thậm chí còn khiến bệnh nặng hơn. Đặc biệt là sử dụng các bài thuốc, các vị thuốc Nam không rõ nguồn gốc cũng gây ra rất nhiều hậu quả. Vì vậy, nếu có vấn đề về sức khoẻ thì mọi người nên đến các cơ sở y tế, gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tự ý dùng thuốc tại nhà", nữ thủ khoa đưa ra lời khuyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem