Nước thải xả thẳng ra môi trường khiến kênh, rạch đen ngòm, huyện này ở TP.HCM gặp khó khi nâng chất nông thôn mới

Trần Cửu Long Thứ bảy, ngày 22/07/2023 18:54 PM (GMT+7)
Trong điều kiện hiện nay, xử lý và bảo vệ môi trường nông thôn là một việc chưa bao giờ dễ dàng, nhất là ở một thành phố lớn như TP.HCM.
Bình luận 0

Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện Củ Chi (TP.HCM) đánh giá, chất lượng môi trường trên địa bàn huyện cơ bản đạt nhưng thiếu tính bền vững. Tại các xã còn một số đơn vị sản xuất xen cài trong khu dân cư, có nguy cơ phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều thách thức về môi trường

Cũng theo Phòng TNMT huyện Củ Chi, việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi mới chỉ đạt được kết quả bước đầu, vẫn còn thiếu tính bền vững. Việc vận động hộ chăn nuôi bò, lợn… sang ngành nghề khác cần có quá trình chuyển tiếp.

Thách thức về môi trường cản trở việc nâng chất nông thôn mới - Ảnh 1.

Một con rạch ở xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị ô nhiễm, nước đen ngòm. Ảnh: T.Đ

Một cán bộ phụ trách môi trường của huyện Bình Chánh cho biết, đây là vấn đề nan giải của huyện đã kèo dài từ lâu. Huyện đã nhờ đến sự can thiệp, hỗ trợ của TP để giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết được.

Ngoài ra, khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc thành phố thường xuyên phát sinh mùi hôi thối từ nhà máy xử lý rác của Công ty CP Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Việt Star. 

Cùng với đó, UBND thành phố chưa ban hành giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, khiến việc triển khai giá dịch vụ cho UBND các xã, thị trấn gặp khó khăn.

Trong khi đó, tại huyện Bình Chánh, do dân số tăng nhanh, nên địa phương chịu áp lực môi trường rất lớn. Hiện, ở huyện việc thu gom rác đã dần đi vào nền nếp, nhưng ô nhiễm nguồn nước, nhất là các tuyến sông và kênh rạch chưa được khắc phục. Đây là hậu quả của việc xả thải trực tiếp ra kênh, rạch của các khu công nghiệp đóng trên địa bàn và rác thải từ các hộ dân. 

Anh Nguyễn Văn Nhung, nhà cạnh Khu công nghiệp Lê Minh Xuân thổ lộ, nước thải từ một số công ty trong khu công nghiệp xả thẳng ra môi trường khiến kênh, rạch bị ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất nông nghiệp của nông dân.

Phối hợp giải quyết ô nhiễm môi trường

Qua hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM, có thể thấy nông thôn thành phố đang gánh những vấn đề về môi trường, như giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư và nơi công cộng, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại một số khu vực nông thôn chưa được đảm bảo thường xuyên.

Mặc dù cơ quan chức năng cương quyết xử phạt hành chính đối với các cơ sở sản xuất vi phạm về bảo vệ môi trường nhưng vẫn có tình trạng doanh nghiệp cố tình không chấp hành… Về việc này, Sở TNMT thành phố đã kiến nghị Bộ TNMT trình Chính phủ sửa đổi nghị định để xử phạt.

Bên cạnh đó, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, chăn nuôi chưa ý thức được tầm quan trọng của kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, hạn chế đầu tư, xử lý chất thải theo đúng quy định; công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm chưa được thường xuyên, triệt để. Việc kiểm soát và quản lý xả thải tại các lưu vực kênh, rạch còn khó khăn, công tác phối hợp kiểm soát ô nhiễm liên vùng chưa hiệu quả...

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TNMT TP.HCM cho biết, Sở đã có buổi họp với các huyện, xã và sở ngành liên quan để giải quyết vướng mắc về bảo vệ môi trường. Đồng thời, Sở đang tiếp tục làm việc với các tỉnh giáp ranh, như Tây Ninh, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu… ra cơ chế phối hợp, giải quyết ô nhiễm môi trường. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem