Phương tiện thông tin đại chúng giúp đồng bào DTTS Lào Cai thay đổi tư duy sản xuất, giảm nghèo

Mùa Xuân - A Sếnh Thứ bảy, ngày 02/12/2023 06:00 AM (GMT+7)
Vùng đồng bào DTTS ở các xã vùng cao, biên giới của tỉnh Lào Cai ngày càng có nhiều người mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ học hỏi kinh nghiệm qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Bình luận 0

Video: Các phương tiện thông tin đại chúng góp phần quan trọng vào thay đổi tư duy sản xuất của bà con Lào Cai.

Phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân mở mang kiến thức, phát triển kinh tế gia đình

Gia đình chị Lò Mùi Khé ở thôn biên giới Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đang phát triển hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa và gà đen thả đồi, mang lại nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng mỗi năm.

Từ cách xây dựng chuồng trại, ứng dụng kỹ thuật vào chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi, đến việc xuất bán sản phẩm… đều được chị Khé tìm tòi, học hỏi qua loa đài, tivi và mạng xã hội.

Phương tiện thông tin đại chúng giúp đồng bào DTTS Lào Cai thay đổi tư duy sản xuất - Ảnh 2.

Các xã vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai cơ bản được phủ sóng 3G, 4G, giúp người dân tiếp cận thêm nhiều kiến thức qua mạng Internet. Ảnh: Mùa Xuân.

Chị Lò Mùi Khé chia sẻ: Thường xuyên theo dõi các chương trình nghe nhìn của tỉnh, của địa phương, tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm chăn nuôi. Nhờ đó, lợn đen bản địa và gà đen thả đồi của nhà tôi bán ra được giá, nếu nuôi nhiều thì sẽ có thu nhập cao.

Còn tại thôn Lao Chải (thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), hiệu quả của hệ thống truyền thanh, cùng với tivi, mạng xã hội cũng đang góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của đồng bào Bố Y trong việc tìm hiểu, học hỏi, áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quýt.

Phương tiện thông tin đại chúng giúp đồng bào DTTS Lào Cai thay đổi tư duy sản xuất - Ảnh 3.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được người dân học hỏi và làm theo, góp phần nâng cao thu nhập. Ảnh: Mùa Xuân.

Chị La Thị Sủi, thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, bảo: "Thời điểm này quýt bắt đầu vào vụ, ngoài việc tỉa dần mang đi bán thì mình tích cực chuẩn bị các điều kiện như trang phục, dụng cụ hái quýt…để đón khách đến tham quan, trải nghiệm ngay tại vườn".

Thông qua các hệ thống nghe nhìn, người dân được tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, rồi các mô hình hay ở địa phương khác để vận dụng tại Mường Khương.

Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, hiện 100% các xã, phường, thị trấn Mường Khương đều có trạm truyền thanh, 99% số thôn, tổ dân phố được phủ sóng thông tin di động; các xã, thị trấn cơ bản có mạng internet, mạng 3G, 4G; gần 94% hộ gia đình có điện thoại thông minh và xem được tivi.

Phương tiện thông tin đại chúng giúp đồng bào DTTS Lào Cai thay đổi tư duy sản xuất - Ảnh 4.

Hệ thống loa truyền thanh thôn, bản giúp bà con được tiếp cận nhiều thông tin hữu ích trong phát triển kinh tế. Ảnh: Mùa Xuân.


Phương tiện thông tin đại chúng giúp thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Bà Nguyễn Thị Điều, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho rằng: Hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mường Khương không chỉ được đầu tư, hỗ trợ loa truyền thanh, phủ sóng di động mà 9/16 xã thị trấn đã có thêm cổng thông tin điện tử. Đây chính là kênh thông tin cơ sở đưa các hoạt động của các thôn, xã để người dân tìm kiếm, biết nhiều thông tin hữu ích.

Đồng thời, thành lập mới 157 tổ công nghệ số cộng đồng do Trưởng thôn, Bí thư thôn và Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn làm tổ trưởng. Tổ công nghệ số có vai trò trong việc hướng dẫn người dân cài đặt các giao dịch trên điện tử, định danh điện tử...

Bên cạnh đó, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Khương còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan của huyện, các sở ngành của tỉnh Lào Cai tập huấn cho đội ngũ cán bộ văn hóa xã, Trưởng, Bí thư các thôn về công nghệ thông tin, cách viết tin, bài khi đăng trên cổng thông tin điện tử, phát thanh trên hệ thống loa...

Các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đến người dân một cách chính xác, kịp thời, hiệu quả, mà còn là kênh thông tin hữu ích để phổ biến khoa học kỹ thuật mới, nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả.

Phương tiện thông tin đại chúng giúp đồng bào DTTS Lào Cai thay đổi tư duy sản xuất - Ảnh 5.

Người dân huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế được truyền tải qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ảnh: Mùa Xuân.

Bà Trần Xuân Huệ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai, cho biết: Trong thời đại công nghệ số, các phương tiện thông tin hiện đại là kênh thông tin tuyên truyền hữu hiệu đến với người dân. Đồng hành hiệu quả cùng cấp ủy chính quyền địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.

Công nghệ số ngày càng phát triển, các thiết bị như loa truyền thanh, tivi, điện thoại thông minh, mạng xã hội… đang góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào vùng cao trong phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao thu nhập, làm thay đổi chất lượng cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem