Ở một xã của tỉnh Lâm Đồng, hàng dài xe container xếp hàng đến thu mua sầu riêng, người dân thu về 500 tỷ đồng

Thứ hai, ngày 25/09/2023 08:05 AM (GMT+7)
Xã Hòa Nam được biết đến là “thủ phủ” sầu riêng của huyện Di Linh với diện tích 956ha (diện tích cho thu hoạch trên 600ha). Vụ 2023, nông dân Hòa Nam rất phấn khởi khi sầu riêng vừa được mùa, vừa được giá.
Bình luận 0

Giá sầu riêng tăng cao, bán cả vườn nhà nông cầm chắc tiền tỷ 

Xã Hòa Nam được biết đến là “thủ phủ” sầu riêng của huyện Di Linh với diện tích 956 ha (diện tích cho thu hoạch trên 600 ha). Niên vụ 2023, nông dân Hòa Nam rất phấn khởi khi vụ thu hoạch vừa được mùa, vừa được giá. Đang vào thời điểm chính vụ, giá sầu riêng ổn định đem lại thu nhập cao cho người dân.

Ở một xã của tỉnh Lâm Đồng, hàng dài xe container đến thu mua sầu riêng, người dân thu về 500 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ông Vũ Đình Tư bên vườn sầu riêng của gia đình

Có mặt tại xã Hòa Nam vào những ngày tháng 9, những hàng dài xe container đang chờ để bốc hàng. Tại các vườn sầu riêng, cảnh thu hái, vận chuyển sầu riêng diễn ra nhộn nhịp. Việc xuất bán sầu riêng được người dân chốt giá theo vườn cho thương lái hoặc thu hái cân ký. 

Ông Vũ Đình Tư, nông dân Thôn 8 phấn khởi chia sẻ: “Năm nay, giá sầu riêng tăng cao và ổn định. So với năm ngoái, giá năm nay cao hơn từ 8.000 - 15.000 đồng/kg. Gia đình tôi có 1,5ha sầu riêng 8 năm tuổi, dự tính năm nay thu khoảng 40 tấn. Tính giá bán bình quân 80.000 - 85.000 đồng/kg sẽ mang lại cho gia đình nguồn thu trên 3,2 tỷ đồng. Trồng sầu riêng từ bao năm nay, đây là năm đầu tiên gia đình tôi có được nguồn thu nhập lớn như vậy”.

Tương tự, năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, Thôn 8 có 4ha trồng sầu riêng cho thu hoạch và chốt giá theo vườn bán cho thương lái. Năm ngoái, với diện tích này, gia đình anh thu được hơn 2,5 tỷ đồng. Năm nay, anh chốt vườn bán cho thương lái với giá hơn 5 tỷ đồng. Mặc dù đã chốt vườn, nhưng để đảm bảo chất lượng sầu riêng, gia đình vẫn quản lý chặt chẽ, theo dõi và yêu cầu thương lái cắt đảm bảo độ chín.

Bí quyết thành công từ xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng

Bà Đoàn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nam cho biết, năm nay, sản lượng sầu riêng toàn xã ước đạt 7 ngàn tấn, với doanh thu mang lại cho người dân trên 500 tỷ đồng. Bình quân, mỗi hộ trồng sầu riêng ước đạt nguồn thu nhập từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Đặc biệt, toàn xã có đến hàng chục hộ dân có nguồn thu từ 4 - 10 tỷ đồng từ sầu riêng. Sầu riêng được mùa lại được giá nên người dân rất vui mừng, phấn khởi.

Bà Đoàn Thị Thu cung cấp thông tin, xã Hòa Nam đã xây dựng thành công 3 mã vùng trồng sầu riêng với diện tích 303 ha của các đơn vị gồm HTX Thành Công 44,3 ha; Công ty BlaoFood 67,8 ha; Công ty TNHH Long Thủy khoảng 75 ha; Công ty Bảo Phúc 62 ha; công ty Lê Minh 28,7 ha và công ty Văn Vinh 24,7 ha. 

Từ nay đến cuối hết năm 2023, dự kiến sẽ có 9 mã vùng trồng truy xuất nguồn gốc của các HTX, các công ty trên địa bàn xã Hòa Nam được cấp mã với diện tích trên 479 ha. 

Kể từ sau khi có nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc thì xuất khẩu sầu riêng đã tăng mạnh. Theo quy định, tất cả các vùng trồng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt cấp mã số vùng trồng. Việc Hòa Nam xây dựng được các mã vùng trồng nhằm tạo điều kiện cho quả sầu riêng của địa phương được tiêu thụ thuận lợi, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Anh Trần Văn Hiếu - Giám đốc Công ty Bảo Phúc chia sẻ, năm nay, thị trường sầu riêng vô cùng sôi động, nhu cầu tăng cao nên công ty đang tập trung thêm nhân lực để hoàn thành những chuyến xe cho kịp thời gian xuất cảng. Từ đầu niên vụ sầu riêng 2023, công ty đã thu mua hơn 2.000 tấn sầu riêng để xuất sang thị trường Trung Quốc với hai hình thức: Sầu riêng múi cấp đông và sầu riêng nguyên trái. 

"Để sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch cũng đòi hỏi quy trình sản xuất, chế biến nghiêm ngặt và điều kiện quyết định đó là vùng sản xuất phải được cấp mã vùng trồng. Anh Hiếu thông tin, công ty đang kết hợp chặt chẽ với chính quyền xã, Hội Nông dân xã để liên kết nông dân, xây dựng mã số vùng trồng, nâng sản lượng sầu riêng xuất khẩu".

Anh Trần Văn Hiếu - Giám đốc Công ty Bảo Phúc

Bà Đoàn Thị Thu khẳng định, sầu riêng được mùa lại được giá nên người dân rất phấn khởi. Nhưng để xây dựng thương hiệu sầu riêng Hòa Nam một cách bền vững, chính quyền địa phương đã và đang thực hiện tuyên truyền bà con Nhân dân không ào ạt mở rộng diện tích mà tập trung chăm sóc diện tích hiện hữu. Đặc biệt, xã hướng dẫn, khuyến cáo nông dân áp dụng canh tác đúng theo quy định của ngành Nông nghiệp, đảm bảo trái sầu riêng Hòa Nam không bị vi phạm các quy định của nước nhập khẩu, xây dựng thương hiệu, uy tín, giữ vững diện tích vùng trồng. 

Để sầu riêng phát triển bền vững, người dân cần áp dụng những giải pháp kỹ thuật theo hướng hữu cơ, sinh học, chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, xã Hòa Nam đang tiếp tục hướng dẫn nông dân xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung, tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Diệp Quỳnh (baolamdong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem