Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS rất ít người khu vực miền núi phía Bắc

N.Q Thứ năm, ngày 28/09/2023 17:11 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch khu vực miền núi phía Bắc nói riêng đã có sự phát triển rất ấn tượng, trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực và thế giới.
Bình luận 0

Để có được điều này, ngoài cảnh quan thiên nhiên, một điều không thể phủ nhận là sức hấp dẫn đến từ các giá trị lịch sử, văn hóa, nhất là nét văn hóa độc đáo, giàu bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người.

Khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam bao gồm 14 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng vẻ đẹp tuyệt diệu, những dãy núi cao, thung lũng xanh mướt, và những bản làng dân tộc mang trong mình nền văn hóa độc đáo đã tạo nên một địa điểm du lịch độc đáo, thu hút sự quan tâm của du khách từ khắp nơi.

Tuy nhiên, độc đáo thực sự của miền núi phía Bắc không chỉ ở cảnh đẹp thiên nhiên mà còn ở văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở đây. Vùng miền núi này có hơn 30 dân tộc thiểu số khác nhau, mỗi dân tộc đều giữ lại một di sản văn hóa riêng biệt. Điều này tạo nên một kho tàng văn hóa đa dạng, từ trang phục truyền thống, nghệ thuật thủ công, đến các lễ hội và lễ kỷ niệm độc đáo.

Phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số rất ít người

Chia sẻ về việc phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất ít người, ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết: "Du lịch cộng đồng đã có sự phát triển tích cực, trong đó có khu vực miền núi phía Bắc, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cho nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp, tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là đối với đồng bào các DTTS. Bên cạnh đó, nhờ phát triển du lịch cộng đồng, ý thức gìn giữ nét đẹp truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch đẹp của bà con cũng được nâng lên, đóng góp tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc".

Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất ít người ở nước ta có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực gắn liền với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững của các dân tộc thiểu số rất ít người.

Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS rất ít người khu vực miền núi phía Bắc - Ảnh 1.

Nghi lễ cúng của dân tộc Cống trong ngày tết Mìn Lóong Phạt ở bản Táng Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn. Ảnh: Quang Thụy

Hiện nay, ở nước ta có 15 dân tộc thiểu số rất ít người dân tộc thiểu số rất ít người, cư trú rải rác khắp cả nước, trong đó tập trung chủ yếu là khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, bao gồm các dân tộc: Pà Thẻn, Lự, Lô, Mảng, Cờ Lao, Bố Y, Cống, SiLa, Pu Péo… các dân tộc này chủ yếu cư trú ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của Tổ quốc, nhưng lại đóng vai trò quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái của cả nước. Đây là các dân tộc có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, cơ sở hạ tầng kém.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách dành cho các dân tộc rất ít người nhằm bảo tồn và phát triển nguồn lực con người của đất nước. Nổi bật trong số đó là Quyết định số 1409/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trong đó lĩnh vực văn hoá nhấn mạnh tập trung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch và đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Theo tiểu mục 6 Mục III Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định 1719/QĐ-TTg năm 2021 quy định thì dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Nổi bật trong đó là công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS rất ít người khu vực miền núi phía Bắc gắn với phát triển du lịch đã được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Cụ thể, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS rất ít người ở khu vực miền núi phía Bắc gắn với việc phát triển du lịch được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.

Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi, phát triển và hình thành mới đã thu hút đông đảo khách trong và ngoài địa phương, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc đã tổ chức tốt dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa tạo nên mô hình hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích trên nhiều mặt của đời sống KT-XH, văn hóa tại vùng đồng bào DTTS trên cả nước. Trong đó, công tác triển khai mở nhiều lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của DTTS có số dân rất ít người như:Bố Y, Pu Péo, Mảng, Cống, Lô Lô, Si La... tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên...

Chia sẻ về chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ít người, ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Là dân tộc ít người nhất trên địa bàn, song dân tộc Cống đã có những nỗ lực của riêng mình trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bên cạnh sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có những hỗ trợ để bà con có thể giàn giữ, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, không chỉ trong dân tộc Cống mà có cả các dân tộc khác trên địa bàn. Mục tiêu hướng tới tương lai có thể phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Nậm Nhùn.

Bảo tồn giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

Nhiều mô hình về bảo tồn văn hóa truyền thống của các DTTS rất ít người khu vực miền núi phía Bắc được triển khai thực hiện ở các địa phương, điển hình như: Mô hình "Bảo tồn và phát huy nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch" tại tỉnh Tuyên Quang sẽ triển khai tại huyện Lâm Bình, với các nội dung: Tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm mở lớp truyền dạy, bảo tồn và phát huy nghề thêu, dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt, thêu thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn phục vụ công tác bảo tồn, xây dựng sản phẩm phát triển du lịch; hỗ trợ nguyên liệu, khung dệt, công cụ cho một số hộ gia đình tham gia mô hình bảo tồn, trưng bày, trình diễn giới thiệu sản phẩm dệt thủ công truyền thống của dân tộc Pà Thẻn phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Từ năm 2017 đến nay, Cục Văn hóa cơ sở đã triển khai xây dựng được nhiều mô hình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số tỉnh như: "Mô hình bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc Lự gắn với phát triển du lịch tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu); mô hình "Bảo tồn và phát huy nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Phù Lá gắn với phát triển du lịch" tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai); mô hình "Bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, Lô Lô gắn với phát triển du lịch" tại tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang; "Mô hình bảo tồn và phát triển các làn diệu dân ca, dân vũ của dân tộc Si La, Na Ha, Xá Phó, Pà Thẻn... gắn với phát triển du lịch tại tỉnh Sơn La, Điện Biên"… Trong đó, mô hình Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang… trở thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, tạo sự phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế địa phương có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện.

Cũng theo ông Phạm Hải Quỳnh, giá trị văn hóa bản địa là "chìa khóa" để phát triển du lịch cộng đồng. Chính vì vậy, muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững, mỗi địa phương phải có định hướng rõ ràng, nghiên cứu, phân tích, lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc gắn với phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. Bên cạnh đó, cần có lộ trình thực hiện cụ thể, huy động sự đóng góp của các chuyên gia chuyên sâu về du lịch cộng đồng trong công tác tư vấn, đào tạo nhân lực, xây dựng cảnh quan bản làng và các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Văn hóa truyền thống các DTTS rất ít người là tài sản có giá trị quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay đa số các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc bảo tồn văn hóa truyền thống, chưa chú trọng đến việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống đó gắn với việc phát triển du lịch ở địa phương, đặc biệt là du lịch bền vững. Vì vậy, các giá trị văn hóa đó đang còn ở dạng tiềm năng. Do đó, để góp phần phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người ở khu vực miền núi phía Bắc, các địa phương cần chú trọng đầu tư, quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, nhằm phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống vào việc phát triển du lịch bền vững của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng và đối với khu vực miền núi phía Bắc nói chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem