Phát triển nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn

Vũ Quyền Thứ tư, ngày 06/09/2023 20:41 PM (GMT+7)
Để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn cần có những chính sách để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực này về Việt Nam.
Bình luận 0

Tiềm năng từ ngành vi mạch bán dẫn

Chiều 6/9, lễ ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (Electronics and Semiconductor Center – ESC) đã được tổ chức tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Chia sẻ trong buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho hay, trong định hướng phát triển sắp tới của khu công nghệ cao, định hình tập trung phát triển một số ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, có sức lan tỏa lớn cho khu vực và cả nước, trong đó có ngành vi mạch bán dẫn.

Phát triển nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi lễ ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn. Ảnh: Vũ Quyền.

Trọng tâm phát triển giai đoạn tới của khu công nghệ cao TP.HCM nói riêng, TP.HCM và cả nước nói chung đó là tập trung phát triển khu công nghiệp trong nước, bởi vì tình hình chung của công nghiệp Việt Nam là phụ thuộc FDI và chúng ta phải thoát khỏi cảnh đó.

Quan sát các nước công nghiệp hóa thành công trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… các nước này trước tiên đều phát triển ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn. Đặc biệt, hai ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn có mối quan hệ hữu cơ với nhau, phát triển ngành công nghiệp điện tử phải song hành và đi trước một bước để nắm bắt thị trường.

Nói về sự quan trọng của ngành vi mạch, bán dẫn, ông Thi đã đưa ra số liệu thống kê của châu Âu, đồng thời đưa ra ví dụ, chỉ cần có được doanh thu 1 triệu USD từ vi mạch bán dẫn thì trong ngành công nghiệp điện tử sẽ có được 7 triệu USD.

Ông Thi cho rằng, Hàn Quốc từng mất 17 năm để phát triển công nghiệp điện tử. Tuy nhiên, qua các phân tích của một số chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có thể đi nhanh hơn nếu có lộ trình đi đúng đắn, dự kiến năm 2030 có thể kiến tạo được ngành công nghiệp điện tử.

Phát triển nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn - Ảnh 2.

Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn. Ảnh: Vũ Quyền.

Hiện tại, chúng ta chỉ có những doanh nghiệp FDI làm về lắp ráp điện tử, doanh số về ngành điện tử thống kê năm vừa rồi là 130 tỷ USD, nhưng phần lớn đều lắp ráp của FDI và giá trị gia tăng rất thấp.

Việt Nam cần phải dịch chuyển lên để có giá trị gia tăng cao bằng cách phát triển các doanh nghiệp nội địa, phát triển được sản phẩm trong nước, phát triển được những cái con chíp trong nước. Mặc dù, giai đoạn đầu, có thể Việt Nam chưa sản xuất được vì chưa có cơ sở hạ tầng, các nhà máy, nhưng vẫn có thể thiết kế được.

Nguồn nhân lực là vai trò then chốt

Ngành vi mạch bán dẫn muốn phát triển cần tận dụng lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài, ở các nước tiên tiến. "Về nguyên tắc, chúng ta không thể nào thiết kế cái ly nếu chúng ta không hình dung được trong nhà máy quy trình sản xuất cái ly đó như thế nào. Tương tự như vậy cho con chíp, chúng ta không thể nào thiết kế nếu chúng ta chưa bao giờ bước vô nhà máy và sản xuất con chíp đó. Do vậy, phải tận dụng được những người Việt Nam ở nước ngoài có khát vọng góp phần vào sự phát triển đất nước", ông Thi nói.

Phát triển nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (vest xanh) tham quan Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn. Ảnh: Vũ Quyền.

Phát biểu chỉ đạo trong buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhìn nhận, công nghiệp vi mạch và bán dẫn là ngành công nghiệp sử dụng nguồn tài nguyên là trí tuệ. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao có vai trò then chốt, quyết định và Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển nguồn nhân lực trong nước. Đồng thời, cần những chính sách để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực này về Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, ngành công nghiệp điện tử có tầm quan trọng rất lớn đối với những đất nước công nghiệp. Đặc biệt, không có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ không có ngành công nghiệp điện tử, không có một đội ngũ tri thức, con người am hiểu để đáp ứng thì cũng sẽ không có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

"Chính phủ cùng TP.HCM, cùng Nghị quyết 98 sẽ lắng nghe các đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học để làm sao có thể kết nối 70.000 các doanh nghiệp chuyển đổi số, kết nối tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực điện tử. Mục tiêu làm sao phát triển ngành công nghiệp điện tử mạnh mẽ để tạo ra sự phát triển cho ngành vi mạch bán dẫn", Phó Thủ tướng Chính phủ nói.

Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) được hình thành từ việc hợp nhất hai mô hình SCDC và IETC của Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM. Việc này nhằm mục tiêu hình thành một đơn vị đào tạo có quy mô đủ lớn để có thể đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư lớn và tạo điều kiện để thu hút các chương trình hợp tác quốc tế có quy mô lớn hơn trong tương lai.

Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu công nghệ cao (SCDC) được Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM ký kết hợp tác với Công ty Synopsys thành lập từ tháng 8/2022, nhằm đào tạo nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.

Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (IETC) được Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM hình thành và đưa vào hoạt động chính thức từ 3/2023 để thúc đẩy đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện tử


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem