Phát triển nông nghiệp đô thị từ công tác phối hợp đào tạo và chuyển giao công nghệ

Thuận An Chủ nhật, ngày 19/11/2023 15:25 PM (GMT+7)
Phối hợp đào tạo, chuyển giao công nghệ là một trong những hoạt động thường xuyên và hiệu quả của Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP). Hoạt động này mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của Thành phố.
Bình luận 0

Sản xuất tinh dầu khẩu trang bằng công nghệ nano

Ông Hà Văn Lộc – Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn TCS ở phường Bình Chiểu (TP.Thủ Đức) là người nhanh chóng tiếp cận nông nghiệp đô thị bằng cách ứng dụng công nghệ phát triển sản phẩm tinh dầu. 

Tinh dầu khẩu trang - sản phẩm của Công ty TCS được tổng hợp từ 6 loại tinh dầu cơ bản. Trong số đó, có 3 loại là tinh dầu tràm, tinh dầu bạch đàn chanh và tinh dầu thanh hao hoa vàng được cộng đồng y khoa thế giới công nhận là có khả năng tiêu diệt mạnh virus Sars-CoV-2.

Sản phẩm tinh dầu khẩu trang được hỗ trợ sản xuất từ Trung tâm Ươm tạo nông nghiệp công nghệ cao cao (thuộc AHTP). Ảnh: Thuận An

Sản phẩm tinh dầu khẩu trang được hỗ trợ sản xuất từ Trung tâm Ươm tạo nông nghiệp công nghệ cao cao (thuộc AHTP). Ảnh: Thuận An

Tinh dầu khẩu trang được hỗ trợ sản xuất từ Trung tâm Ươm tạo nông nghiệp công nghệ cao (thuộc AHTP). Tại đây, công nghệ nano được sử dụng để chiết xuất và giữ lại được gần như 99% các các hợp chất quý có trong tinh dầu.

Ông Lộc cho biết, mỗi loại tinh dầu vốn có tỷ trọng khác nhau. Vì thế, khi phối trộn lại, các loại tinh dầu không đồng hóa được. Việc này khiến tinh dầu sau thời gian sử dụng sẽ bị tách lớp.

Công nghệ nano nhằm mục đích đồng hóa, đưa chuỗi phân tử của các loại tinh dầu về dạng bằng nhau và nhỏ nhất. Việc này giúp cho hỗn hợp tinh dầu được phun xịt ra đồng loạt. Như thế, sản phẩm mới cho hiệu quả như mong muốn.

Cùng với các sản phẩm tinh dầu khác, doanh nghiệp của ông Lộc đạt tổng doanh thu bình quân khoảng 800 triệu đồng/năm. Ông Lộc đang tạo việc làm cho khoảng 10 lao động, thu nhập bình quân 10 triệu/người/tháng.

Theo ông Lộc, nếu TP.HCM trồng lúa hoặc trái cây thì khó cạnh tranh được với các tỉnh thành lân cận. Nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao mới là thế mạnh của TP.HCM. Thực tế, TP.HCM có đầy đủ trang thiết bị và công nghệ giúp nghiên cứu đầy đủ và chuyên sâu về sản phẩm nông nghiệp.

Ông Hà Văn Lộc – Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn TCS giới thiệu các sản phẩm tinh dầu. Ảnh: Thuận An

Ông Hà Văn Lộc – Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn TCS giới thiệu các sản phẩm tinh dầu. Ảnh: Thuận An

Một dự án khởi nghiệp NNCNC nếu không có những trang thiết bị nghiên cứu, và thẩm định sản phẩm phải mất từ 5-7 năm, và tốn rất nhiều tiền cho các nghiên cứu đó.

Các dự án có khi thất bại vì không có những chuyên gia đầu ngành để hỗ trợ kiến thức. "Đó là những yếu tố mà những doanh nghiệp khởi nghiệp như tôi rất cần đến Trung tâm ươm tạo", ông Lộc nói.

Đào tạo và chuyển giao công nghệ góp phần phát triển nông nghiệp đô thị

TP.HCM là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đô thị hóa nhanh. Điều này đòi hỏi Thành phố phải có những thay đổi lớn trong phát triển nông nghiệp.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ TP.HCM xác định hướng phát triển cho nền nông nghiệp của Thành phố là phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ nghiên cứu của Ban quản lý AHTP trực tiếp hướng dẫn, đào tạo và chuyển giao công nghệ trong phát triển nông nghiệp đô thị cho nông dân. Ảnh: Thuận An

Cán bộ nghiên cứu của Ban quản lý AHTP trực tiếp hướng dẫn, đào tạo và chuyển giao công nghệ trong phát triển nông nghiệp đô thị cho nông dân. Ảnh: Thuận An

Một trong những mục tiêu cụ thể được Thành phố xác định là hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân để phát triển ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp đô thị.

Với vai trò của mình, thời gian qua, AHTP đã chủ động phối hợp với Hội Nông dân các cấp, các sở ban ngành, các địa phương còn sản xuất nông nghiệp xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ cho nông dân tiếp cận các kiến thức, công nghệ mới thông qua các chương trình đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Kết quả, đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đa dạng, hiệu quả và phù hợp được chuyển giao, áp dụng thành công vào thực tế; nhiều khóa đào tạo, tập huấn cho nông dân đã được triển khai giúp nông dân cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, ứng dụng hiệu quả kiến thức vào thực tiễn sản xuất tại các huyện, quận trong Thành phố.

TS. Phạm Đình Dũng - Trưởng Ban Quản lý AHTP cho biết, công tác phối hợp đào tạo, tập huấn cho nông dân luôn được AHTP chú trọng. Các trung tâm trực thuộc AHTP thường xuyên phối hợp với Phòng Kinh tế các quận, huyện tổ chức các lớp đào tạo cho lao động nông thôn.

AHTP phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức 25 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại trên các đối tượng như rau ăn lá, rau ăn quả, nấm ăn và nấm dược liệu cho 700 lượt bà con nông dân.

Tại Lễ tôn vinh 24 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Thành phố năm 2023 mới đây, sản phẩm nước dưỡng hoa cho hoa tươi các loại của ông Lê Trung Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH Bambi Hana là 1 trong 26 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được tôn vinh.

Ông Lê Trung Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH Bambi Hana cùng với sản phẩm nước dưỡng hoa cho hoa tươi các loại cũng là học viên của Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: HG

Ông Lê Trung Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH Bambi Hana cùng với sản phẩm nước dưỡng hoa cho hoa tươi các loại cũng là học viên của Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: HG

Cùng với ông Hà Văn Lộc, ông Lê Trung Hiếu cũng là học viên của lớp đào tạo do Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đã khởi nghiệp thành công.

Ban Quản lý AHTP cũng thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân để triển khai các hoạt động chuyển giao các mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân, như mô hình nuôi cá chạch bùn trong bể cho hội viên nông dân Trịnh Văn Sướng ở xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ).

AHTP còn phối hợp với Phòng kinh tế, Hội Nông dân các huyện, quận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho các hộ dân trên địa bàn Thành phố. Có thể kể đến hàng loạt mô hình như chuyển giao cho ông Ngô Thanh Vinh ở xã Phạm Văn Cội (Củ Chi) về mô hình giống ớt lai F1 và rau ăn lá; chuyển giao cho HTX Nông Thuận Yến về quy trình trồng dưa lưới và mô hình sản xuất xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Cần Giờ...

Thông qua các mô hình chuyển giao này, các hộ nông dân được cán bộ nghiên cứu trực tiếp hướng dẫn, đào tạo.

"Kết quả, nhiều nông dân tiếp cận được với kỹ thuật canh tác mới, quy trình trồng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần phát triển nông nghiệp đô thị TP.HCM", ông Dũng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem