Phía sau bức ảnh nổi tiếng, làm thay đổi mọi góc nhìn về Trái Đất

Thứ ba, ngày 27/12/2022 12:00 PM (GMT+7)
Cách đây 54 năm, bức ảnh được chụp bởi phi hành gia William Anders trong sứ mệnh Apollo 8 đã thay đổi góc nhìn của nhân loại về Trái Đất.
Phía sau bức ảnh nổi tiếng nhất về Trái Đất - Ảnh 1.

Bức ảnh "Earthrise" được chụp vào ngày 24/12/1968 bởi phi hành gia trên chuyến bay Apollo 8. Ảnh: NASA.

Ngày 21/12/1968, phi hành gia Frank Borman, Jim Lovell và William Anders trở thành những người đầu tiên bay vòng quanh Mặt Trăng trên tàu vũ trụ Apollo 8.

Đây được xem là sứ mệnh mở đầu cho loạt chuyến bay tiếp theo với phi hành đoàn, đặc biệt là Apollo 11, sứ mệnh đánh dấu Neil Armstrong đặt chân xuống Mặt Trăng vào năm 1969.

Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, Apollo 8 còn ghi dấu với bức ảnh nổi tiếng "Trái Đất mọc" (Earthrise), chụp lại "hành tinh xanh" vào ngày 24/12/1968 dưới góc nhìn từ quỹ đạo quanh Mặt Trăng.

Bức ảnh biểu tượng về Trái Đất

Trước thời điểm đó, con người chưa từng nhìn Trái Đất ở khoảng cách hàng chục nghìn km. Bức ảnh cho thấy một phần bề mặt của Mặt Trăng, và Trái Đất nằm phía xa. Ngoài mảng màu nâu của châu Phi xích đạo, phần còn lại của hành tinh hầu hết có màu xanh và trắng.

Theo Business Insider, "Earthrise" là một trong những bức ảnh vũ trụ được sao chép nhiều nhất mọi thời đại. Hình ảnh xuất hiện trên tem thư, poster của Mỹ, được in lên bìa tạp chí Time vào năm 1969.

Điều thú vị khi "Earthrise" được chụp trong khuôn khổ Apollo 8, chuyến bay với mục tiêu nghiên cứu, chụp ảnh bề mặt Mặt Trăng.

"Trong những mục tiêu mà NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) đặt ra trước khi phóng, không ai nghĩ đến việc chụp ảnh Trái Đất từ quỹ đạo Mặt Trăng", nhà văn Robert Zimmerman viết trong cuốn sách Genesis: The Story of Apollo 8: the First Maned Flight to Another World.

Phía sau bức ảnh nổi tiếng nhất về Trái Đất - Ảnh 2.

Phi hành đoàn của Apollo 8, từ trái sang: Jim Lovell, William Anders và Frank Borman. Ảnh: NASA.

Bức ảnh do William Anders chụp trong lúc Apollo 8 quay vòng thứ 4 quanh quỹ đạo Mặt Trăng. Đó là thời điểm tàu vũ trụ thay đổi quỹ đạo, giúp các phi hành gia nhìn thấy Trái Đất "mọc" trên đường chân trời của Mặt Trăng.

Hình ảnh Trái Đất lọt thỏm giữa không gian đen thẳm cho thấy sự cô độc và mong manh của hành tinh. Từ đó, "Earthrise" truyền cảm hứng cho các phong trào bảo vệ môi trường.

Khoảnh khắc bức ảnh được ra đời

Trong cuộc phỏng vấn với BBC năm 2012, Anders thừa nhận bản thân ông và phi hành đoàn không chuẩn bị trước cho khoảnh khắc chụp lại "Trái Đất mọc".

"Tôi không biết ai thốt lên, có thể mọi người đã nói 'Chúa ơi. Nhìn kìa!' rồi chỉ về phía Trái Đất. Chúng tôi không thảo luận gì dưới mặt đất, không họp và cũng không được hướng dẫn về những việc phải làm.

Tôi nói đùa 'Điều đó không có trong kế hoạch chuyến bay', và 2 anh chàng kia yêu cầu tôi đưa ngay máy ảnh. Tôi giữ máy ảnh màu duy nhất với một ống kính dài, nên đưa một chiếc trắng đen cho Borman. Tôi không nhớ Lovell lấy chiếc nào. Tất cả hét lên đòi cầm máy ảnh, và chúng tôi chỉ chú tâm chụp lại", Anders chia sẻ.

Cựu phi hành gia NASA mô tả hình ảnh Trái Đất giống quả địa cầu đặt trong lớp học, nhưng không có đường phân chia ranh giới giữa các quốc gia. Dù vậy, Anders vẫn có thể nhìn và phân biệt các lục địa.

Phía sau bức ảnh nổi tiếng nhất về Trái Đất - Ảnh 3.

Bức ảnh trắng đen được Borman chụp ngay trước khi Anders ghi lại "Earthrise". Ảnh: NASA.

Ban đầu, Borman và Anders đều tự nhận chụp bức ảnh nổi tiếng. Phân tích sau đó cho thấy Borman là người đầu tiên muốn ghi lại "Trái Đất mọc", nhưng chỉ chụp bằng camera trắng đen. Người chụp lại "Earthrise" là Anders.

Dù không được ghi nhận là tác giả của "Earthrise", Borman và Lovell góp công lớn trong việc thúc giục Anders, người duy nhất trong phi hành đoàn sở hữu camera màu của Hasselblad để chụp lại bức ảnh.

"Phi hành gia giàu kinh nghiệm Frank Borman là người đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của bức ảnh, trong khi phi hành gia James Lovell dày dặn kinh nghiệm cũng đồng quan điểm. Tuy nhiên, tân binh William Anders chịu trách nhiệm chụp lại bức ảnh", Fred Spier, giảng viên Đại học Amsterdam (Hà Lan) viết trong một cuốn sách xuất bản năm 2012.

Theo Spier, Anders phải tuân theo kế hoạch chụp ảnh chặt chẽ và chi tiết, vốn dành rất ít, thậm chí không có chỗ cho những bức ảnh chụp ngoài kế hoạch. Dù Anders bấm chụp, sự ra đời của "Earthrise" là thành quả hợp tác của cả 3 phi hành gia trong sứ mệnh Apollo 8.

PV (Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem