Phong cách "quay xe" – kiểu điều hành thiếu tầm nhìn

Quảng Hà Thứ hai, ngày 22/11/2021 08:41 AM (GMT+7)
Chỉ trong vòng 2 ngày, TP.HCM ra một quyết định mở, rồi một quyết định đóng. Cũng chỉ trong 2 ngày, Hà Nội có một công điện "nhốt", và một công điện "thả". Cách điều hành kiểu "quay xe" liên tục khiến người dân chóng mặt.
Bình luận 0

Ngày 18/11, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký văn bản thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, spa, quán bar đến khi có thông báo mới. Lý do đưa ra là TP.HCM đánh giá dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trước đó chỉ mới chưa đầy 2 ngày, tối 16/11, TP.HCM ban hành quy định các biện pháp thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Quyết định này cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke, spa, làm đẹp, quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ được hoạt động ở cả 3 cấp độ dịch thấp nhất (có hạn chế lượng khách theo công suất tối đa, tùy vào cấp độ dịch).

Dựa trên đặc điểm hoạt động chủ yếu vào giờ buổi tối (như các quán karaoke, quán bar, vũ trường…), hầu hết các cơ sở mở cửa lại mới chỉ kịp hoạt động được 1 tối, trước khi có quyết định đóng cửa trở lại. 

Đóng cửa dừng hoạt động đã lâu, để mở cửa trở lại, các cơ sở này cần dọn dẹp vệ sinh toàn bộ, phun khử khuẩn phòng ốc thiết bị, vận hành lại hệ thống kỹ thuật, sửa chữa phần hư hỏng nếu có, trang hoàng cơ sở, nhập hàng hóa, gọi trở lại nhân viên đã tứ tán các nơi… Tất cả những việc đó đều tốn chi phí, và chỉ để được hoạt động trong vài giờ của một buổi tối. Không khó hình dung, chủ các cơ sở kinh doanh những loại hình dịch vụ trên đều… chưng hửng.

Lý do TP.HCM đưa ra cho việc dừng hoạt động các loại hình kinh doanh karaoke, spa, massage, vũ trường… là thành phố đánh giá diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Số ca bệnh nặng, số ca tử vong đang tăng, số ca mắc mới nhiều hơn số khỏi bệnh, người dân nhiều nơi chấp hành 5K không nghiêm.

Trước lý do này, không ai có thể phản bác. Tuy nhiên, dựa trên các số liệu do chính TP.HCM đưa ra, thì xu hướng tăng số ca nhiễm, ca bệnh nặng và tử vong đã diễn ra từ trước thời điểm 16/11 – tức là trước khi TP.HCM ban hành quy định các biện pháp thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Từ ngày 16/11 đến 18/11, diễn biến dịch bệnh vẫn theo chiều hướng tăng, tuy không có gì đột biến so với vài ngày trước đó, nhưng TP.HCM vẫn đưa ra một quyết định theo hướng ngược lại.

Phong cách "quay xe" – kiểu điều hành thiếu tầm nhìn - Ảnh 2.

Một phòng karaoke vừa dọn dẹp xong chuẩn bị đón khách. Ảnh Mỹ Quỳnh

Tôi không thể tin rằng, TP.HCM không cân nhắc đủ kỹ về tình hình dịch trước khi đưa ra quy định thích ứng linh hoạt. Và bởi vì diễn biến trong 2 ngày từ 16 đến 18/11 không đủ đột biến, nên chỉ có thể hiểu sự việc là: Trước cùng một thực tế, TP.HCM đã có 2 nhận định khác hẳn nhau, thể hiện ra bằng 2 biện pháp điều hành trái chiều. 

Khó khăn do cách điều hành này gây ra là hiển nhiên, nên đại diện chính quyền TP.HCM, ngày 18/11, phải nói: Chúng tôi mong người dân, doanh nghiệp đồng cảm, chia sẻ, đồng thuận với những quyết định khó khăn của Thành phố.  

Gần như trùng với khung thời gian nói trên, Hà Nội cũng có một động thái "quay xe" ngoạn mục không kém. Tối 16/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký công điện 23 về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, trong đó yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần với  người đã tiêm đủ liều vaccine, F0 đã khỏi bệnh về từ vùng có nguy cơ cấp độ 3, 4 và các tỉnh thành TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…

Quyết định này của Hà Nội gây nên phản ứng từ không ít người, gồm cả giới chuyên môn cho tới người dân. Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng: Hà Nội làm thế phải chăng vì lo tiêm 2 mũi vaccine và xét nghiệm không hiệu quả? Không ít người nhận xét, Hà Nội thực hiện biện pháp này thì không còn yếu tố "thích ứng an toàn với dịch", là sợ dịch quá mức.

Trong khi bộ máy chống dịch của Hà Nội còn đang khẩn trương triển khai chỉ đạo theo công điện 23, thì đùng một cái, ngày 18/11, Hà Nội có công điện 24, trong đó hủy biện pháp cách ly tại nhà với những người trong diện nêu ở công điện 23. Vậy là lại thêm một chỉ đạo chỉ tồn tại có 2 ngày đã hủy bỏ.

Nhìn lại thời gian qua, không ít lần các chỉ đạo, điều hành liên quan đến chống dịch Covid-19 ở Hà Nội được thay đổi vào phút chót, đến mức người dân gọi tên đó là "quay xe". Từ việc phân chia các vùng dịch, thời điểm mở cửa lại các hoạt động, lịch cho học sinh đi học, kiểm soát việc đi lại bằng giấy đi đường… 

Đành rằng các chủ trương và biện pháp điều hành phải căn cứ trên thực tế, khi thực tế thay đổi thì biện pháp quản lý điều hành cũng thay đổi theo, nhưng không ít lần, sự thay đổi trong điều hành của TP Hà Nội dường như đến từ những phản ứng mạnh của xã hội, của dư luận ngay sau khi chính quyền ban hành văn bản.

Mỗi biện pháp điều hành của chính quyền đều liên quan tới cuộc sống, tới quyền lợi thiết thân của người dân. Mỗi lần đột ngột "quay xe" là một lần người dân, doanh nghiệp, thậm chí chính hệ thống chính quyền phải khó khăn, chưa kể có thể thiệt hại tiền của. Không thể cứ xin lỗi và mong đồng cảm, rồi lại tiếp tục điều hành như đùa, thiếu tầm nhìn xa như vậy.

Nên chăng, đưa số lần "quay xe" vào thành một chỉ tiêu đánh giá năng lực chính quyền và lãnh đạo?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem