Bán nhà bằng hợp đồng “khống”, mất nhà thật?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 09/08/2023 11:44 AM (GMT+7)
Lập hợp đồng mua bán đất và nhà “khống” để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ 8 tỷ đồng, một gia đình ở quận Bình Tân - TP.HCM cho rằng mình bị chủ nợ giữ luôn gần 3.000 m2 đất (đất và nhà xưởng), với lý do hợp đồng bán nhà là thực chứ không phải “khống”.
Bình luận 0
Quận Bình Tân: Bán nhà bằng hợp đồng “khống”, mất nhà thật? - Ảnh 1.

Bên trong khu đất gần 3.000 m2 mà ông Nguyễn Hữu Chánh kiện đang bị chiếm giữ. Ảnh: Quốc Hải

Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Chánh (sinh năm 1957, ngụ quận 10, TP.HCM), cho hay gia đình ông là nạn nhân đang bị lợi dụng từ vay tài sản bị cưỡng ép thành hợp đồng mua bán nhà đất, để đảm bảo cho khoản tiền 8 tỷ đồng.

"Hiện nay, gia đình tôi đang bị chủ nợ chiếm giữ tài sản, dù gia đình khẩn thiết yêu cầu được trả khoản nợ vay và xin nhận lại tài sản đang thế chấp", ông Chánh nói.

Làm hợp đồng bán nhà và đất "khống" để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ?

Theo trình bày của ông Chánh, năm 2013, vợ chồng ông nhiều lần vay tiền của ông Lê Tấn Đạt (địa chỉ 95/65A Lê Tấn Bê, P.An Lạc, Q.Bình Tân), tổng số tiền trên 3 tỷ đồng, với hình thức cho vay nặng lãi. Đến ngày 2/8/2015, ông Đạt tổng hợp số tiền gốc và lãi vợ chồng Chánh còn thiếu thành 8 tỷ đồng.

Để đảm bảo ông Chánh phải có nghĩa vụ trả nợ, ông Đạt cùng gia đình ông Chánh viết Hợp đồng bán nhà và đất tại địa chỉ  95/66 Lê Tấn Bê, P.An Lạc, quận Bình Tân cho ông Đạt, với số tiền là 12,5 tỷ đồng.  

Theo ông Chánh, ngay sau khi ký hợp đồng, gia đình ông đã giao đất và nhà xưởng tại địa chỉ trên cho ông Đạt sử dụng. Tại thời điểm này, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP An Bình, để đảm bảo khoản vay là 2,4 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận, ông  Đạt được sử dụng  diện tích đất và xưởng tại địa chỉ trên và không phải trả cho ông Chánh tiền thuê đất và xưởng. Khi nào gia đình ông Chánh có đủ tiền trả nợ cho ông Đạt, thì ông Đạt sẽ giao trả đất và xưởng lại.

"Do Hợp đồng bán nhà và đất trên chỉ nhằm mục đích đảm bảo khoản tiền nợ vay, chứ không phải mua bán thật sự, nên chúng tôi không thực hiện việc công chứng", ông Chánh nói thêm.

Đến tháng 11/2018, ông Chánh có thỏa thuận lại với gia đình ông Đạt cùng đến Ngân hàng An Bình để chuộc lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thế chấp hợp pháp đất và xưởng cho ông Đạt. Tại đây, ông Đạt và Ngân hàng TMCP An Bình đã ký hợp đồng mua bán nợ số 66/2018/HĐMBN/ABBANK-CANHAN-LTĐ ngày 7/11/2018.

Sau khi lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về, từ ngày 16/2/2019, ông Đạt đã đăng ký tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Bình Tân với nội dung thay đổi bên nhận thế chấp mới là ông Lê Tấn Đạt, chính thức thừa nhận giữa gia đình ông Chánh và ông Đạt không liên quan đến hợp đồng mua bán nhà đất,  mà chỉ là vay tài sản.

Quận Bình Tân: Bán nhà bằng hợp đồng “khống”, mất nhà thật? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Chánh cùng vợ kiện ông Lê Tấn Đạt chiếm giữ tài sản nhà đất của gia đình mình. Ảnh: Quốc Hải

"Như vậy, tổng số tiền tôi đang nợ ông Đạt là 8 tỷ đồng theo hợp đồng mua bán nhà và đất (ngày 2/8/2015) và số tiền ông Đạt đã mua nợ tại Ngân hàng An Bình để thực hiện việc thế chấp tài sản là 3,8 tỷ đồng. Tổng cộng hai khoản là 11,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, nay tôi muốn trả nợ để lấy lại tài sản thì ông Đạt không chịu giao trả", ông Chánh trình bày.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, sau thời gian dài không đòi được tài sản, gia đình ông Chánh kiện ông Lê Tấn Đạt ra Tòa án Nhân dân quận Bình Tân, và vụ việc được Tòa thụ lý theo vụ án dân sự số 97/2022/TLST-DS ngày 14/4/2022, về việc "Tranh chấp Hợp đồng vay tài sản và Hợp đồng mua bán nhà".

Nhiều bất thường quanh bản hợp đồng mua bán nhà đất

Liên quan đến vụ việc này, mới đây Tòa án Nhân dân quận Bình Tân đã tổ chức buổi đối chất giữa gia đình ông Nguyễn Hữu Chánh và ông Lê Tấn Đạt, quanh bản Hợp đồng bán nhà và đất tại  địa chỉ  95/66 Lê Tấn Bê, P.An Lạc, quận Bình Tân.

Nội dung đối chất xoay quanh hai vấn đề: Giữa ông Chánh và ông Đạt là ký hợp đồng mua bán nhà và đất, hay là hợp đồng vay tài sản? Và, ông Chánh có bàn giao nhà và đất theo hợp đồng mua bán ngày 2/8/2015 cho ông Đạt hay không?

Tại phiên đối chất, ông Lê Tấn Đạt khẳng định từ trước đến nay ông không cho ông Chánh vay tiền lần nào, giữa hai bên không có quan hệ vay tiền.

Ông Đạt cho hay tháng 8/2015, ông Chánh muốn bán nhà và đất tại địa chỉ 95/66 Lê Tấn Bê, P.An Lạc, quận Bình Tân, nên ông đã trả 12,5 tỷ đồng. 

Ngày 2/8/2015, ông Đạt thanh toán đợt 1 cho ông Chánh là 6 tỷ đồng, đến ngày 2/1/2016 thì thanh toán đợt 2 là 2 tỷ đồng. Khi đó, căn nhà số 95/66 Lê Tấn Bê đang bị thế chấp tại Ngân hàng An Bình, nên ông phải đồng ý mua nợ của ông Chánh tại Ngân hàng An Bình, để giải chấp căn nhà với số tiền 3,8 tỷ đồng.

Khoản tiền còn lại 700 triệu đồng (theo hợp đồng mua bán nhà đất - PV), ông Đạt cho hay đã trả nợ giúp ông Chánh 350 triệu đồng (tiền ông Chánh nợ bà Trương Thị Tuyết Hồng) và trả nợ phí luật sư cho ông Chánh 300 triệu đồng.

Quận Bình Tân: Bán nhà bằng hợp đồng “khống”, mất nhà thật? - Ảnh 3.

Khu nhà và đất tại địa chỉ 95/66 Lê Tấn Bê, P.An Lạc, quận Bình Tân. Ảnh: Quốc Hải

Đại diện Tòa án Nhân dân quận Bình Tân, Thẩm phán Phan Đình Hội, đặt vấn đề: Hai bên có thỏa thuận số tiền trên hợp đồng mua bán nợ sẽ là tiền thanh toán hợp đồng mua bán nhà đất ngày 2/8/2015 hay không?

Trả lời vấn đề này, ông Đạt cho rằng đây chỉ là thỏa thuận miệng giữa hai bên. Trong khi đó, ông Chánh cho rằng không có việc mua bán nhà, nên không có thỏa thuận này.

Phía Tòa án Nhân dân quận Bình Tân tiếp tục đặt hàng loạt vấn đề, như ông Đạt cho rằng đang cho ông Chánh ở nhờ trong căn nhà trên (số 95/66 Lê Tấn Bê), có văn bản gì chứng minh? Ông Đạt trả lời chỉ thỏa thuận miệng cho ông Chánh ở nhờ. 

Trong khi phía ông Chánh khẳng định, do mình không bán nhà cho ông Đạt, nên không giao nhà cho ông Đạt.

Càng kịch tính hơn, phía Tòa án chất vấn vì sao mua nhà với số tiền hơn 12,5 tỷ đồng mà không đi công chứng, thậm chí biết nhà đất này còn đang bị Chi Cục thi hành án dân sự quận Bình Tân phong tỏa kê biên (do vướng đến một vụ án dân sự khác), ông Đạt cho hay có biết tất cả thông tin này, Nhưng do ông "quen biết thân tình" với ông Chánh nên mới "giúp đỡ" khi ông Chánh cần bán nhà.

Luật sư Nguyễn Kim Dung, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Kim Dung (tỉnh Đồng Nai), cho hay xem xét hồ sơ vụ án, có thể thấy nếu hai bên thực hiện mua bán theo hợp đồng rồi thì phải ra công chứng.

Nhưng thời điểm này, căn nhà đang bị thế chấp tại Ngân hàng An Bình, thế nên sau khi ông Đạt và ông Chánh đã lấy được giấy tờ nhà đất từ Ngân hàng An Bình, thì lẽ ra hai bên phải tiến hành công chứng cho hợp pháp.

Khi đã lấy giấy tờ thế chấp ra khỏi ngân hàng, nếu còn vướng thi hành án thì hai bên phải có thỏa thuận riêng. Nghĩa là khi ông Chánh giải quyết thi hành án rồi thì khi ra công chứng, nợ nần gì sẽ ghi rõ ràng cho hai bên, nhưng cả hai bên đều không làm thủ tục này.

Thậm chí chính ông Đạt còn đi đăng ký tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Bình Tân, với nội dung thay đổi bên nhận thế chấp mới là chính ông Đạt.

"Việc chuyển từ hợp đồng chuyển nhượng thành hợp đồng vay có thế chấp là tự nguyện của hai bên, nên từ thời điểm ông Đạt đăng ký tại Văn phòng Đăng ký đất đai với nội dung thay đổi Bên nhận thế chấp mới, thì Hợp đồng chuyển nhượng đã không còn hiệu lực.

Do đó, các bên có nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng vay tài sản có thế chấp theo thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên tại ngân hàng và tại văn phòng đăng ký đất đai", LS Nguyễn Kim Dung nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem