Quốc lộ 13: Động lực bứt phá của Bình Dương từ quá khứ đến tương lai

Nguyễn Vy Thứ năm, ngày 17/11/2022 15:55 PM (GMT+7)
Quốc lộ 13, động lực phát triển của Bình Dương sẽ được nâng lên một giá trị mới sau khi hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng. Quốc lộ 13 sẽ mang đến cho Bình Dương một diện mạo mới và đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện vùng Đông Nam Bộ.
Bình luận 0

Trục giao thông huyết mạch của kinh tế, xã hội Bình Dương

Quốc lộ 13 hình thành từ thời Pháp thuộc, vốn đã là trục đường chiến lược về kinh tế và chính trị xuyên Đông Dương.

Khi thành lập tỉnh Bình Dương (năm 1997), Quốc lộ 13 có bề rộng mặt đường từ 5-7 mét, chỉ đủ cho 2 làn xe ngược chiều. Nhiều đoạn bị hư hỏng, đi lại khó khăn, gây e ngại cho nhà đầu tư dù Bình Dương đã "trải chiếu hoa, thảm đỏ" mời gọi.

Quốc lộ 13 thuộc quản lý của Trung ương. Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nên đến năm 1997, vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào của Bộ Giao thông để nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13.

Quốc lộ 13 là trục giao thông huyết mạch của kinh tế, xã hội Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Vy

Quốc lộ 13 là trục giao thông huyết mạch của kinh tế, xã hội Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Vy

Ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư thường  trực Tỉnh ủy Bình Dương nhớ lại, yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá địa phương, cùng với sự thôi thúc của các vận hội mới không cho phép Bình Dương ngồi im chờ đợi. Bình Dương cần có một trục đường chiến lược để phát triển kinh tế xã hội. Quốc lộ 13 được lựa chọn và Bình Dương cần nhanh chóng khai thông, sử dụng mọi tiềm năng phát triển tuyến đường này.

Khi đó, Bình Dương đã mạnh dạn xin phép Chính phủ, thuyết phục Bộ Giao thông Vận tải cho phép được nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13.

Năm 1998, UBND tỉnh Bình Dương giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp TNHH MTV – Becamex IDC thực hiện dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 13 theo phương thức BOT.

Ròng rã suốt nhiều năm nâng cấp Quốc lộ 13, và hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đường bộ toàn tỉnh, Bình Dương như một đại công trường nhộn nhịp.

Các địa phương đã làm tốt công tác vận động quần chúng, nhất là trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện tốt các công đoạn kỹ thuật xây dựng, bảo đảm chất lượng công trình.

Đến năm 2008, Quốc lộ 13 đã được nâng cấp, mở rộng hoàn chỉnh. Con đường được nhân dân trong và ngoài tỉnh đón nhận, biểu dương như là một công trình giao thông tiêu biểu về chất lượng xây dựng cao, phương thức thi công nhanh, gọn gàng, không gây phiền hà người dân. Cũng từ đó, Quốc lộ 13 đã trở thành Đại lộ Bình Dương, ông Thao kể.

Quốc lộ 13, đoạn qua TP.Thuận An tiếp giáp TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Vy

Quốc lộ 13, đoạn qua TP.Thuận An tiếp giáp TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Vy

Quốc lộ 13 như một trục chính của dòng chảy đầu tư, được kết nối với hệ thống các đường xương cá 2 bên, kết nối tiện lợi với hệ thống các cung đường trong các KCN.

Đáng lưu ý là trong giai đoạn này, tỉnh Bình Dương đã có ý thức kết nối hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh với các tuyến giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Phó Bí thư Nguyễn Hoàng Thao, bài học quan trọng được rút ra chính là tầm nhìn, nhận thức và hành động đột phá của Bình Dương khi đã quyết định chọn đầu tư toàn diện Quốc lộ 13, hình thành trục phát triển chiến lược của tỉnh.

Người dân đồng thuận nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13

Suốt một thời gian dài, Quốc lộ 13 trở thành trục giao thông xương sống, kết nối Bình Dương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Quốc lộ 13 giúp Bình Dương trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao, dân số cơ học ngày càng gia tăng đã dẫn đến tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông thường xuyên trên Quốc lộ 13. Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của Bình Dương trong thu hút đầu tư cũng như gây lãng phí cho xã hội.

Trong khi đó, tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương được xác định là 1 trong 4 chương trình đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Vì vậy, việc triển khai dự án đầu tư cải tạo mở rộng Quốc lộ 13 là vô cùng cấp bách.

Tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông thường xuyên trên Quốc lộ 13 trong giờ cao điểm. Ảnh: Nguyễn Vy

Tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông thường xuyên trên Quốc lộ 13 trong giờ cao điểm. Ảnh: Nguyễn Vy

Ông Nguyễn Văn Hòa ở phường Thuận Giao (TP.Thuận An) có thửa đất rộng 2.000m2 trên Quốc độ 13. Nhiều năm nay, ông xây dựng những căn nhà cấp 4 để cho các hộ dân thuê để buôn bán, kinh doanh.

Khi Bình Dương thực hiện dự án giải phóng mặt bằng công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, thửa đất của ông Hòa, nằm trong diện giải tỏa với diện tích hơn 430m2.

Căn cứ theo đơn giá đất được UBND tỉnh phê duyệt (hơn 22,2 triệu đồng/m2), ông Hòa nhận được hơn 11 tỷ đồng tiền đền và hỗ trợ di dời. Ông cảm thấy rất phấn khởi, đồng tình cao với chủ trương nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 và giá đền bù do tỉnh đề ra.

Ngụ cùng phường Thuận Giao, ông Phan Văn Hai có diện tích đất trên Quốc lộ 13 rộng 900m2. Sau quy hoạch, diện tích còn lại của ông là 600m2.

Ông Hai cho biết, dù đã được đầu tư nâng cấp lên 6 làn xe khá lâu nhưng nhiều năm trở lại đây, tuyến đường này đã trở nên quá tải.

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 nhận được sự đồng tình rất lớn của người dân. "Bà con chỉ mong dự án thi công nhanh và đưa vào sử dụng trong thời gian gần nhất", ông Hai nói.

Người dân Bình Dương đồng thuận phương án đền bù giải tỏa để thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. Ảnh: Nguyễn Vy

Người dân Bình Dương đồng thuận phương án đền bù giải tỏa để thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. Ảnh: Nguyễn Vy

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và Tổng công ty Becamex IDC, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân, doanh nghiệp dọc 2 bên tuyến đường trong công tác bồi thường, giải tỏa; cuối tháng 4/2022, dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 chính thức động thổ.

Quốc lộ 13 tiếp tục tạo động lực mới để Bình Dương bứt phá

Không những là tuyến đường lưu thông quan trọng, Quốc lộ 13 còn hội tụ tất cả những dịch vụ tiện ích cần thiết cho cuộc sống thường nhật của người dân Bình Dương.

Quốc lộ 13 tập trung đầy đủ từ địa điểm vui chơi giải trí, mua sắm như Trung tâm thương mại Becamex, siêu thị BigC, Aeon Mall đến chuỗi các ngân hàng, nhà hàng, cũng như kết nối đến hầu hết các KCN trên địa bàn tỉnh.

Việc nâng cấp Quốc lộ 13 sẽ góp phần chỉnh trang đô thị TP.Thuận An theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: Nguyên Vỹ

Việc nâng cấp Quốc lộ 13 sẽ góp phần chỉnh trang đô thị TP.Thuận An theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: NguyỄn VY

TP.Thuận An là địa bàn mà phần lớn tuyến Quốc lộ 13 đi ngang qua. Trước yêu cầu mới của sự phát triển, việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường này để khắc phục tình trạng kẹt xe, ngập cục bộ là yêu cầu cần thiết.

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho biết, việc nâng cấp Quốc lộ 13 sẽ góp phần chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Tuyến đường được mở rộng cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thành phố trong việc phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, nâng cao đời sống người dân.

TP.Thuận An đã và đang xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư đến địa bàn đầu tư ven trục Quốc lộ 13. "Thành phố tập trung thu hút đầu tư ở các lĩnh vực dịch vụ cao cấp, chất lượng cao và phát triển đô thị để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho nhân dân và người lao động trên địa bàn", ông Tâm nói.

Dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 trên địa bàn TP.Thuận An. Ảnh: Nguyễn Vy

Dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 trên địa bàn TP.Thuận An. Ảnh: Nguyễn Vy

Theo ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, một hiệu quả rõ nét khác mà tuyến đường mang lại là góp phần hoàn thành chủ trương đưa công nghiệp về phía Bắc.

TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng, nơi có Quốc lộ 13 đi qua hiện đã hình thành được nhiều KCN có quy mô lớn, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất kinh doanh.

Như thế, Quốc lộ 13 là trục giao thông quan trọng nhất trong kết nối hạ tầng, làm động lực cho việc phát triển theo định hướng đưa công nghiệp lên phía Bắc, phát triển đô thị ở phía Nam; và kết nối linh hoạt, hiệu quả hệ thống KCN của Bình Dương với sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn.

Theo Phó Bí thư, Bình Dương đang tích cực, chủ động phối hợp với các tỉnh trong khu vực xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng, như đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành...

Trong đó, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 13 không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Bình Dương mà còn phục vụ cho nhu cầu của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

"Dự án sau khi hoàn thành chắc chắn sẽ mang đến cho Bình Dương một diện mạo mới, khang trang, hiện đại, có sức lan tỏa lớn và đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện của toàn vùng Đông Nam Bộ"

Ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem