Quy trình cấp Thẻ nhà báo khác gì với Thẻ luật sư?

Phi Long Thứ bảy, ngày 02/03/2024 18:23 PM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh đã chỉ rõ Quy trình cấp Thẻ nhà báo và Thẻ luật sư khi trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0

Theo Luật sư Hoàng Anh Sơn, nghề nhà báo và luật sư đều là những nghề cao quý, nghề được Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật ghi nhận, khẳng định; là những người góp phần tích cực bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý kinh tế – xã hội theo pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống...

Quy trình cấp Thẻ nhà báo khác gì với Thẻ luật sư?- Ảnh 1.

Quy trình cấp Thẻ nhà báo khác gì với Thẻ luật sư ?

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù riêng từng ngành nên quy trình để được cấp Thẻ nhà báo và Thẻ luật sư hoàn toàn khác nhau, cụ thể như sau:

Đối với nhà báo:

1. Điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp Thẻ nhà báo Theo quy định tại Điều 27 Luật Báo chí 2016:

* Trường hợp quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 26 của Luật Báo chí 2016 phải đáp ứng những điều kiện và tiêu chuẩn:

Người công tác tại cơ quan báo chí quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 26 của Luật này được xét cấp Thẻ nhà báo phải bảo đảm các điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:

+ Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;

+ Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; trường hợp là người dân tộc thiểu số đang thực hiện các ấn phẩm báo in, chương trình phát thanh, truyền hình, chuyên trang của báo điện tử bằng tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên;

+ Đối với trường hợp cấp Thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp Thẻ từ 02 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp Thẻ, trừ Tổng Biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật;

+ Được cơ quan báo chí hoặc cơ quan công tác đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Cũng theo LS. Hoàng Anh Sơn, trường hợp theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 cần có những điều kiện và tiêu chuẩn:

Những trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 26 của Luật này được xét cấp Thẻ nhà báo phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại các Điểm a, b và d Khoản 1 Điều này và phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn sau đây:

+ Là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

+ Có ít nhất mười hai tác phẩm báo chí đã được phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong 01 năm tính đến thời điểm xét cấp thẻ;

+ Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương từ 02 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ;

+ Được đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị cấp Thẻ nhà báo.

Về trình tự xin cấp Thẻ nhà báo:

Người đứng đầu cơ quan đề nghị cấp Thẻ nhà báo duyệt hồ sơ đề nghị cấp Thẻ nhà báo cho những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong cơ quan mình và chịu trách nhiệm về toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp Thẻ nhà báo.

Cơ quan đề nghị cấp Thẻ nhà báo gửi hồ sơ đề nghị cấp Thẻ nhà báo (bao gồm cả bản khai điện tử) trước ngày 01 tháng 11 và ngày 21 tháng 4 hàng năm và trước 120 ngày tính đến thời điểm Thẻ nhà báo hết thời hạn sử dụng được quy định trên thẻ đến các cơ quan:

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ xét cấp Thẻ nhà báo đối với hồ sơ và danh sách đề nghị cấp Thẻ nhà báo hợp lệ và trực tiếp trao thẻ cho đại diện cơ quan báo chí ở trung ương và chuyển Thẻ nhà báo đến Sở Thông tin và Truyền thông để trao cho cơ quan báo chí ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quy trình cấp Thẻ nhà báo khác gì với Thẻ luật sư?- Ảnh 2.

LS. Hoàng Anh Sơn cho biết, Thẻ Luật sư có giá trị không thời hạn còn Thẻ nhà báo có thời hạn 5 năm cấp đổi mỗi lần

LS Sơn cũng cho biết, Thẻ luật sư có giá trị không thời hạn, được đổi khi luật sư chuyển Đoàn luật sư hoặc khi bị mất, hỏng. Còn Thẻ nhà báo thì hiện tại được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp có thời hạn 5 năm cấp đổi mỗi lần.

Đối với luật sư:

Theo Điều 11 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 điều kiện hành nghề luật sư bao gồm:

Có đủ tiêu chuẩn của luật sư: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư.

- Phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư;

- Phải gia nhập một Đoàn luật sư.

Để có chứng chỉ hành nghề luật sư:

+ Phải đăng ký tham gia khoá đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp trong thời gian 12 tháng và được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư, trừ trường hợp được miễn theo Điều 13 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012.

+ Tập sự tại các văn phòng, công ty luật trong thời gian 12 tháng.

Tuy nhiên, nếu thuộc Điều 15 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 sẽ được giảm hoặc miễn tập sự hành nghề luật sư.

+ Kiểm tra kết thúc tập sự để được cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Lưu ý: Người được miễn tập sự hành nghề luật sư thì không phải thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

+ Gửi hồ sơ đề nghị Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Hồ sơ để đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư hay còn gọi là Thẻ luật sư gồm: Đơn đề nghị cấp Thẻ luật sư; Phiếu lý lịch tư pháp; Giấy khám sức khoẻ; Bằng cử nhân luật hoặc bằng thạc sĩ luật (bản sao); Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư (bản sao).

Thủ tục gia nhập Đoàn luật sư

Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư để được cấp Thẻ luật sư.

Trình tự gia nhập Đoàn luật sư được quy định như sau:

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, ra quyết định về việc gia nhập Đoàn luật sư;

Nếu người nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật Luật sư 2006 thì Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư từ chối việc gia nhập và thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định tại Điều 87 Luật Luật sư 2006.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp Thẻ luật sư cho người gia nhập Đoàn luật sư.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem