Rodrigo De Paul: Bố mẹ ly dị, học bóng đá cùng ông nội và "lá phổi" của ĐT Argentina

Đông Hưng Chủ nhật, ngày 18/12/2022 18:40 PM (GMT+7)
HLV Herve Renard khẳng định, muốn ngăn chặn Lionel Messi tỏa sáng, thì cần phải gây sức ép lên Rodrigo De Paul - "lá phổi" nơi tuyến giữa ĐT Argentina. Rõ ràng, nhà cầm quân người Pháp này đánh giá rất cao tiền vệ thuộc biên chế Atletico Madrid.
Bình luận 0

Tuổi thơ nghèo bên mẹ và ông bà nội

Rodrigo Xavier De Paul được sinh ra vào ngày 24 tháng 5 năm 1994 tại thành phố Sarandí, Argentina. Mẹ của anh là Monica Ferrarotti, còn bố là Roberto De Paul. De Paul là con út trong gia đình có 3 anh em trai. 

Rodrigo De Paul: Bố mẹ ly dị, học bóng đá cùng ông nội và "lá phổi" của ĐT Argentina - Ảnh 1.

Rodrigo De Paul khi còn nhỏ.

Ở một đất nước mà rất nhiều gia đình cũng như trẻ em coi bóng đá như một con đường thoát nghèo, De Paul không ngoại lệ. Ngay từ khi 3 tuổi, cậu nhóc đã bị ám ảnh bởi bóng đá. Lớn lên một chút, De Paul bắt đầu chuyến thám hiểm của mình bằng cách chơi bóng đá đường phố với bạn bè. Ban đầu, cậu thường bị buộc phải bắt gôn - vị trí mà bản thân rất ghét, nhưng sau đó, anh chàng chuyển từ vị trí thủ môn sang chơi ở vị trí tiền vệ.

Trong số 3 anh em, chỉ có Rodrigo De Paul là thực sự đam mê với bóng đá, hai ông anh Damian và Guido De Paul thì lại có những sở thích khác. Nhận ra tiềm năng của Rodrigo De Paul, ông nội của cậu - Osvaldo De Paul, một CĐV trung thành của CLB Racing Club, đã quyết định tự mình dạy dỗ cháu nội. Hàng ngày, ông Osvaldo bỏ ra nhiều giờ để hướng dẫn Rodrigo tập luyện cũng như trau dồi những kỹ năng chơi bóng. 

Rodrigo De Paul: Bố mẹ ly dị, học bóng đá cùng ông nội và "lá phổi" của ĐT Argentina - Ảnh 2.

Ông nội là người có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp chơi bóng của Rodrigo De Paul.

Thậm chí ngay cả khi bố mẹ của Rodrigo De Paul ly hôn, 3 anh em về ở với mẹ, còn bố lấy vợ khác, thì ông Osvaldo vẫn luôn quan tâm hết mực đến con đường chơi bóng của đứa cháu nội tài năng. Chính ông là người đã hướng Rodrigo De Paul gia nhập lò đào tạo trẻ Racing Club và hỗ trợ một phần chi phi học tập tại đây, giúp bà Monica vơi bớt đi gánh nặng.

Bà Monica là một phụ nữ mạnh mẽ, làm công việc quản lý trong một công ty giày da ở địa phương, vậy nên bà vẫn có thể kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống và lo ăn học cho 3 cậu con trai. Đối với việc Rodrigo De Paul muốn trở thành cầu thủ bóng đá, bà luôn ủng hộ hết mình và tạo mọi điều kiện cho cậu nhóc có thể thỏa giấc mơ...

Cú sốc châu Âu

Sau 10 năm ăn tập tại Racing Club, Rodrigo De Paul được đôn lên đội 1 vào năm 2012 và nhanh chóng tạo dấu ấn. Mùa 2012/2012, chàng tiền vệ cao 1m80 này ra sân tổng cộng 20 trận và ghi 2 bàn thắng. Mùa tiếp theo, ông góp mặt trong 37 trận của "La Academia" và có cho mình 4 bàn thắng.

Những màn diễn chói sáng trong màu áo Racing Club giúp Rodrigo De Paul lọt vào "mắt xanh" của Valencia và 1 bản hợp đồng trị giá 6 triệu euro kèm thỏa thuận kéo dài 5 năm đã được  ký kết vào mùa hè 2014. Thế nhưng ngay trận ra mắt, Rodrigo De Paul đã trải qua một cú sốc cực lớn. Phút 66 của trận đấu, tức chỉ đúng 64 giây sau khi được tung vào sân, tiền vệ người Argentina này đã phải nhận thẻ đỏ sau tình huống đánh vào mặt Aleix Vidal của Sevilla.

Rodrigo De Paul: Bố mẹ ly dị, học bóng đá cùng ông nội và "lá phổi" của ĐT Argentina - Ảnh 3.

Rodrigo De Paul chụp ảnh cùng mẹ.

Thẻ đỏ chóng vánh khiến Rodrigo De Paul mất điểm trong mắt Ban huấn luyện, đồng đội cũng như CĐV Valencia. Hệ quả, tháng 1/2016, Rodrigo De Paul bị gửi trở lại Racing Club theo dạng cho mượn 1 năm. Rất may là sau đó, Udinese đã dang tay "giải cứu". Đội bóng Italia chiêu mộ Rodrigo De Paul theo một bản hợp đồng không được tiết lộ mức phí chuyển nhượng.

Gia nhập Udinese, Rodrigo De Paul "như cá gặp nước" và đã trải qua 5 mùa giải rất thành côn tại đội bóng này, trước khi quyết định gia nhập Atletico Madrid vào mùa hè 2021 với giá chuyển nhượng lên tới 35 triệu euro. Giờ đây, Rodrigo De Paul đã trở thành một trong những tiền vệ trung tâm hàng đầu thế giới và là "lá phối" của ĐT Argentina.

Người "cận vệ" của Lionel Messi

Thời gian qua, mạng xã hội tràn ngập những giả thuyết về việc Rodrigo De Paul đóng vai trò “cận vệ” cho Messi, người chống đỡ cho La Pulga cả về mặt chiến thuật lẫn thể chất. Tương tự ông thầy HLV Diego Simeone trước đây ở ĐT Argentina, Rodrigo De Paul là “chúa tể hắc ám”, “đồ tể thi hành án”, chỉ khác là tiền vệ này luôn ở cạnh Messi.

“Tôi luôn quan tâm đến Leo, và tôi biết anh ấy cũng quan tâm đến tôi”, Rodrigo De Paul chia sẻ trước thềm World Cup 2022 khi có những nhận xét anh là "cận vệ" của Messi ở ĐT Argentina. “Ngoài sân cỏ, chúng tôi thân thiết vì chúng tôi vui vẻ với nhau. Chúng tôi là bạn. Và tôi có nhiều khoảng thời gian hạnh phúc bên người bạn của mình”.

Rodrigo De Paul: Bố mẹ ly dị, học bóng đá cùng ông nội và "lá phổi" của ĐT Argentina - Ảnh 4.

Lionel Messi như người "Cận vệ" của Messi tại ĐT Argentina.

Lionel Messi từ lâu đã là thần tượng của cả đất nước Argentina. La Pulga là biểu tượng của hy vọng. Siêu sao, huyền thoại bất tử, thiên tài duy nhất có khả năng đưa Albiceleste vô địch World Cup lần thứ ba. Mọi thứ đều xoay quanh anh.

Thật vậy, một trong lý do đầy phấn khích của người hâm mộ khi Albiceleste đến Qatar là viễn cảnh rằng, cuối cùng, Argentina cũng có thể trao cây quyền trượng cho Messi. Chức vô địch Copa America năm ngoái như sự minh oan và La Pulga được kích hoạt.

“Leo đã có một kỳ Copa America ấn tượng”, De Paul nói thêm trong sự hào hứng đặc trưng. “Chúng tôi đã xem số liệu thống kê thông qua Instagram và anh ấy dẫn đầu trong mọi chỉ số: Kiến tạo, ghi bàn, kiếm quả phạt, rê bóng, dứt điểm trúng khung thành”.

“Vào buổi sáng ngày diễn ra trận chung kết Copa America, khi tôi gặp người đồng đội đầu tiên, tôi đã nói với anh ta: “Cậu biết không, nếu hôm nay chúng ta thua ở Maracana, đây có thể là trận đấu cuối cùng của anh ấy”. Mọi thứ trong tôi quay cuồng, không hiểu là lo lắng hay sợ hãi, tôi cứ bước lẩn thẩn quanh phòng. Và tôi thấy anh ấy hoàn toàn điềm tĩnh. “Nếu anh ấy như vậy thì tôi cũng phải bình tĩnh”, tôi nghĩ”.

Có thể nói rằng, De Paul có trách nhiệm mang đến cho Messi những gì siêu sao này muốn hơn bất kỳ cầu thủ nào khác tại đội tuyển Argentina. Vai trò của tiền vệ đang khoác áo Atletico Madrid tại Albiceleste đơn giản và không thỏa hiệp là hỗ trợ Messi hết cỡ.

Rodrigo De Paul: Bố mẹ ly dị, học bóng đá cùng ông nội và "lá phổi" của ĐT Argentina - Ảnh 5.

Messi và De Paul bên chiếc cúp vô địch Copa America 2021.

“El Pequeno (cậu nhỏ - cách De Paul gọi Messi) là chàng trai rất đỗi giản dị”, De Paul cười. “Anh ấy cảm thấy đang ở một nơi anh ấy có thể là Leo chứ không phải Messi. Chúng tôi dậy rất sớm và luôn uống mate (một loại trà đặc trưng ở Nam Mỹ). Chúng tôi có thói quen: Leo Papu (Gomez) và tôi bắt đầu, sau đó Fideo (Di Maria) xuất hiện, rồi Lea (Paredes) và Gio (Lo Celso) và đến Nico Otamendi. Nếu bạn dậy sớm hơn, bạn phải làm một cái gì đó khác. Luôn theo thứ tự như vậy”.

"Lá phổi" của ĐT Argentina

Trong 3 trận vòng bảng World Cup 2022, De Paul đã di chuyển nhiều hơn bất cứ cầu thủ Argentina nào khác. Anh di chuyển tổng cộng 52km, gấp đôi Messi (26,8km). Trong trận đấu then chốt với Mexico, De Paul đã di chuyển tới 17,6km, cao nhất cả đội.

Sự cần mẫn của De Paul đặc biệt phù hợp với cấu trúc đội hình Argentina, vì tiền vệ này có xu hướng hoạt động gần Messi, người đi bộ nhiều nhất World Cup.

Bàn thắng thứ hai của Argentina trong trận đấu với Australia là điển hình cho phong cách của De Paul. Australia triển khai bóng từ sân nhà, De Paul “săn bóng” từ hậu vệ trái đến trung vệ rồi tới thủ môn. Pha gây áp lực nước rút của tiền vệ này khiến thủ thành Mat Ryan phạm sai lầm, Julian Alvarez đoạt bóng và ghi bàn. Trong khoảng thời gian ấy, Messi hoàn toàn tĩnh lặng, dù cách “điểm nóng” không xa.

Rodrigo De Paul: Bố mẹ ly dị, học bóng đá cùng ông nội và "lá phổi" của ĐT Argentina - Ảnh 6.

De Paul giống như "lá phổi" của ĐT Argentina.

Tóm lại, De Paul thực hiện những cú va đập để giữ cho Messi không bị tổn thương. Sự đối lập về vai trò và phong cách giữa De Paul và Messi phản ánh rõ qua pha bóng.

“Rất nhiều tình huống, những phân tích tôi thực hiện trên sân là để cố giúp cho anh ấy… đỡ phải chạy”, De Paul cho biết. “Như vậy, anh ấy ít bị bào mòn hơn và có nhiều không gian hơn để chơi bóng. Đó là điều tôi luôn nghĩ trong đầu suốt cả trận đấu. Vì thế, sự giao tiếp giữa tôi và anh ấy không đổi. Chúng tôi hiểu nhau chỉ bằng một ánh nhìn”.

18 lần, De Paul thu hồi bóng từ các đường chuyền lỗi của đối phương nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào của Argentina tại vòng bảng và ngày càng chứng tỏ là lá chắn hoàn hảo của HLV Lionel Scaloni trong việc tạo điều kiện để Messi thăng hoa. De Paul cũng là cầu thủ chạm bóng nhiều nhất World Cup, với 336 lần. nhưng vẫn có tỷ lệ kiến tạo kỳ vọng thành bàn bằng không.

Tiền vệ này đã thực hiện 22 đường chuyền vào 1/3 cuối sân nhưng chỉ 3 đi đúng địa chỉ. Tuy nhiên, quá trình xuyên phá hoặc tác động hữu hình của De Paul khi cầm bóng là điều dễ thấy nếu anh vắng mặt. Vai trò của De Paul vượt xa công việc anh làm với trái bóng. Riêng chuyện De Paul mặc áo số 7 nhưng thi đấu ở vị trí tiền vệ trung tâm đã là điều kỳ lạ và phần nào phản ánh anh không phải là mẫu tiền vệ truyền thống.

Rodrigo De Paul: Bố mẹ ly dị, học bóng đá cùng ông nội và "lá phổi" của ĐT Argentina - Ảnh 7.

De Paul là mẫu tiền vệ chơi lăn xả, quyết liệt nhưng cũng không kém phần khéo léo.

Messi vẫn là chân chuyền sáng tạo nhất trong thế giới bóng đá. Siêu sao người Argentina là tác giả nhiều đường chuyền phát triển bóng hơn bất kỳ cầu thủ nào khác tại vòng bảng World Cup (26). De Paul không đứng cạnh Messi để phụ họa cho sự hào nhoáng ấy. Anh là phản đề của Messi tại Albiceleste, tay đồ tể luôn khiến đối phương e sợ trong trực giác.

Dưới thời Scaloni, De Paul thi đấu ở vị trí tiền vệ trung tâm lệch phải. Vì Messi có xu hướng bó vào trung lộ để thực hiện những cú thả bóng bằng chân trái sở trường, tiền vệ của Atletico hoạt động “bao phủ” xung quanh khu vực của Messi.

“Trên sân, tôi là số 8 còn anh ấy là số 10 – có một khoảng cách nhỏ giữa chúng tôi”, De Paul cho biết. “Sau buổi tập, tôi nhìn anh ấy tự lên phòng, tôi về phòng tắm rửa, lên tầng tượng, pha trà và nửa giờ sau, tôi gõ cửa phòng. Và nếu anh ấy ổn, chúng tôi cùng nhau hàn huyên”.

Rodrigo De Paul: Bố mẹ ly dị, học bóng đá cùng ông nội và "lá phổi" của ĐT Argentina - Ảnh 8.

Điều thú vị, trên sân, Messi và De Paul ít khi phối hợp với nhau. Trận đấu với Ba Lan, Messi và De Paul chỉ đứng thứ năm trong những cặp đồng đội chuyền bóng cho nhau nhiều nhất bên phía Argentina, chỉ chiếm 5% số đường chuyền của cả đội. Và đó là trận đấu cả hai chuyền cho nhau nhiều nhất.

Giao tiếp chủ yếu giữa Messi và De Paul là các tình huống không bóng. Ví dụ dưới đây trong trận gặp Ba Lan, bóng được luân chuyển về hướng Messi, lập tức De Paul từ phía sau lao lên phía trước Messi để La Pulga có thêm khoảng trống nhận bóng.

Rodrigo De Paul: Bố mẹ ly dị, học bóng đá cùng ông nội và "lá phổi" của ĐT Argentina - Ảnh 9.

Cách di chuyển này xuất hiện thường xuyên trong mọi trận đấu của Argentina. Khi Messi nhận bóng, De Paul lao lên kéo giãn cầu thủ phòng ngự đối phương. Messi không phối hợp với De Paul mà sẽ đột phá hoặc, như trong pha bóng này, mở bóng sang cánh trái cho Acuna.

De Paul đứng đó để hỗ trợ Messi, bù đắp cho những pha pressing, nguy cơ mất bóng và thiếu không gian của “số 10”.

Khi Messi rê bóng, De Paul sẽ tránh đường cho La Pulga. Khi Messi bị truy cản, De Paul xuất hiện để tranh chấp.

Rodrigo De Paul: Bố mẹ ly dị, học bóng đá cùng ông nội và "lá phổi" của ĐT Argentina - Ảnh 10.

“Chơi với anh ấy giống như chơi Truco (môn đánh bài phổ biến ở Nam Mỹ), chúng tôi có quân át chủ bài trong mọi ván bài”, De Paul nói. “Nếu biết trước có quân bài này, bạn luôn thoải mái và tự tin hơn. Đối với tôi, năng lượng càng tích cực hơn đến từ tình bạn”.

Tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Messi ở Qatar được thể hiện qua việc Argentina tiến vào chung kết. Nhiều người hâm mộ sẽ hy vọng gã cận vệ De Paul có thể che chắn cho siêu sao này đến phút cuối cùng.

Lionel Messi đang thể hiện phong độ "hủy diệt" tại World Cup 2022 nhưng HLV Herve Renard cảa Ả-rập Xê út - đội duy nhất lúc này thắng được Argewntina trên đất Qatar tính tới lúc này, khẳng định ông nắm được bí quyết để ngăn chặn siêu sao thuộc biên chế PSG.

"Để ngăn chặn Messi, bạn phải gây sức ép lên De Paul, mắt xích kết nối quan trọng nhất với anh ta trong đội hình Argentina. Bạn phải luôn giữ Messi cách xa trái bóng trong khoảng 35-40m và ngăn anh ta có bóng ở tư thế thoải mái", HLV Renard chia sẻ trên tờ L’Equipe.

Rõ ràng, nhà cầm quân người Pháp này đánh giá rất cao De Paul và nhận mạnh, chỉ cần chia tay tiền vệ này với Messi, lối chơi của Argentina sẽ trở nên bế tắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem