Sài Gòn vào hội làm tóc đón Tết

Hoàng Ba Đình Thứ hai, ngày 24/01/2022 07:53 AM (GMT+7)
Muốn biết dấu hiệu của Tết đến, thử ra đường mà trông. Cứ thấy con nít mới lớn đua nhau nhuộm đầu xanh, đầu đỏ đi diễu diễu ngoài đường... là biết Tết sắp tới.
Bình luận 0

Thi sĩ Nguyễn Bính từng viết rằng:

"Đã thấy xuân về với gió đông,

Với trên màu má gái chưa chồng.

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong".

Chuẩn bị Tết nhất đến nơi rồi, gió đông cũng đã về từ sớm. Nhưng chắc chắn năm nay ra đường khỏi thấy "màu má gái chưa chồng", bởi vì ra đường ai cũng đeo khẩu trang hết. Thấy má, thấy mặt... chắc cũng thấy mẹ luôn cũng không chừng.

Sài Gòn vào hội làm tóc đón Tết - Ảnh 1.

Xe đậu đông nghịt trước một hàng hớt tóc nam. Ảnh: H.B.Đ

Nay khó nhìn mặt, khó nhìn má... vậy nhìn gì để biết xuân đến? Theo chị Tú Trinh (quận 3), có một cách để dễ dàng nhận biết: Muốn biết dấu hiệu của Tết đến, thử ra đường mà trông. Cứ thấy con nít mới lớn đua nhau nhuộm đầu xanh đầu đỏ đi diễu diễu ngoài đường... là biết Tết sắp tới.

Và quả đúng thật, bởi tụi mới lớn đều trong độ tuổi đi học. Chắc chắn nhà trường không cho phép nhuộm xanh, nhuộm đỏ. Nên chúng chỉ có thể đua đòi vào những ngày giáp Tết, đi "mần cái đầu" ăn Tết, xong hết Tết nhuộm đen lại để trở lại nhà trường. 

Không chỉ tụi nhỏ, mà người lớn cũng kéo nhau đi đến những tiệm hớt tóc để làm tóc, cạo lông mặt, uốn mi..., tất cả chỉ nhằm để có được một ngoại hình ưng ý nhất để đón Tết.

Sài Gòn vào hội làm tóc đón Tết - Ảnh 2.

Một tiệm hớt tóc bình dân cũng khách khứa nhấp nhổm. Ảnh: H.B.Đ

Đặc biệt, từ độ rằm tháng Chạp, dịch vụ làm tóc vào đợt cao điểm. Lý giải nguyên nhân rằm tháng Chạp lại là "ngày toàn dân đi làm tóc", chị Phương Khanh (quận 1) cho rằng: Có 2 nguyên nhân để từ đầu tháng chạp mọi người phải làm tóc. Thứ nhất, với những chị em, thường thì sau khi làm tóc, phải mất từ nửa tháng tóc mới đẹp nhất. Cho nên, nếu để đến sát Tết mới làm, thì chắc chắn sẽ không kịp, tóc chưa kịp lên màu. Thứ hai, thường từ giữa tháng Chạp, hàng loạt đơn vị, công ty, xí nghiệp, nhóm bạn... đua nhau làm tất niên. Nên cũng phải có bộ tóc mới xịn xò để khoe trong những bữa tiệc ấy chứ.

"Như em có bà chị ruột, cứ trước ngày công ty đãi tiệc tất niên là phải làm tóc. Có năm trước ngày dự tiệc bị full lịch, là sáng ngày tất niên phải sang tiệm chầu chực từ sớm, đến lúc vào tiệm vẫn còn nguyên mùi làm tóc. Không chỉ làm tóc, có người còn đi "mài lại cặp đao", tức là đi kẻ lại đường xăm chân mày, sao cho sắc gọn nhất có thể. Mấy ngày này thì anh yên tâm đi, nếu mà gọi điện cho các salon làm tóc, làm móng... đảm bảo được đặt lịch chờ vào mấy ngày sau, chứ thợ làm không xuể, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", chị Khanh cho biết.

Sài Gòn vào hội làm tóc đón Tết - Ảnh 3.

Bên trong một saloon tóc. Ảnh: H.B.Đ

Mà cần gì đến những saloon cao cấp, dạo quanh một vòng các tiệm hớt tóc, làm tóc, thấy cả đống người ngồi chờ. Anh Lượng (Gò Vấp), chủ tiệm hớt tóc Lượng, cũng nói thêm: Mấy ngày nay khách đông đếm không xuể. Người ngồi chật cả tiệm. Thì cả năm tranh thủ được mỗi có mùa này. Đợt này coi như làm bù cho hẳn mấy tháng sau. Bởi với người kinh doanh làm tóc, sau Tết chính là "mùa giáp hạt", bởi sau Tết không có mấy ai làm tóc cả. Họa may là vớt được cái đầu của mấy đứa học trò hồi trước Tết đi nhuộm xanh, nhuộm đỏ nay phải đi nhuộm lại tóc đen để đi học.

Còn chị Minh Xuân (sinh viên) cũng nêu ý kiến: "Với sinh viên tụi em, trước khi nghỉ Tết về quê cũng tranh thủ đi làm tóc. Bởi anh cũng biết đó, ở Sài Gòn thợ thầy đầy đủ, tay nghề cao, nói gì thì nói làm vẫn đẹp hơn ở quê".

Sài Gòn vào hội làm tóc đón Tết - Ảnh 4.

Một quả tóc tết đủ màu. Nguồn: NVCC

Không chỉ có những người sinh sống, làm việc, học tập tại Sài Gòn, ngay cả những người ở địa phương khác cũng tin tưởng tay nghề của thợ tóc Sài Gòn nên cố gắng sắp xếp để lên Sài Gòn làm tóc. Chẳng hạn như chị Nguyễn Lan (An Giang) cho biết: "Từ cuối tháng 12 dương lịch, là em đã liên hệ với tiệm tóc quen thuộc để lên lịch làm tóc. Nhớ dạo lần đầu đi làm, em nói với mẹ là em đi Sài Gòn làm tóc Tết. Mẹ cũng tưởng làm tóc bình thường để ăn Tết. Rốt cuộc em làm tóc Tết rồi Tết lên tóc một đống màu xanh đỏ tím vàng. Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại nhìn muốn bật ngửa, nhưng dần dần mọi người cũng quen. Về quê đi đến đâu ai cũng nhìn, em hơi ngại nhưng khá là hài lòng".

Với các chị là thế, còn với các anh, cũng nhiều anh cũng điệu không kém. Theo như anh Lượng thì: "Cũng tùy người. Có anh vào ủi cái đầu cái là xong. Có anh lại đủ thứ kiểu cọ. Cũng uốn, duỗi, sấy, nhuộm... như các chị em. Thậm chí có anh còn lột mụn, cạo lông mặt, tỉa lông mi, cắt lông mày... đến mấy chị còn phải nhận là không điệu bằng".

Tết nhất mà, ai cũng muốn bản thân tươm tất nhất theo tiêu chuẩn của họ. Nên các thợ tóc, dù căng thẳng và áp lực, nhưng phải làm kỹ, làm cẩn thận. Lỡ cắt ẩu, hư luôn cái đầu là "tới công chuyện" với khách hàng luôn. Nhưng cũng khó tránh khỏi "tai nạn nghề nghiệp". 

Anh Lượng cho biết: "Tôi luôn tâm niệm rằng làm phải làm từ cái tâm. Đặc biệt làm tóc dịp tết càng cẩn thận hơn nữa. Nên chưa từng bị khách hàng mắng vốn. Tuy chưa bị khách mắng vốn, nhưng bị ba má của khách hàng mắng vốn rồi. Đó là lần nhuộm đầu xanh đầu đỏ cho mấy đứa trong xóm. Ba má tụi nó không chịu, nên lôi đầu nó ra bắt nhuộm đen trở lại. Dọa nó còn lần nữa thì cạo đầu nó luôn, không quên kèm theo lời mắng vốn dành cho tôi. Từ đó về sau, cứ thấy mấy cậu nhỏ tới kêu nhuộm tóc là tui kỹ lắm, rào đón cẩn thận rồi mới dám làm".

Dù gì đi nữa, cũng "Tết mà".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem