Những người làm sân khấu kịch bằng trái tim, bất chấp hậu quả!

Thủy Vũ - Thanh Tùng Thứ sáu, ngày 12/08/2022 07:00 AM (GMT+7)
Từng được biết đến là loại hình sân khấu độc đáo, luôn "cháy vé" trước giờ ra rạp, thế nhưng, hiện nay, đời sống của nghệ sĩ đang gặp vô vàn khó khăn. Những thay đổi của thời cuộc cùng thị hiếu của khán giả đã khiến cho ánh hào quang của sân khấu kịch dần mờ nhạt.
Bình luận 0

Sân khấu kịch – hào quang một thời

Hồi tưởng về những ngày sân khấu kịch còn là thị hiếu, "ông bầu" Thành Hội của sân khấu Hoàng Thái Thanh chia sẻ với Dân Việt: "Tôi từng sống trong thời kỳ của kịch nói. Khi đó, hoạt động lưu diễn luôn cực kỳ thu hút. Sau khi tốt nghiệp trường Sân khấu tôi về diễn tại đoàn kịch Cửu Long Giang từ năm 1981. Đây là đoàn kịch tiền thân của Nhà hát kịch TP. HCM bây giờ.

Những người làm sân khấu kịch bằng trái tim, bất chấp hậu quả - Ảnh 1.

Ông "bầu" Thành Hội của sân khấu Hoàng Thái Thanh và diễn viên Đoàn Minh Tài. Ảnh: NVCC

Ngày ấy, khán giả xếp hàng rồng rắn, nối đuôi nhau đi xem kịch. Những người diễn viên như chúng tôi lâu lâu mới có một vé mời với lời dặn "nếu bị bắt gặp đem bán vé chợ đen thì sẽ bị đuổi việc". Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chúng tôi cũng…. lén đi xa để bán những chiếc vé đó".

Xuất thân là một diễn viên trẻ đầy tài năng, NSƯT Mỹ Uyên đã gia nhập sân khấu 5B đến khi trở thành NSƯT, rồi thành bà bầu của sân khấu 5B. Nhớ về những kỷ niệm thời mới vào sân khấu và những giai đoạn giao thời lúc sân khấu kín rạp, NSƯT Mỹ Uyên bồi hồi kể với Dân Việt: "Tôi bắt đầu sự nghiệp và đến với sân khấu kịch thuở ban đầu là sân khấu bao cấp của đoàn kịch nói thành phố.

Trước đây, Sài Gòn có hai đoàn lớn và nổi danh nhất là Đoàn Kịch nói Thành phố và Đoàn kịch trẻ. Sau này, hai đoàn sát nhập thành Nhà hát kịch Thành phố. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã trải nghiệm công việc tại sân khấu chuyên nghiệp là Nhà hát kịch Thành phố. Sau đó, tôi mới về sân khấu 5B.

Những người làm sân khấu kịch bằng trái tim, bất chấp hậu quả - Ảnh 2.

NSƯT Mỹ Uyên và diễn viên Trung Dũng. Ảnh: NVCC

Khi về 5B, tôi gần như phải học lại từ đầu vì đó là mô hình sân khấu nhỏ, thoại trực tiếp không micro. Do đó, sau khi mở lớp dạy diễn xuất tôi vẫn nói các em cần phải luôn học qua từng vai diễn, qua từng tác phẩm mà ta nhận được.

Ngày trước sân khấu 5B cũng có vé mời nhưng ở 5B vé mời là niềm tự hào vì tôi không mời nhiều. Vở hay là khán giả bỏ tiền mua xem. Nhưng sau này để kéo khán giả trẻ đến rạp, tôi giảm giá vé 50%, ưu đãi cho sinh viên-học sinh".

"Khi đến với sân khấu 5B, tôi được các anh chị nhắc nhở, răn đe, hù dọa và có cả anh chị tích cực dạy tôi từng câu từ, bước đi, điệu bộ. Có quá nhiều hỉ nộ ái ố cho ngày đầu tiên bước chân vào đây. Từ đó, tôi rút kinh nghiệm và sau này tôi dặn các bạn trẻ làm gì cũng cần sự thật tâm hết mực.

Chỉ dạy bạn diễn bạn bằng tất cả tấm lòng thì mới có tác phẩm hay. Còn diễn chung mà e dè đố kị dòm ngó hơn thua, không thật thì bạn diễn cũng không thật lòng lại và như thế thì không thể nào cho ra vở diễn hay được.

Với tôi giai đoạn sân khấu 5B kín rạp chính là giai đoạn những năm 80 – 90. Khán giả không có hình thức giải trí khác, chiều tối đi xem kịch và xem ca nhạc, chưa có phòng trà, quán bar. Những năm 2000, khi hai loại hình này nổi lên thì sân khấu vẫn còn sống tốt. Nhưng khi kỹ thuật số nổi lên thì mọi thứ thay đổi, ngay cả đồ ăn cũng có thể đặt giao hàng tận nhà thì hình thức giải trí cũng quá nhiều lựa chọn dù ở nhà", NSƯT Mỹ Uyên ngậm ngùi cho phóng viên Dân Việt biết.

Đi qua ánh hào quang quá khứ sân khấu kịch, người nghệ sĩ vẫn cống hiến bằng cái tâm

Từng có thời gian thu hút khán giả là vậy, thế nhưng hiện nay sân khấu kịch đang dần tắt bóng, sức hút của những vở kịch cũng dần giảm đi theo thời gian. Trước thực trạng đáng buồn này, "ông bầu" của sân khấu Hoàng Thái Thanh chia sẻ với Dân Việt: "Rồi đến giai đoạn, đầu tuần tôi được phát một cọc thiệp mời để mời người coi kịch dùm, có thể nói vé mời của đoàn kịch Cửu Long Giang mà tôi nhận để mời có thể dán kín phòng ngủ. Đây là một minh chứng của thời kịch suy thoái.

Còn có đợt đi diễn ở tỉnh lúc đầu diễn bán vé. Sau đó Nhà nước thấy khổ quá nên cấp kinh phí cho diễn, tôi diễn lớp sau nên hay đi lòng vòng ngoài sảnh khám phá nơi mình diễn. Một lần tôi thấy đám thanh niên dừng xe trước cửa, một người lên tiếng: "Ê tụi mình vô coi kịch miễn phí đi. Một người khác nói "Vô một thằng xem vở hay không rồi cả đám mới vô chứ".

Những người làm sân khấu kịch bằng trái tim, bất chấp hậu quả - Ảnh 4.

Một vở diễn của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Ảnh: NVCC

Cũng theo chia sẻ của ông bầu Thành Hội: "Đoàn kịch phải diễn miễn phí mà người ta còn phải xem thử kịch hay mới vào xem, điều này chứng tỏ khán giả không còn "đói" văn nghệ như lúc xưa nữa. Thời đại số hóa thì khán giả có rất nhiều lựa chọn giải trí. Tôi diễn kịch từ lúc thịnh đến lúc suy nên việc sân khấu sáng đèn, đông khán giả ám ảnh tôi ghê gớm lắm.

Trong vai trò bầu show của sân khấu Hoàng Thái Thanh, chứng kiến sân khấu đang mất dần khán giả chúng tôi cũng biết "chòi đạp" để tìm đường sống chứ, chuyện lưu diễn không xa lạ với chúng tôi nhưng bây giờ đi lưu diễn là lỗ tới lỗ. Chúng tôi làm tác phẩm nghệ thuật, cảnh trí và diễn xuất của diễn viên hòa vào nhau như một bức tranh mà giờ đi diễn trong điều kiện sân khấu thiếu thốn mọi thứ, cứ bán vé miễn sao khán giả xem được diễn viên là bán vé thì chúng tôi không làm được. Tâm nghệ sĩ không cho phép tôi làm như thế!

Những người làm sân khấu kịch bằng trái tim, bất chấp hậu quả - Ảnh 5.

NSƯT Mỹ Uyên - bà "bầu Sân khấu 5B. Ảnh: NVCC

Với hướng đi mới của những vở diễn tử tế, đầy xúc cảm được trình bày theo hình thức mùa diễn, chúc cho những vở diễn sẽ lại đông kín người xem đúng với quan điểm: "Những giá trị không còn nhiều cơ hội chiêm ngưỡng sẽ giúp người ta trân quý".

Với ông "bầu" Thành Hội, ngày còn hưng thịnh, biết bao đoàn cải lương đi diễn khắp chốn xa gần, nhưng hiện nay, những đoàn kịch đi lưu diễn kịch nói đến nơi dựng sân khấu và diễn thì không bán được bao nhiêu vé. Có thể thấy, để mời gọi khán giả xem kịch lưu diễn ở thời điểm này là điều rất khó khăn.

"Thực trạng sân khấu lâm nguy chứ không phải sống được nên chúng tôi buộc phải thay đổi để tồn tại. Chúng tôi có thể thành công và ngược lại, nhưng mong mọi người hiểu cho một điều chúng tôi đã làm hết sức mình và làm bằng cả trái tim mình và bất chấp hậu quả.

Nói về vấn đề lưu diễn, tôi và NSƯT Ái Như đã có kinh nghiệm dày dặn của tuổi trẻ. Tuy nhiên, những kinh nghiệm đó không thể áp dụng cho thực trạng sân khấu hôm nay của chúng tôi. Vì hội trường có thể dựng thành sân khấu thì không có nhiều. 

Chúng tôi luôn trang bị hết sức có nền tảng tối thiểu cho đúng hai từ sân khấu. Chúng tôi muốn truyền tải cái đẹp của các vở đến cho người xem bên cạnh nội dung vốn có", ông bầu của sân khấu Hoàng Thái Thanh mong mỏi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem